Mỹ kết tội điệp viên Trung Quốc

18/07/2009 00:11 GMT+7

Một người Mỹ gốc Hoa vừa bị kết tội đã tuồn thông tin bí mật trong ngành hàng không vũ trụ cho Trung Quốc.

Báo Los Angeles Times cho hay vào ngày 16.7, công dân Mỹ Dongfan “Greg” Chung (Chung Đông Phàm, 73 tuổi) đã bị tòa án tại California tuyên phạm tội làm gián điệp cho nước ngoài, vi phạm Đạo luật Gián điệp kinh tế và một số tội danh khác. Đây là vụ xét xử đầu tiên tại Mỹ theo đạo luật nói trên và bản án dành cho Chung, dự định sẽ được tuyên vào ngày 9.11, có thể lên tới 15 đến 20 năm tù giam.

Chung Đông Phàm, sinh tại Trung Quốc và sau đó nhập cư vào Mỹ, từng làm việc cho các tập đoàn hàng không vũ trụ Rockwell International và Boeing. Tội danh của ông ta liên quan đến việc tuồn bí mật trong lĩnh vực này cho Trung Quốc.

Gián điệp lâu năm

Hồ sơ tòa án được báo Los Angeles Times dẫn lại cho biết hoạt động gián điệp của Chung bắt đầu từ thập niên 1970. Trong một lá thư gửi giáo sư Trần Long Cổ ở Viện Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân vào năm 1979, ông ta viết: “Tôi không biết mình có thể làm gì cho đất nước. Là kiều dân Trung Quốc và luôn tự hào về những thành tựu đạt được của tổ quốc, tôi tiếc rằng mình chưa đóng góp được gì... Tôi muốn đóng góp vào công cuộc Bốn hiện đại hóa của Trung Quốc”.

 Chung Đông Phàm
Chung Đông Phàm bị kết tội liên quan đến việc đánh cắp bí mật của tên lửa Delta IV - Ảnh: AFP

Vào ngày 9.9.1979, giáo sư Trần viết thư khích lệ Chung: “Tất cả chúng tôi đều xúc động trước lòng yêu nước của anh. Anh đã dành nhiều thời gian tập hợp tài liệu, sao chép và tìm thông tin hữu ích cho chúng tôi, và anh đã chủ động đóng góp vào công cuộc Bốn hiện đại hóa của tổ quốc. Tinh thần của anh là nguồn cổ vũ cho chúng tôi. Chúng tôi muốn cùng những người ở hải ngoại chung tay góp sức...”. Còn trong lá thư gửi cho Chung vào năm 1987, một quan chức ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc có tên Cố Duy Hào viết: “Thật may mắn cho Trung Quốc khi anh thực hiện ước nguyện cống hiến cho đất nước”. Ông Cố còn nói tài liệu cần được chuyển “nhanh hơn và an toàn hơn”. Những lá thư này cho thấy phần nào thâm niên hoạt động gián điệp của Chung Đông Phàm.

Theo hồ sơ vụ án, ông Chung bắt đầu làm việc cho Rockwell từ năm 1973 cho đến khi Boeing mua lại tập đoàn này vào năm 2006. Sau cuộc sáp nhập, Chung làm cho Boeing đến năm 2002 thì nghỉ việc. Vào năm 2003, ông ta trở lại Boeing và giữ một vị trí tư vấn cho đến lúc bị sa thải vào năm 2006, khi FBI mở cuộc điều tra.

Báo Los Angeles Times cho hay, trong quá trình làm việc, Chung đã đánh cắp thông tin mật về tàu con thoi, tên lửa đẩy Delta IV và máy bay vận tải C-17 để chuyển về Trung Quốc qua các mắt xích tại Mỹ. Ông ta cũng lợi dụng các chuyến đi về Trung Quốc để thực hiện hoạt động của mình. Sau khi nghỉ việc ở Boeing, ông Chung đã dành nhiều thời gian tập hợp tài liệu để chuẩn bị cho một chuyến đi tới Trung Quốc. Ông ta còn thường xuyên đi lại với Chi Mak (Mạch Đại Chí), một kỹ sư gốc Hoa khác ở Mỹ để hoạch định kế hoạch hành động. Nhưng giữa lúc chưa kịp thực hiện chuyến đi quan trọng này, cả Mạch lẫn Chung đã bị bắt.

Đường dây phức tạp

Vụ bắt giữ Chung được tiến hành sau khi nhà chức trách Mỹ bắt Mạch Đại Chí, 68 tuổi, kỹ sư gốc Hoa của Tập đoàn công nghiệp quốc phòng L-3 Communications ở California. Với vị trí của mình, Mạch đã đánh cắp hàng loạt thông tin quan trọng liên quan tới tàu ngầm hạt nhân, hệ thống radar Aegis, bản thiết kế tàu tàng hình thế hệ mới của Hải quân Mỹ để chuyển về Bắc Kinh, theo hồ sơ của cơ quan điều tra. Bên cạnh đó, Mạch còn là người giúp Chung chuyển tài liệu liên quan đến thiết kế tàu con thoi, tên lửa đẩy và một số loại máy bay về Trung Quốc.

Mạch Đại Chí bị bắt vào tháng 10.2005 tại California sau khi FBI bắt giữ một người em trai và em dâu của ông ta ngay tại sân bay, lúc hai người này sắp sửa lên máy bay về Hồng Kông. Cơ quan chức năng đã thu giữ 3 CD được mã hóa, trong đó chứa thông tin về động cơ của tàu ngầm hiện đại. Tháng 3.2008, tòa án tuyên phạt Mạch Đại Chí 24 năm rưỡi tù giam.

Sau vụ bắt giữ Mạch Đại Chí, FBI lần ra Chung Đông Phàm. Theo hồ sơ vụ án được Los Angeles Times dẫn lại, Chung đã chuyển tài liệu mật về Trung Quốc thông qua Mạch và Lãnh sự quán Trung Quốc. Hồ sơ thường được chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau, trong đó có đường biển. Khi khám xét nhà của Chung Đông Phàm vào năm 2006, FBI đã thu được 300.000 trang tài liệu liên quan tới các bí mật trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ và quốc phòng.

Ngày 16.7.2009, trong buổi cuối cùng của phiên tòa kéo dài 10 ngày ở Santa Ana, Quận Cam, quan tòa Cormac Carney đã chỉ rõ: “Niềm tin mà Boeing đặt vào ông Chung trong việc bảo vệ tài sản và bí mật thương mại rõ ràng không có mấy ý nghĩa đối với ông Chung. Ông ta đã bỏ điều đó qua một bên để phục vụ Trung Quốc. Các nhà điều tra liên bang đã tìm được hàng ngàn trang tài liệu ở nhà ông Chung, và câu chuyện về cuộc đời bí mật của ông ta đã được làm sáng tỏ. Ông ta là gián điệp của Trung Quốc”.

Báo Los Angeles Times dẫn lời quan công tố Gregory Stapples nói: “Rõ ràng ông ta giữ liên lạc chặt chẽ với Chính phủ Trung Quốc”. Quan công tố Ivy Wang chỉ ra rằng Chung đã hoạt động theo sự chỉ đạo chặt chẽ của đường dây, chứ không chỉ thu thập bất cứ thông tin nào mà ông ta có được: “Ông ta không làm theo cách có gì lấy nấy. Ông ta nhận được danh mục những thứ cần thu thập”. Trong khi đó, luật sư bào chữa Thomas Bienert nói rằng ông Chung chỉ cung cấp tài liệu thông qua việc diễn thuyết tại các trường đại học ở Trung Quốc cách đây mấy chục năm, và đó là những tài liệu được biết đến rộng rãi. Ông Bienert nói rằng thân chủ của mình không cung cấp tài liệu mật cho quan chức Trung Quốc và cho biết sẽ kháng cáo.

Theo báo Los Angeles Times, từ cuối năm 2006 tới nay, Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố hơn 50 người về hành vi tuồn tài liệu bí mật cho Trung Quốc.

Châu Minh Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.