Tóc dài nào kém mày râu!

16/07/2009 14:15 GMT+7

20 năm tung hoành sóng nước Không cam chịu phận chân yếu tay mềm, không ít phụ nữ vẫn chọn những công việc đòi hỏi phải có sức vóc, sự dẻo dai, lòng dũng cảm mà ngay cả đấng mày râu cũng phải nể phục

Nghe tin biển động, nghĩ thuyền trưởng Tôn Lan đã vào bờ, tôi vội vã về thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời - Cà Mau tìm gặp, song người nhà cho biết bà vẫn đang lênh đênh trên biển. Tôi nhờ nối máy bộ đàm liên lạc. Đầu dây bên kia, giọng một người đàn bà lẫn trong vô số tạp âm của sóng, gió: “Tàu tôi đang trên đường vào bờ đây...”.

Hơn cả đàn ông

Hôm sau, tôi gặp bà Tôn Lan lái chiếc tàu đánh cá trọng tải trên 60 tấn cập bến Trạm Kiểm soát Biên phòng Sông Đốc. Thấy tôi ngỡ ngàng, thiếu úy trạm trưởng Nguyễn Văn Khởi cho biết: “Cô Tôn Lan là tài công cừ khôi ở vùng Sông Đốc đó. Công việc này không hề đơn giản ngay cả với cánh đàn ông, song cô vẫn làm thuần thục”.

Bà Tôn Lan tên thật là Nguyễn Thị Lan, nay đã 60 tuổi. Sống giữa thị trấn biển Sông Đốc đất chật người đông, cuộc sống chật vật nên bà đã phải cầm lái chiếc tàu trọng tải hàng chục tấn ra khơi đánh cá. “Những lúc gồng mình lèo lái con tàu vật lộn với sóng gió giữa đại dương, tôi quên mất mình là phụ nữ” - bà Tôn Lan tâm sự.

Thoạt nhìn dáng người phốp pháp, nước da trắng, tóc ngắn ôm khuôn mặt phúc hậu, không ai nghĩ bà Tôn Lan là người đã có hơn 20 năm lái tàu tung hoành nơi đầu sóng ngọn gió.

“Hồi đó nghèo khổ nên gia đình tôi phải ly hương về cửa biển Sông Đốc lập nghiệp. Trước đây, nhà có tàu đánh cá nhưng thuê mướn tài công rất khó khăn. Hơn nữa, người ta không nhiệt tình, thiếu trách nhiệm nên hiệu quả đánh bắt không cao. Nóng ruột, tôi quyết định tự điều khiển tàu ra khơi đánh cá, với ý nghĩ việc đàn ông làm được thì phụ nữ vẫn có thể làm được. Người nhà từng phản đối tôi kịch liệt, thậm chí có nhiều dư luận không tốt về chuyện đàn bà đi biển, nhưng tôi vẫn không nản lòng. Mỗi chuyến, tôi đi 5-10 ngày, rồi vào bờ tiếp tục công việc kinh doanh và chăm sóc gia đình. Nhớ những lần đầu lái tàu ra biển, chưa có kinh nghiệm, gặp thời tiết xấu, có lúc gió giật cấp 7-8, sóng cao hơn cả thân tàu, suýt không còn mạng để trở về, song mãi rồi tôi cũng quen dần như ở trên bờ vậy!”- bà bộc bạch.

Nghề khai thác biển có nhiều thời điểm gặp khó khăn, khi ấy người ta vẫn thường thấy tàu của bà Tôn Lan xuất hiện khắp các vùng biển miền Tây Nam Bộ để thu mua hải sản của những tàu đánh bắt khác.

Những ngày biển động, nhiều tàu thu mua hải sản không dám ra khơi vì rất khó cập được gần tàu khai thác để mua hàng nhưng bà Tôn Lan chẳng màng hiểm nguy để làm được điều đó.

Anh Tài, chủ tàu đánh cá Phước Tài ở Bạc Liêu, cho biết: “Một lần, qua bộ đàm, tôi nghe bà Lan hỏi mua cá nhưng sóng lớn không thể cặp tàu vào được. Vậy mà bà Lan vẫn bảo chúng tôi đưa sẵn hàng lên boong, bà cho tàu cặp cách khoảng 2 m rồi quăng từng bọc cá qua. Mỗi lần cặp như vậy chỉ quăng được khoảng 100 kg nhưng bà Lan vẫn kiên trì quăng được đến 3 tấn cá. Tôi thật sự nể bà Lan vì bà là phụ nữ mà làm việc gan dạ và dứt khoát còn hơn cả đàn ông”.

Đội quân tóc dài

Trong đội quân của bà Tôn Lan thường có đến gần 20 lao động nữ tuổi từ 18 đến 30. Họ vốn là những người cảm phục bà và tình nguyện đi theo ra biển. Đội quân tóc dài này làm cả những công việc nặng nhọc như xuống hầm móc cá, khuân vác từ tàu này sang tàu kia, bốc xếp vào khoang, phân hàng theo chủng loại... Khi vào bờ, họ vẫn tiếp tục làm thêm nhiều nghề khác như buôn bán, vá lưới thuê, lựa tôm cá thuê cho các vựa...

Gặp đội quân tóc dài của bà Tôn Lan, tôi hỏi họ thời gian đâu để chăm sóc nhan sắc. Các cô đưa ánh nhìn xa xôi về phía biển rồi buột miệng đùa: “Có lẽ biển cả đã làm cho nhan sắc chúng tôi mặn mà rồi nên không cần đến son phấn. Những ngày lênh đênh trên sóng nước, chỉ mong trời êm biển lặng để chị em chúng tôi được ngồi bên nhau chuyện trò và ca hát để quên đi nhọc nhằn”. Chỉ mái tóc ngắn của mình, bà Tôn Lan cho biết: “Lúc còn con gái tôi cũng để tóc dài, song từ khi đi biển tôi đành phải cắt ngắn đi để “hợp” hơn với sóng gió”.

Bà Tôn Lan bảo rằng trong nguy khó, mọi người luôn sát cánh và yêu thương nhau như chị em ruột. Rồi bà kể về những kỷ niệm khó quên trong những chuyến ra khơi của họ: “Có lần đang chạy trên biển thì trời nổi dông, sóng dựng phủ kín tàu. Tôi huy động mấy em chuẩn bị phao cho tất cả mọi người và ném bớt hàng xuống biển. Nhiều em mới đi biển thấy sợ, ôm nhau khóc. Tôi vừa lái tàu vừa động viên và chỉ cho các em cách xử lý khi tình huống xấu nhất xảy ra. Vật lộn với cơn dông sau hơn 10 giờ trên biển chúng tôi mới thoát khỏi vùng nguy hiểm. Khi biển êm trở lại, chúng tôi chạy hết ra boong tàu mừng rỡ ôm nhau cười nói mà trào nước mắt...”.

Theo bà Tôn Lan, điều khiển tàu trong điều kiện thời tiết xấu đòi hỏi người cầm lái phải hết sức bình tĩnh, giàu kinh nghiệm và hiểu rõ quy luật của sóng gió. Bà kể: “Hồi cuối năm 2008, trên đường cho tàu chạy từ Hòn Chuối vào cửa Sông Đốc giữa lúc gió thổi mạnh, tôi thấy chiếc tàu thu mua của anh Huỳnh Phước từ phía sau vượt qua mặt. Nhận thấy nguy hiểm, tôi lên máy liên lạc cảnh báo cho tài công tàu này chạy chậm lại, nếu không sẽ chìm. Tài công tàu Huỳnh Phước không nghe tôi và kết quả bị sóng đánh chìm tàu. Cũng may lúc đó tàu tôi lên kịp cứu được 4 người, còn tài sản thì trôi lềnh bềnh trên biển”. 

Gắn bó với con tàu hơn 20 năm qua, dường như bà Tôn Lan thuộc lòng từng tọa độ trên vùng biển Tây Nam Bộ khiến hầu hết dân làm nghề khai thác biển ở vùng này phải kính nể. Dù đã có trong tay tài sản trị giá nhiều tỉ đồng nhưng bà vẫn chưa có ý định bỏ tàu lên bờ. Bà quả quyết: “Tôi cảm thấy sức khỏe vẫn bình thường và vẫn sẽ lái tàu ra khơi cho đến khi nào không còn sức nữa”.

Theo Phùng Duy Nhân / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.