Phía sau cánh cổng nhà máy - Bài 1: Nỗi niềm “lính mới”

21/07/2009 10:15 GMT+7

LTS: Ai cũng biết, nhờ chính sách mở cửa, đổi mới, làn sóng đầu tư đã ồ ạt đổ vào Việt Nam. Nhiều KCX-KCN hình thành, nhiều nhà máy xí nghiệp mọc lên.

Hàng trăm ngàn lao động nông thôn có việc làm và  thu nhập khá ổn định. GDP của đất nước, theo đó cũng ngày một tăng cao. Sự đóng góp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước nhà là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đó, không ít nhà đầu tư đã mang vào Việt Nam những công nghệ thiết bị lạc hậu, những ngành nghề sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà từ lâu đã không thể tồn tại ở đất nước họ. Đáng nói hơn, có một số nhà đầu tư còn khai thác những bất cập của luật lệ, quy định bảo vệ người lao động ở Việt Nam để đối xử với công nhân thật tàn tệ.

Để có cái nhìn thực tế phía sau cánh cổng nhà máy, nhóm phóng viên Báo SGGP đã xin vào làm công nhân (CN) ở 3 công ty: Công ty TNHH H.K (Công ty dệt may 100% vốn Đài Loan - KCX Linh Trung 1); Công ty TNHH Y.V (Công ty may, 100% vốn Hàn Quốc - KCX Linh Trung 2) và Công ty TNHH N.C (Công ty điện tử, 100% vốn Nhật Bản - KCX Tân Thuận)…

Thời gian này, các KCX-KCN đều than “khát” lao động. Dạo vòng quanh các nhà máy, xí nghiệp, nơi đâu cũng treo bảng tuyển dụng với vô số những ưu đãi, chào mời. Thoạt nhìn, cũng tưởng công nhân (CN) dễ dàng tìm kiếm việc làm với chế độ đãi ngộ tốt hơn. Thế nhưng, khi trực tiếp cầm bộ hồ sơ đi xin việc, chúng tôi mới biết sự thực không phải như vậy.

Xin việc

 

Công nhân mới được tập trung tại một khu riêng để nhận đồng phục. Ảnh: HOÀNG ANH

Mới hơn 6 giờ sáng một ngày đầu tháng 7, tôi đã có mặt tại Công ty may Y.V trong KCX Linh Trung 2. Trước đó, tôi cũng đã điện thoại đến phòng nhân sự công ty để xác minh lại thông tin công ty đang cần tuyển nhiều lao động và nhờ hướng dẫn thủ tục xin việc. Lời mời ngọt lịm của anh nhân viên bên kia đầu dây điện thoại khiến tôi tin chắc thế nào mình cũng được nhận vào làm ngay. Cánh cổng sắt đóng im ỉm.
 
Tiếp tôi là một nhân viên bảo vệ dáng vẻ lầm lì. Sau khi lướt mắt qua bộ hồ sơ 1 lượt, anh ta hất hàm: “Hộ khẩu, CMND, tạm trú tạm vắng, đơn xin việc, sơ yếu lý lịch chưa công chứng. Về làm đủ các công đoạn rồi trở lên!”. Dù tôi đã một mực thanh minh rằng anh nhân viên phòng nhân sự bảo một số giấy tờ không cần công chứng, rằng tôi sẵn sàng đưa bản chính để công ty đối chiếu nhưng… vô hiệu!

Sáng hôm sau, tôi cầm bộ hồ sơ đã công chứng đầy đủ đến công ty với hy vọng nộp hồ sơ, phỏng vấn xong là vào làm luôn. Lần này tiếp tôi là một nữ bảo vệ. Xem xong hồ sơ, cô “phán”: “Hồ sơ đủ nhưng bữa nay quản lý nhân sự đi vắng. Bảy rưỡi sáng mai mang hồ sơ đến rồi đi làm”. Cánh cổng sắt lại đóng sầm trước mặt!

Đúng 7 giờ 40 sáng ngày thứ ba, tôi có mặt tại công ty. Lần này, tôi được phỏng vấn. Khi tôi hỏi nội quy của công ty, luật lao động và bày tỏ rằng mình không có chuyên môn, tay nghề, anh quản lý nhân sự tên Hoặc khua tay: “Em cứ chăm chỉ đi làm đúng giờ là được, chẳng cần biết luật gì nhiều”.

Thấy tôi tần ngần, anh này nói tiếp: “Vào làm thợ phụ rồi tranh thủ nhờ thợ chính chỉ việc, mấy tháng là thành thợ chính hết”. Tôi dợm bước vào làm thì được ngăn lại bằng một lời hẹn: “Hôm nay thứ bảy. Chủ nhật này CN nghỉ nên sáng thứ hai em bắt đầu làm”. Tôi dắt xe về, bụng nhẩm tính: chỉ riêng công đoạn để “đút” được bộ hồ sơ vào công ty, tôi đã mất toi ba ngày không công và năm sáu chục ngàn tiền đổ xăng.

Ở Công ty N.C trong KCX Tân Thuận, sau khi  nộp hồ sơ và đóng 50.000 đồng tiền phí cho Trung tâm giới thiệu việc làm KCX, tôi nhận được một phiếu hẹn thi tuyển vào ngày 3-7. Sáng 3-7, tôi đến công ty thì được bảo vệ cho hay nhân viên công ty sắp đi du lịch, hẹn đầu tuần sau quay lại.

Sáng thứ hai, tôi đến công ty từ rất sớm thì lại được bảo vệ lạnh lùng phán: “Có nhận được điện thoại của công ty chưa mà tới? Mỗi ngày công ty chỉ nhận phỏng vấn 10 người thôi. Về nhà chờ điện thoại đi!”.

Quá bức xúc, tôi chạy ra cổng KCX, đến trung tâm giới thiệu việc làm khiếu nại. Sau nhiều cuộc điện thoại của cán bộ trung tâm, tôi được lệnh cầm tờ giấy giới thiệu trở lại công ty để gặp một người tên Tuấn. Phải mất thêm mấy cuộc điện thoại từ phòng bảo vệ và đứng chờ ngoài nắng khá lâu, tôi mới được dẫn vào trong. Tiền hung hậu kiết, tôi không phải qua vòng phỏng vấn mà được nhận giày, nón, khẩu trang và đồng phục để làm CN học việc ngay.

Trò chuyện với những CN mới được nhận vào làm việc, tôi biết được thì ra nhiều người phải chờ từ 3 ngày đến 1 tuần, có khi lâu hơn mới được gọi vào phỏng vấn dù công ty đang rất thiếu lao động. Khi đã nộp hồ sơ với rất nhiều giấy tờ, con dấu và phí thi tuyển, ít có CN nào bỏ ngang mà buộc lòng phải chờ.

Sau này, tôi mới biết đó cũng là một cách “làm giá” của các công ty để tạo cho CN cảm giác họ cần việc chứ công ty không cần họ. Có như vậy, khi vào làm, CN mới ngoan ngoãn, chịu nghe lời, dù có bị thế nào.

Phận... lính mới

Ở Công ty may Y.V (KCX Linh Trung 2) có 2 cái máy lọc nước để khá gần nhà vệ sinh. Bên trên máy lọc có dán một tờ giấy kiểm nghiệm chất lượng nước không nhiễm khuẩn hồi cuối tháng 6-2009 của Viện Pasteur TPHCM. Thế nhưng chỉ nhìn bằng mắt thường, tôi đã thấy cái ống lọc bị bám đầy rêu, cặn.

Để uống nước, mỗi CN phải tự trang bị ly hoặc chai. Bên cạnh máy lọc có niêm yết hàng chữ khá to: “Cấm CN uống chai nước của người khác”. Vì thế, những CN mới đến như chúng tôi không có ly đành nhịn khát. Cơm trưa xong, tôi ghé căn tin công ty mua nước ngọt, chủ yếu để lấy cái ly nhựa. Nhưng thật bất ngờ, những CN trước đó được mua nước có ly. Đến phiên tôi thì nước ngọt được bỏ vào túi ni lông. Khi tôi xin rót nước vào ly nhựa như mọi người thì cô nhân viên gắt giọng: “Không được, đã bỏ vào đây (chỉ vào túi ni lông) rồi thì không bỏ vào đâu được nữa”. Một cô bạn đồng nghiệp đứng gần nói nhỏ: Nhìn quần áo, bả biết mi là CN mới (những người mới vào chưa được phát áo đồng phục - PV) nên không cho ly đâu!

Ở Công ty may H.K (KCX Linh Trung 1), sự phân biệt nằm ở cái ghế gỗ. Ngày đầu tiên đi làm, tôi được phân công vào bộ phận kiểm phẩm. Vừa xuống tới xưởng, thấy mấy chiếc ghế để trống, tốp CN mới chúng tôi định ngồi lên thì có tiếng quát: “Để ghế cho mấy người rành việc ngồi làm. Người mới qua bên bàn kia mà đứng!”. Thế là toàn bộ nhóm CN mới được đưa sang 1 khu riêng và bắt đầu học việc trong tư thế đứng.

Ban đầu, ai cũng hy vọng sau khi học xong những công đoạn kiểm phẩm thì sẽ được ngồi. Thế nhưng tất cả chúng tôi đều lầm. Không có chiếc ghế nào dành cho người mới cả. Hôm đó, chúng tôi phải đứng suốt 12 tiếng. CN nào quá mỏi chân, tựa mình vào kệ để hàng một chút là lập tức bị quản lý mắng. Đến giờ giải lao, hai chân tôi đã tê cứng.

Ngày đầu tiên làm công nhân tại Công ty điện tử N.C, tôi cũng được sung vào bộ phận kiểm hàng. Sau khi dặn dò vài câu, chị chuyền phó không giao việc cụ thể mà bỏ tôi tự xoay xở giữa một chuyền máy mà mọi người ai cũng cắm mặt làm, không có ai nói với ai câu gì.

Đứng xớ rớ được một lúc thì có cô CN đưa cho tôi 1 khay gồm vô số những linh kiện điện tử, mỗi linh kiện nhỏ bằng phân nửa đầu ngón tay út và yêu cầu lật ngửa tất cả những chi tiết đó. Tôi cặm cụi làm được một lúc lâu thì nghe có tiếng trò chuyện nhỏ phát ra sau lớp khẩu trang:

- Mày bắt nó lựa đồ cho mày hả? Ác vừa thôi con!

- Thì nó mới vô, chưa biết làm gì, tao kêu làm là phước, còn hơn để nó đứng không nghe chửi à…

Theo M.Hương- T.Hợp- H.Dung / Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.