Nạn nhảy cầu Bãi Cháy tự tử: Hoang đường và sự thật

20/07/2009 11:47 GMT+7

* Kỳ 1: Oan hồn thành tinh bắt người Cầu Bãi Cháy, TP Hạ Long (Quảng Ninh) là cầu dây văng dự ứng lực một mặt phẳng hiện đại nhất Đông Nam Á. Thế nhưng, như một nghịch lý, từ khi hoàn thành, rất nhiều người đã tới đây để tự tử. Nhiều người gọi cầu Bãi Cháy là cầu tự tử, cầu bị quỷ ám...

Vì sao vậy?

Liên quan những vụ nhảy cầu Bãi Cháy tự tử có nhiều câu chuyện truyền khẩu mang yếu tố hoang đường. Ly kỳ và phổ biến nhất là chuyện oan hồn trên dòng Cửa Lục thành tinh bắt người.

Đồn rằng. một ngày nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đi qua cầu Bãi Cháy. Bất giác, bà nghe thấy những tiếng khóc, kêu cứu của những oan hồn bị quỷ dữ cử đến đây bắt người.

Chuyện hư ảo mà có nhiều người tin. Mới đây, chính quyền tổ chức một buổi cầu siêu cho những linh hồn chết trên biển cả. Buổi lễ có cả nghìn người tham dự và chủ yếu là những người có thân nhân bị chết trên biển. Người ta mang tới đây nhiều tiền, hương cúng để mong linh hồn người thân siêu thoát.

Sau sự kiện này, cư dân địa phương lại có dịp thêu dệt rằng, khi làm lễ xong, thả vàng, hương,... chiếc cầu trắng bằng giấy để vong người chết đi lên niết bàn bỗng dưng đen lại vì những vết chân hồn được xá tội. Nhưng, có một vong hồn dù cúng tế thế nào cũng không chịu lên.

Vong hồn ấy chính là của kỹ sư người Nhật chết trong khi thi công cầu Bãi Cháy. Những kẻ mê tín kết luận: Có lẽ vì hồn người này chưa siêu thoát nên nạn nhảy cầu vẫn xảy ra?

Một chuyện hoang đường khác là, tại hai bờ Cửa Lục, có hai miếu thờ rất thiêng. Một đã mất, một vẫn còn nhưng hương khói thờ ơ nên các thần giận...

Đem câu chuyện này trao đổi với người gác cầu, ông Trần Văn Kiểm, đội trưởng đội bảo vệ cầu Bãi Cháy, cho biết, đúng là có chuyện đồn thổi như vậy. Nhưng, ông Kiểm cho là hoàn toàn không có cơ sở. Từ mặt cầu Bãi Cháy tới mặt nước khi thủy triều dâng cao nhất là 50 m. Thủy triều càng xuống thấp thì độ cao càng tăng.

Con người rơi xuống nước từ độ cao trên như quả dưa rơi từ cao ốc xuống nền bê tông. Khi tiếp xúc với mặt nước, xương, nội tạng đều dập vỡ và chết ngay. Nếu chưa thì sau đó cũng chết đuối.

Thậm chí đối với một số người, rơi tự do xuống từ độ cao trên 35 m thì đã không có cơ hội sống sót. Tới nay, chỉ có một người duy nhất còn sống sau khi nhảy xuống biển từ cầu Bãi Cháy.

 
Danh sách những vụ nhảy cầu Bãi Cháy được đội bảo vệ cầu ghi lại khá chi tiết

Cô gái tên N.T.V, 16 tuổi, nhảy cầu ngày 23/6/2009, khi vớt được lên bờ vẫn thở nhưng sau đó chết mà không thể cấp cứu. Một nạn nhân nữ quê Hòa Bình sống được vài ngày trong bệnh viện nhưng cũng không qua khỏi.

Hầu hết những người tự tìm tới cái chết đều còn rất trẻ. Trong một phút không kiểm soát được bản thân, họ có ý định tự tử dù chỉ mới thoáng qua trong đầu và thực hiện ngay nếu có điều kiện. Ông Kiểm cho rằng rất có thể độ cao “lý tưởng” của cây cầu đã khiến những ai có ý định tự tử tìm tới.

Mới đây, một thanh niên mắc bệnh tâm thần phân liệt đã nhảy cầu Bãi Cháy để lập kỷ lục. Tính mạng hiện nay chưa biết ra sao, vì đã được đưa về quê nhà sau khi được cấp cứu ở bệnh viện. Tuy nhiên, đây là một trường hợp hy hữu, gần như là duy nhất. 

Ông Bùi Kim Ta, 68 tuổi, trú tại phường Yết Kiêu, TP Hạ Long, chuyên câu cá dưới dầm cầu Bãi Cháy, người nhiều lần vớt những xác chết do nhảy cầu, cho rằng số người nhảy cầu tính đến nay đã trên hai chục. Bà Trần Thị Bính, 80 tuổi, bán hàng nước ngay cạnh chân cầu, gần với nơi đặt những xác nạn nhân được vớt lên, cũng đồng ý với nhận định của ông Ta.

Ông Ta khẳng định, xác nạn nhân được vớt lên chủ yếu đặt tại bến phà Bãi Cháy phía Hòn Gai, làn dành cho xe tải. Tình  trạng của tử thi cực kỳ thê thảm. Dập nát toàn thân, máu chảy ra từ miệng, mũi, tai, có khi cả thất khiếu. Nhiều trường hợp khi vớt lên xác đã trương, bị cá rỉa mất nhiều phần cơ thể.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh, người sống nhiều năm tại khu vực gần cầu Bãi Cháy, cho biết, khi chưa có cầu Bãi Cháy, tại TP Hạ Long thi thoảng mới xảy ra một vụ tự tử. Số người tự tử nhiều hơn từ khi có cầu Bãi Cháy. Trong một bài báo trên Tiền Phong, khi vụ nhảy cầu đầu tiên xảy ra tác giả đã tỏ ra lo ngại chiếc cầu này sẽ là nơi lý tưởng để quyên sinh.

Rất nhiều lần đi trên cầu Bãi Cháy nhưng, để viết bài này, một đêm, người viết theo chân nhân viên bảo vệ Phan Văn Hạnh, đi tuần cầu. Tôi hỏi, anh đã nhìn thấy người nhảy cầu lần nào chưa. Rồi. Sao không ngăn? Không kịp. Dù chỉ cách nạn nhân một mét cũng chưa chắc túm được vì chỉ ưỡn người nhấc chân là qua cầu.

Đến lúc này tôi mới để ý đến lan can cầu Bãi Cháy chỉ cao chừng 1,5 mét. Tựa tay vào lan can cầu, tôi áng chừng với chiều cao của mình thì quả thật rất dễ nhảy ra khỏi cầu. Thử bước chân lên lan can, tôi thấy chỉ cần buông tay là rơi. Bước xuống khỏi lan can cầu, tôi khẽ rùng mình, lạnh toát. Trên cầu, điện rực sáng nhưng bên cạnh là một khoảng đen mênh mông, hun hút. Ánh trăng hắt xuống biển một đốm trắng in rõ những con sóng lăn tăn. Vội ngồi xuống như sợ mình rơi vào hư vô bởi biết đâu nhỡ chân, chóng mặt...

Những câu chuyện, những cái chết khiến tôi gần như tê lạnh. Gió trên cầu vẫn rít, cộng âm thanh rầm rập từ  những chiếc xe chở container nặng nề khiến mặt đất nơi tôi đứng rung lên bần bật. Lau mồ hôi, tôi bảo anh Hạnh dừng lại nghỉ. Xuyên qua song sắt lan can cầu Bãi Cháy, vịnh Hạ Long là một màn đen. Tôi đang ở rất gần giới hạn giữa sống và chết chỉ bằng cái buông tay.

Đêm ấy, kỷ niệm đáng nhớ với anh gác cầu chính là khi tôi ngồi bên lan can cầu, nói chuyện cùng anh. Ngay lúc ấy có một đám thanh niên cởi trần đi xe máy đến dừng lại và hét to cổ vũ: "Cứ để nó nhảy đi, bình tĩnh mà nhảy xuống nhé".

Trước vẻ kinh ngạc của tôi, anh Hạnh giải thích,  có lẽ vì đêm khuya, lại thấy một bảo vệ cầu vận đồng phục, tay lủng lẳng dùi cui, cúi người nói chuyện với một người dáng mệt mỏi (là tôi) nên họ nghĩ tôi là một người định nhảy cầu mà anh bảo vệ vừa ngăn được.

Anh Hạnh bảo, bây giờ cứ thấy ai đứng một mình ở lan can cầu người đi đường lại nghĩ là định nhảy cầu tự tử...

Ông Trần Văn Kiểm, đội trưởng bảo vệ cầu Bãi Cháy, cho biết tính cả người đầu tiên nhảy cầu (khi cầu Bãi Cháy còn chưa hoàn thành), đến nay đã có 14 người nhảy từ cầu xuống biển và hàng chục vụ có ý định tự tử nhưng được ngăn chặn kịp thời.

Trong số nạn nhân mới nhất chết vì nhảy cầu Bãi Cháy có một người chưa đầy 16 tuổi, trẻ nhất, và một người 49 tuổi, nhiều tuổi nhất. Theo ước tính, từ khi cầu Bãi Cháy đi vào hoạt động tới nay được hơn 30 tháng, trung bình cứ hai tháng có một người chết vì nhảy cầu. Năm 2007 có nhiều người nhảy cầu nhất, năm vụ, năm người chết. Người lên cầu tự tử không chỉ sinh sống tại TP Hạ Long còn từ nơi khác tới…

Đó là thống kê của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nhiều người sống phía dưới chân cầu Bãi Cháy phía Hòn Gai cho rằng, ít nhất có tới hai chục vụ nhảy cầu tự tử. Các vụ tự tử và có ý định tự tử được ngăn kịp ít khi xảy ra vào ban đêm. Muộn nhất là 21 giờ. Lý do tự tử thì rất đa dạng nhưng phần lớn vì thất tình, khúc mắc chuyện gia đình, bị gia đình ngăn cấm chuyện hôn nhân, cùng quẫn vì nợ nần, bệnh tật…

 (còn tiếp)

Theo Thành Duy / Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.