Phía sau cánh cổng nhà máy - Bài 2: Chuyện thường ngày ở xưởng

21/07/2009 13:08 GMT+7

Trước khi đi thực tế, chúng tôi đã được dặn dò phải thông tin rất khách quan, không được “tô hồng” cũng như “bôi đen”.

Và dù đã rất cố gắng thực hiện đúng chỉ đạo…, nhưng khi tổng hợp thông tin, kể lại cho nhau nghe thì cả 3 chúng tôi đều thấy xót xa. Chi tiết có thể khác nhưng thực trạng mà chúng tôi trải qua và ghi nhận được đều giống nhau: Kiếm và giữ được một chỗ làm sao mà tủi và cực quá!... Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn hy vọng những chuyện mình chứng kiến, ghi lại dưới đây chỉ là chuyện cá biệt ở một vài nhà máy, xí nghiệp mà chúng tôi đã rủi ro “đầu quân”…

Chửi tập thể, mắng dây chuyền

Đi làm buổi sáng, buổi chiều, tôi đã được chứng kiến cảnh chị Huỳnh Thị Bích Ngoãn, CN làm chung chuyền bị mắng vì làm không đủ số lượng. Tiếng chị Chung, tổ trưởng gay gắt: “Người ta được mấy chục cái, mình mò mò hoài mới được mười mấy cái. Đây là công ty chứ không phải công viên mà vào đây chơi!”. Sau mỗi tiếng chì chiết của chị Chung, chị Ngoãn lại cúi gằm, vục mặt vào đống áo khoác. Sau cùng, không chịu được nữa, chị bật khóc. Chị Chung vẫn chưa tha: “Khóc à, oan ức gì mà khóc?”.

Ở xưởng, mỗi tổ khoảng hơn 10 CN thì đã có 1 tổ trưởng, 1 tổ phó quản lý. Đó là chưa kể các vị cấp trên như: chuyền phó, chuyền trưởng, đốc công, trưởng kho, chuyên gia nước ngoài… Do vậy CN làm việc luôn lo lắng là mình có bị các vị quản lý “ngắm” từ xa hay không.

“Làm thế thì nhảy lầu tự tử đi!”

Thấy tôi quá đỗi ngạc nhiên sau màn chửi mắng của ông chủ, đứng cạnh tôi, chị Nguyễn Thị D. bĩu môi: “Như vậy mà ăn nhằm gì. Ở công ty F, cũng trong KCX Linh Trung 2 này nè, mấy ông chuyên gia người Đài Loan biết rành tiếng Việt chửi mắng còn thậm tệ hơn nhiều. CN đứa nào hễ làm sai là bị chỉ tay vào mặt chửi ngay: “Mày nhảy lầu mà tự tử đi! Làm vậy mà khi lãnh lương không thấy xấu hổ hả?”.

Còn nữ CN Bùi Thị M. cho biết, chỉ vì nghe chửi nhiều tức quá nên chịu đựng được hơn 3 tháng phải bỏ công ty F, chạy qua công ty này làm. “Vậy mà vô làm mới thấy ở đây còn cực hơn nhiều. Em tính rút hồ sơ mà công ty không cho rút nên phải ráng làm hết tháng lãnh lương, đợi ở nhà gửi hồ sơ vào sẽ xin công ty khác” - M. nói, giọng buồn xo.

Lý do để CN bị mắng thì có vô thiên lủng: đi trễ, nghỉ phép, đi vệ sinh nhiều, đi vệ sinh lâu, làm chậm, làm sai, hàng bị lỗi, bị trả lại, nói chuyện trong giờ làm việc, thấy chuyên gia không chào, di chuyển nhiều lần, tựa chân vào kệ hàng, nghỉ giải lao quá giờ quy định, đang trong giờ làm mà ngồi, để dép, để khay đựng cơm không đúng chỗ. Thậm chí, CN nào yếu quá, xỉu nhiều cũng bị mắng! Tuy nhiên, nghiệm lại tất cả những lý do thì lý do làm chậm, làm không đủ lượng là bị mắng chửi nặng nề nhất.

Tôi làm ở bộ phận kiểm phẩm. Vì sản phẩm áo lạnh của công ty là áo hai mặt nên sẽ có một số CN kiểm mặt trong (mặt trái) và một số kiểm mặt ngoài (mặt phải). Theo quy định của quản lý, kiểm mặt ngoài phải đạt 22 cái/giờ mới đạt yêu cầu. Tổ trưởng hoặc tổ phó có nhiệm vụ đứng ghi lại số lượng của từng CN. Những CN nào làm không đủ số lượng trong giờ đó là bị mắng. Trong xưởng may, không ngày nào, giờ nào thiếu vắng tiếng nhắc nhở, la mắng vang lên ở đâu đó.

Những câu nhắc nhở, la mắng quen thuộc như: “Làm lẹ lẹ giùm đi mấy mẹ, ngồi đó mà mò”, “Mấy đứa bây bị bệnh hết rồi hả, ngủ hết rồi hả? Từ chiều đến giờ mà có được mấy cái thôi à?”. Ở bộ phận của tôi, CN mới thì đứng làm, CN cũ thì được cấp 2 người/ghế để thay phiên nhau ngồi làm. Nhưng khi chuyền trưởng nổi cơn thịnh nộ thì tất cả CN đều được nghe một câu quen thuộc: “Mấy con quỷ, bỏ cái ghế ra, đứng hết xuống đất làm hàng nhanh, đủ số lượng cho tao”. Lúc đó, tất cả ghế bị tịch thu và toàn bộ CN phải đứng làm như nhau.

Ở công ty, CN còn bị mắng… dây chuyền. Lần đó, đang tập trung ngồi ủi áo khoác thì tôi giật thót mình vì tiếng la rất lớn của một người đàn ông mà mọi người gọi là ông chủ. Ông chủ không rành tiếng Việt. Ông chỉ tay vào mặt một CN tổ kiểm hàng đứng cách tôi chỉ vài mét rồi xổ ra một tràng xí xố. Mặt cô CN xanh tái vì sợ. Khi ông chủ quay đi, lập tức, những lời chửi mắng được các vị chuyền trưởng, chuyền phó, tổ trưởng, tổ phó thay nhau phiên dịch và thêm thắt vào đó cơn thịnh nộ của mình.

Sau màn la mắng cá nhân thì toàn bộ CN trong tổ bị chấn chỉnh một lần nữa với câu nói quen thuộc nhưng rất khó chịu: “Hai con mắt để đi đâu mà những lỗi sờ sờ ra đó cũng không thấy?”. Như đã thành lệ, trong xưởng tồn tại một kiểu mắng dây chuyền. Cấp trên la cấp dưới, cấp dưới mắng cấp dưới hơn. Điểm dừng cuối cùng của dây chuyền la mắng là CN. Dĩ nhiên, đến lúc đó, những lời la mắng đã được khuếch đại lên cả chục lần.

Nỗi lo sa thải!

Ngày đầu nhận việc ở Công ty Điện tử N.C, nhóm CN mới chúng tôi được đưa về một phòng nhỏ để học tập nội quy.

Tiếng cô nhân viên nhân sự rành rọt, đầy vẻ tự hào: “Ai cũng nói: Vô N.C là để tăng ca kiếm tiền. Các bạn vô được tới đây rồi thì đừng có vi phạm nội quy mà bị sa thải. Công ty đông nên tới giờ cơm, mỗi người chỉ được lấy một phần cơm, không được lấy giùm, không được lựa chọn. Ăn xong mà không dọn dẹp là bị nhân viên bảo vệ cảnh cáo, lập biên bản. Người nào bị cảnh cáo 3 lần là bị sa thải. Trong vòng 1 tháng, người nào đi trễ quá 3 lần là bị sa thải. Nghỉ không phép 5 ngày trong 1 tháng là bị sa thải. Nghỉ quá 20 ngày trong 1 năm cũng bị sa thải. Đi giày của công ty khi đã ra khỏi khuôn viên, đi làm mà quên nón, quên khẩu trang, trong giờ làm việc mà trốn đi uống nước, đi vệ sinh cũng đều bị lập biên bản. Người nào nhận được 3 biên bản là coi như bị đuổi việc…

Suốt hơn 2 tiếng đồng hồ “học tập”, CN mới ai cũng choáng váng đầu óc. Trong đầu người nào cũng chỉ còn tồn tại một ý nghĩ: “coi chừng bị… sa thải!”.

Bước qua cánh cổng công ty là vào dễ, ra khó. Công ty quy định trong giờ làm, CN tuyệt đối không được ra ngoài với bất cứ lý do gì. Trường hợp đau yếu, gia đình có việc khẩn thì CN cũng phải xin được 3 chữ ký của cấp quản lý thì bảo vệ mới chịu mở cổng. Khi có đầy đủ chữ ký rồi, CN còn phải qua một màn khám xét cơ thể rất kỹ lưỡng.

Ai lỡ “cầm nhầm” một thứ gì của công ty, dù là nhỏ nhất, cũng bị xử lý. Nếu nặng thì bị sa thải và giải lên công an. Nhẹ thì bị mắng chửi, cảnh cáo, lập biên bản. Khi có 3 biên bản cảnh cáo, CN chỉ có một con đường cuốn gói ra đi mà không nhận được bất cứ chế độ gì .

> Bài 1: Nỗi niềm "lính mới"

Theo M.Hương- T.Hợp- H.Dung / Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.