Tránh mua nhầm đá quý giả

18/07/2009 16:55 GMT+7

(TNTS) Nếu có ý định mua nữ trang đá quý, nhất là khi đang ở nước ngoài trong những chuyến đi du lịch, bạn nên tham khảo một vài kinh nghiệm dưới đây.

Ông Ngô Văn Nên, chuyên viên giám định Công ty TNHH giám định Rồng Vàng - SJC cho biết: đã có nhiều người tiêu dùng (NTD) mang nữ trang gắn đá quý đến yêu cầu công ty giám định và kết quả là đá giả (nhân tạo). Trong đó, có không ít trường hợp người mua phải bỏ ra số tiền lớn để sở hữu món nữ trang đó.

Chẳng hạn, những món được mua từ Thái Lan, Trung Quốc với giá 500 - 600 USD nhưng nếu mua tại Việt Nam thì chỉ hơn 1 triệu đồng. Nguyên nhân phần lớn là do người mua cả tin, bất cẩn. Bị “hút hồn” trước những món nữ trang gắn đá quý tuyệt đẹp được bày bán trong những trung tâm kim hoàn rộng lớn mà họ mất cảnh giác với tình trạng hàng giả.

Người mua dễ bị các thủ thuật bán hàng chuyên nghiệp của người bán như giới thiệu qua loa về chất lượng nhưng rất hấp dẫn về giá cả, vẻ đẹp... rồi mua ngay. Hoặc do người mua không am hiểu ngoại ngữ nên chỉ nghe người phiên dịch dịch lại những gì người bán nói mà không đọc được phần ghi trên hóa đơn, trong đó ghi rất rõ là đá giả. 

Nếu mua hàng nữ trang trong nước, NTD nên cảnh giác với tình trạng giới thiệu lập lờ của người bán. Phổ biến nhất là chiêu giới thiệu đá giả là đá được “cấy nuôi” - NTD hiểu nhầm giống như hình thức cấy nuôi ngọc trai và nghĩ viên đá đó cũng có phần... thật. Đương nhiên số tiền phải trả lớn hơn nhiều so với giá trị thật của nó. Lời khuyên của các chuyên gia là người mua nên yêu cầu người bán trưng đầy đủ giấy giám định của các đơn vị giám định uy tín. Gặp những món nữ trang đá quý nhỏ không được giám định sẵn thì nên yêu cầu nơi bán cam kết trong hóa đơn mua hàng là được quyền trả lại khi phát hiện là hàng giả. 

Ngoài ra, để tránh mua “hớ” đối với chủng loại hàng đắt tiền này, NTD nên chọn những nơi bán tin cậy hoặc khảo sát giá cả trước khi mua. Chẳng hạn, về chủng loại thì ngoài kim cương, các loại đá như ruby, emerald, sapphire… cũng là những loại đá có giá trị cao. Ngoài ra giá trị của viên đá còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như độ trong suốt, màu sắc, trọng lượng,… Chẳng hạn, màu đỏ huyết (màu máu bồ câu) trong nhóm đá ruby có giá trị cao nhất, màu đỏ bầm, tối có giá trị thấp hơn...

Khi mua NTD nên phân biệt theo tên khoa học, tránh gọi theo tên tiếng Việt dễ dẫn đến mua nhầm hàng giá trị thấp với giá cao. Ví dụ cùng có tên là hồng ngọc nhưng ruby có giá trị cao hơn nhiều so với garnet có màu đỏ; jadeit và marble nếu chỉ tra từ điển thì đều có tên gọi là cẩm thạch nhưng theo thuật ngữ chuyên môn jadeit là cẩm thạch còn marble là đá hoa.

Cẩm Nhi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.