Điện gió, nguồn năng lượng mới của Việt Nam

18/07/2009 23:02 GMT+7

Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) đã lắp đặt thành công 5 trụ tua-bin gió tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong. Những tua-bin điện gió đầu tiên này đã mở ra nguồn năng lượng mới ở Bình Thuận và các tỉnh miền Trung.

Dự án tiên phong

Theo Phòng Quản lý điện và năng lượng (Sở Công thương Bình Thuận), sức gió đo được tại huyện Tuy Phong là 6,5 mét/giây (nơi có sức gió trung bình mạnh nhất Việt Nam) trong khi các tua-bin của dự án này chỉ cần sức gió 3 mét/giây đã hoạt động tốt.

Toàn bộ dự án điện gió của REVN ở Tuy Phong có công suất 120 MW sẽ kết thúc vào năm 2011 với 80 tua-bin phát điện. Hiện nay, giai đoạn 1 của dự án là 20 tua-bin tại xã Bình Thạnh đã hoàn chỉnh việc lắp ráp 5 tua-bin, chỉ chờ đấu nối vào mạng lưới điện quốc gia. Tổng vốn đầu tư của 5 tua-bin này là 817 tỉ đồng. Mỗi tua-bin có công suất 1.500 KW. Chiều cao của mỗi tua-bin là 85 mét, đường kính cánh quạt (rô-tô) là 77 mét. Toàn bộ thiết bị được chủ đầu tư nhập từ Đức. Đặc biệt, có những thiết bị “siêu trường siêu trọng” phải cần đến loại cần cẩu 500 tấn để lắp ráp, cũng được chủ đầu tư trang bị đầy đủ cho dự án.

Theo dự kiến của REVN thì ngày 19.8 này sẽ chính thức phát điện từ 5 tua-bin trên và đấu nối vào hệ thống điện lưới quốc gia từ đường dây 110 KV Đa Nhim - Phan Thiết.

Chánh văn phòng UBND huyện Tuy Phong Dương Thanh Thiện cho biết, tổng diện tích đất mà dự án cần lên đến 1.200 ha. Trong đó diện tích sử dụng lâu dài là 150 ha. Chính quyền địa phương đã chủ động bàn giao đầy đủ 150 ha cho nhà đầu tư để hoàn thiện dự án đúng tiến độ. Dự án sau khi hoàn thành giai đoạn một sẽ cung cấp thêm cho lưới điện quốc gia sản lượng điện 91,6 triệu KWh/năm.

Triển vọng mới

Theo Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận Trần Văn Nhựt, Bình Thuận còn đến 9 dự án điện gió với 8 nhà đầu tư xin đăng ký xây dựng nhà máy; có hai dự án đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tài liệu của Sở Công thương Bình Thuận (trích từ tài liệu của Ngân hàng thế giới) cho biết, vùng có triển vọng gió mạnh nhất Việt Nam chính là từ phía tây Hàm Tiến - Mũi Né (Bình Thuận) đến Ninh Hải (Ninh Thuận). Đây là vùng đất ít mưa, thừa nắng và có vận tốc gió cao nhất nước, phù hợp với việc phát triển nguồn năng lượng sạch từ gió. Chính vì vậy, UBND tỉnh Bình Thuận đã vạch ra lộ trình phát triển điện gió nhằm khai thác hết tiềm năng để phát triển kinh tế. Chỉ tiêu mà Bình Thuận đưa ra cho đến năm 2020 sẽ đạt được 1.000 MW năng lượng từ các nhà máy điện gió. Các nhà máy này sẽ trải dài từ huyện Tuy Phong đến các huyện phía nam, dọc theo ven biển, thậm chí được triển khai ngay trên đảo Phú Quý.

Tại buổi giao ban với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Điện lực của 20 tỉnh thành phía nam tại TP Phan Thiết mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Dũng cho biết, hiện có nhiều nhà đầu tư muốn xin được đầu tư nhà máy điện gió tại tỉnh. Song, “đây là lĩnh vực hoàn toàn mới, chưa có kinh nghiệm, lại chưa được quy hoạch cụ thể. Đề nghị EVN giúp đỡ Bình Thuận khâu khảo sát tiềm năng và có quy hoạch chi tiết giúp tỉnh phát triển ngành năng lượng sạch này”, ông Dũng nói.

Vấn đề mà các nhà đầu tư và EVN quan tâm hiện nay chính là giá điện từ các nhà máy điện gió sẽ rất cao, có thể gấp hai, ba lần so với các nguồn điện khác. Do vậy, khi hòa mạng lưới điện quốc gia thì chính sách bù lỗ sẽ như thế nào để không ảnh hưởng “giá trần” mà nhà nước quy định, không thiệt cho người mua; đồng thời không để các nhà máy điện gió bị lỗ.

Giá điện cao thế nào?

Một nhà đầu tư sắp triển khai dự án nhà máy điện gió thứ hai (xin không nêu tên) ngay tại huyện Tuy Phong cho biết, giá điện từ các nhà máy điện gió sẽ không thấp hơn 10 cent/KWh (khoảng 1.600 - 1.800 đồng). Sở dĩ giá cao như vậy là do thiết bị cho các nhà máy điện gió đều phải nhập từ nước ngoài với giá rất cao. Nếu như thủy điện có suất đầu tư khoảng 1.300 USD/KW lắp đặt, thì đối với điện gió cần đến 2.000 USD/KW. Bên cạnh đó hiện rất thiếu đội ngũ công nhân, kỹ sư có tay nghề để lắp đặt, vận hành nhà máy điện gió. Vì vậy, theo chủ đầu tư này, “tất cả các nhà đầu tư khi ký hợp đồng mua thiết bị với các hãng sản xuất đều phải bỏ tiền thuê luôn nhà cung cấp thiết bị đào tạo tay nghề cho đội ngũ công nhân lắp đặt và vận hành”. Mặt khác, theo lý thuyết, hệ số công suất của điện gió khá thấp bởi lượng gió không liên tục, chỉ sử dụng được 30% và không tích lũy được. Giá thành cao là thế.

Để giảm giá thành, đồng thời vẫn khai thác được năng lượng điện từ gió, theo các nhà đầu tư, nhà nước cần hỗ trợ ít nhất 20% giá thành thì mới “nuôi” nổi các nhà máy điện gió.

Do mô hình điện gió còn khá mới mẻ ở Việt Nam, các nhà khoa học cảnh báo một số hạn chế của điện gió. Đó là tiếng ồn khi nhà máy vận hành. Các khu dân cư, các khu du lịch ở quá gần nhà máy điện gió có thể bị ảnh hưởng.  

Trong buổi bàn giao thiết bị cho nhà máy điện gió do REVN làm chủ đầu tư tại huyện Tuy Phong (Bình Thuận) được tổ chức tại nhà máy của hãng Fuhrlaender AG Frankfurt (Đức), Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt Nguyễn Hữu Tráng đánh giá cao sự hợp tác phát triển nguồn năng lượng sạch giữa VN và Đức. Ông hoan nghênh Tập đoàn Fuhrlaender không chỉ cung cấp thiết bị cho công trình điện gió đầu tiên của VN ở Bình Thuận, mà còn cam kết đào tạo nguồn nhân lực tiến đến chuyển giao công nghệ sản xuất tua-bin điện gió cho VN; góp phần thực hiện mục tiêu về năng lượng tái tạo, giúp các chủ đầu tư trong nước thực hiện tốt Quyết định 1855/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển năng lượng sạch.

            (Nguồn: website Bộ Ngoại giao)

Năm 2008, sản lượng điện năng sản xuất từ sức gió trên thế giới tăng 29% nhưng chỉ đáp ứng 1,5% nhu cầu tiêu thụ điện năng toàn cầu. Ngày nay, trữ lượng than, dầu, khí ngày càng cạn kiệt. Mặt khác, để giảm hiệu ứng nhà kính, các nhà khoa học khuyến cáo sử dụng năng lượng

tái tạo. Ngay từ đầu thế kỷ 21, Tổ chức năng lượng gió châu u (EWEA) đã đề xuất các nước ưu tiên phát triển điện gió. Kinh phí đầu tư cho 1 MW điện gió vào cuối thế kỷ 20 là 1 triệu USD. Theo EWEA, từ giai đoạn 2001-2006 khoảng 688.000 USD/MW. Từ năm 2007-2001: 571.000 USD/MW; từ 2011- 2017: 496.000 USD/MW; từ 2018-2020 xuống còn 455.000 USD/MW.

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 80 nước sử dụng điện gió cho mục đích thương mại, trong đó đi đầu là Mỹ (sản lượng hiện nay 25.170 MW), Đức (23.903 MW), tiếp sau là Trung Quốc (hơn 12.000) và Ấn Độ (9.635 MW). Tổng sản lượng điện gió của các nước châu u là 65.946 MW, chiếm 55% sản lượng của cả thế giới.

(Theo Worldwatch Institute)

Quế Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.