Kiếm khách Ngọa Long Sinh

23/07/2009 09:52 GMT+7

(TNTT>) Trước khi Cổ Long nổi tiếng, Ngọa Long Sinh từng được mệnh danh là Thái Sơn Bắc Đẩu trên bầu trời văn chương kiếm hiệp. Ông cũng là một trong ba kiếm khách nổi tiếng trong giới tiểu thuyết gia võ hiệp Đài Loan (cùng Tư Mã Linh, Gia Cát Thanh Vân), từng sáng tác hàng chục bộ tiểu thuyết kiếm hiệp làm say lòng độc giả.

Từ thất học thành nhà văn nổi tiếng

Ngọa Long Sinh thuở thiếu thời gặp đúng thời loạn lạc, kháng chiến chống Nhật nên chỉ đi học được vài năm, mới học trung học được hai tháng. Do nhà nghèo, ông phải đăng ký đi lính để có lương ăn, và bị đẩy ra mặt trận. Năm 1948, ông được gửi đến đào tạo tại trường huấn luyện sĩ quan tại Nam Kinh và theo quân đội tới Đài Loan năm 1949, xuất ngũ năm 1955. Ông từng có thời gian thất nghiệp dài, thậm chí đã tính tới việc đạp xích lô kiếm kế sinh nhai. Những lúc rảnh rỗi chờ tìm việc, ông thường tranh thủ đọc tiểu thuyết kiếm hiệp để giải sầu và say mê từ lúc nào không hay. Ông nảy ra ý định sáng tác văn chương kiếm hiệp và gửi tác phẩm Phong trần hiệp ẩn tới Thành công vãn báo, không ngờ được độc giả rất yêu thích. Thấy nhuận bút thu về nhiều hơn cả lương sĩ quan của mình trước kia, Ngọa Long Sinh quyết định về Đài Trung, sáng tác truyện kiếm hiệp mưu sinh. Tại đây, bộ tiểu thuyết Kinh hồng nhất kiếm chấn giang hồ của ông được đăng liên tục trên Dân Thanh Nhật Báo, gây chấn động các fan ham thích kiếm hiệp. Ngọa Long Sinh càng tự tin hơn khi thấy con đường mình lựa chọn là đúng đắn. Ông quyết tâm tới Đài Bắc lập nghiệp năm 1959 và vụt nổi như cồn sau khi bộ tiểu thuyết thứ 3 Phi Yến kinh long được đăng dài kỳ trên Đại Hoa vãn báo. Đây cũng là bộ tiểu thuyết đánh dấu vị trí Thái Sơn Bắc Đẩu của ông trên văn đàn kiếm hiệp.

Ngọa Long Sinh nhanh chóng nổi tiếng lẫy lừng trong giới văn chương võ hiệp, liên tục nhận được các lời mời đặt hàng sáng tác từ đại lục, Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Thái Lan. Nhuận bút của ông thời đó đã gấp 300 lần lương sĩ quan của ông trước kia. Ở tuổi 30, Ngoại Long Sinh đã đứng trên đỉnh cao trong sự nghiệp. Do được đặt hàng quá nhiều viết không xuể dài kỳ trên các báo, Ngọa Long Sinh thành lập một nhóm viết, vạch sẵn sườn ý và cắt đặt người viết. Vì vậy nội dung và tay nghề kỹ thuật của các tác phẩm của ông thường không đều tay. Trong số 46 bộ tiểu thuyết kiếm hiệp của ông, có tới 10 bộ bị nghi vấn là người khác viết thay một số phần. Sách của Ngọa Long Sinh ăn khách đến nỗi trên thị trường ở đại lục, Hồng Kông và Đài Loan phải có tới 150 bộ tiểu thuyết giả danh Ngọa Long Sinh. Ông cũng là tiểu thuyết gia bị mạo danh nhiều nhất trong lịch sử văn chương kiếm hiệp Hoa ngữ. Trong cuộc sống, ông được đánh giá là người hiền lành, quan hệ rất thuận hòa với mọi người, đặc biệt rất “đam mê” kiếm tiền.

Từ trái sang: Áp phích phim được chuyển thể từ tác phẩm của Ngọa Long Sinh, các tác phẩm của Ngọa Long Sinh

Từ sách tới phim

Do Ngọa Long Sinh có tài xây dựng tình tiết, tài kể chuyện cuốn hút và chiếm được một lượng lớn độc giả nên các tác phẩm của ông được các nhà làm phim cương quyết không bỏ lọt.

Từ năm 1960-1980 là thời kỳ hoàng kim trong sáng tác của Ngọa Long Sinh, đồng thời cũng là thời kỳ hoàng kim của phim võ hiệp ở Hồng Kông và Đài Loan. Rất nhiều tác phẩm của Ngọa Long Sinh đã được chuyển thể thành phim truyện và phim truyền hình dài tập như Phi Yến kinh long, Ngọc thoa minh, Song Phượng kỳ…, phát hành rộng rãi sang cả thị trường đại lục. Thắng lợi trên phim ảnh mang lại cho ông cả danh tiếng lẫn tiền bạc. Nhận thấy rõ nguồn lợi kinh tế to lớn từ phim ảnh, Ngọa Long Sinh đã nhận lời làm biên kịch cho công ty truyền hình Trung Hoa tại Đài Loan, chuyên tâm sáng tác kịch bản phim truyền hình suốt 8 năm với nhiều kịch bản rất có tiếng vang.

Tuy nhiên cũng trong thời kỳ này, ông vẫn không ngừng sáng tác tiểu thuyết kiếm hiệp nhưng chất lượng sụt giảm. Do quá đam mê kiếm tiền, Ngọa Long Sinh không ngừng đầu tư tiền làm kinh doanh, trong đó có cả đầu tư vào truyền hình, xuất bản… nhưng đều không thành công. Cũng giống một số bạn văn khác như Cổ Long, Gia Cát Thanh Vân…, Ngọa Long Sinh cũng nghiện rượu và thuốc rất nặng, đam mê tửu sắc, thường xuyên là khách quen của các quán bar vũ trường, chơi bời rất bạt mạng. Do cường độ làm việc và cường độ ăn chơi đều quá đà, ông từng có thời kỳ bị bệnh nguy kịch năm 1988, phải nằm viện suốt