Cựu TNXP hành hiệp

15/07/2009 00:24 GMT+7

Cuộc chiến đã lùi xa nhưng nhiều cựu thanh niên xung phong (TNXP) vẫn tiếp tục công việc của một TNXP theo cách của riêng mình.

Như cựu TNXP Đinh Thị Ngọc (nhà ở phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn) có cuộc sống gia đình khá giả, ba con trai đều thành đạt, kinh tế ổn định đủ cho bà nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già. Thế nhưng, từ năm 1993 tới nay bà vẫn hăng hái tham gia công tác xã hội với nhiều việc thiện giúp người nghèo khó.

Bà Ngọc vận động 20 phụ nữ cùng góp gạo nuôi học sinh người dân tộc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với dụng cụ học tập và 10 kg gạo/tháng. Nhờ phần quà ấy, học sinh nghèo không phải ăn đói mặc rách bỏ học giữa chừng. “Trong số đó, có cháu Nông Đàm Minh, người xã Mai Phan, TP Lạng Sơn tốt nghiệp ĐH Thái Nguyên năm vừa rồi”, bà Ngọc nói, ánh mắt hấp háy vui mừng. Vào mùa đông, xứ Lạng lạnh như châm như chích vào da thịt, bà Ngọc bỏ tiền tiết kiệm mua quần áo, chăn bông mang tặng từng gia đình trên rẻo cao, có khi chia hết quà bà cởi bớt khăn áo trên người cho họ.

Chưa hết, từ năm 2005 đến nay, một mình bà nhận đỡ đầu 2 cháu nội của đồng đội, mồ côi cha mẹ. Bà lo cho chúng từ quần áo, sách vở cộng với phần tiền mỗi đứa 200 nghìn đồng/tháng; tặng 5 sổ tiết kiệm tổng trị giá 5 triệu đồng cho gia đình đồng đội gặp khó khăn. Hằng năm, bà Ngọc nhiệt tình góp tiền vào các quỹ: quỹ khuyến học, quỹ người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ hội bảo trợ trẻ em Việt Nam… Năm nay bà Ngọc đã 74 tuổi, chân đã chậm, mắt đã mờ nhưng vẫn tiếp tục làm việc thiện, nhận giúp đỡ 5 học sinh tại trường THPT Đông Kinh, mỗi người 30 kg/gạo/quý.

Sinh năm 1950, Đào Thị Hồng Đào nguyên là Trung đội trưởng, đơn vị TNXP 239 Nguyễn Việt Khoái thuộc Liên đội 9, Tổng đội TNXP miền Nam hoạt động tại chiến trường Đông Nam Bộ. Ở chiến trường phải chịu đựng sức ép từ những trận bom “đến máu mồm, máu mũi cũng phải trào ra”, bà Đào mắc bệnh rối loạn tiền đình với di chứng: toàn thân run mãn tính, nói ngọng và líu lưỡi. Năm 1999, bệnh đến giai đoạn hiểm nghèo tưởng chừng không qua khỏi. Thêm một lần, bản lĩnh người TNXP lại được thử thách. Kiên trì chạy chữa, tập luyện, năm 2005 sức khỏe dần hồi phục.

Ngoài việc tự mình vượt qua thử thách về bệnh tật và sức khỏe, một năm sau, bà Đào còn chính thức bắt đầu công việc tìm hài cốt liệt sĩ, giúp họ "đoàn tụ" với gia đình, không bị lạnh lẽo, cô đơn ở nơi rừng sâu. Từ năm 2006 đến nay, trên 30 lần bà Đào cùng đồng đội lặn lội khắp chiến trường: miền Tây Nam Bộ, Tây Ninh, Biên Hòa, Long An… và đã tìm thấy 96 bộ hài cốt liệt sĩ. Nhìn dáng người gầy yếu, bệnh tật chẳng ai nghĩ bà Đào có thể làm nhiều việc đến vậy.

“Mình sống trong hòa bình có điện để xài, có xe để chạy, có chăn ấm đệm êm, còn anh em từng ăn ngủ và chiến đấu… giờ là nắm xương nơi rừng sâu lạnh lẽo. Nghĩ vậy, tôi quyết tìm và mang hài cốt anh em về nghĩa trang cho ấm cúng, nỗi đau gia đình họ được xoa dịu phần nào”, nói đoạn, bà Đào òa khóc nức nở. Cả buổi trò chuyện, ba lần bà Đào đưa tay lau nước mắt, khóe mắt đỏ hoe vì xúc động.

Ngoài việc tìm hài cốt liệt sĩ, bà Đào trực tiếp vận động xây dựng 6 ngôi nhà tình nghĩa trị giá 120 triệu đồng và quyên góp 50 triệu đồng chi phí ca phẫu thuật tạo hậu môn cho con trai của cựu TNXP Thạch Thị Miên người dân tộc Kh’mer, tỉnh Sóc Trăng. Còn bản thân bà Đào, hằng ngày vẫn đi về trên 30 km từ nhà đến Hội Cựu TNXP TP.HCM làm việc...

Chia tay về TP.HCM, bà Đào bảo: “Tôi chuẩn bị đi Tây Ninh quy tập 20 hài cốt vào Nghĩa trang quốc gia đồi 82 huyện Tân Biên, sau đó sẽ sang khu vực sông Pha La, huyện Tân Châu tìm hài cốt của 5 đồng đội".

Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.