Formaldehyde có thể gây ung thư phổi

11/07/2009 12:02 GMT+7

Ngoài quần áo, formaldehyde còn có mặt trong các sản phẩm vải vóc, sợi tổng hợp như mũ nón, rèm cửa, drap giường, da giày và đặc biệt có nhiều trong các loại ván épNgày 9-7, qua kiểm tra trên địa bàn TP Đà Nẵng, cơ quan chức năng đã phát hiện mẫu mặt hàng quần jeans của Trung Quốc có hàm lượng formaldehyde lên đến 333 mg/kg.

Trước đó đã có những thông tin về nhiều sản phẩm may mặc có chứa chất này, có khả năng gây ung thư khiến người tiêu dùng lo ngại. Trước tình hình này, một số nhà chuyên môn, nhà khoa học đã giải thích cụ thể về vấn đề này.

Nằm trong nhóm chất gây ung thư

Theo TS Phạm Thành Quân, Trưởng Khoa Công nghệ Hóa học, Trường ĐH Bách khoa TPHCM, formaldehyde (tên gọi thông thường là phoóc-môn), có công thức hóa học là HCHO, được xếp vào loại hợp chất hữu cơ dễ bay hơi. Ở điều kiện bình thường, chất này không có màu, mùi cay hăng nồng, có đặc tính dễ tan trong nước. Chất này được sử dụng khá rộng rãi trong công nghiệp, có mặt trong nhiều sản phẩm tiêu dùng. Trong ngành may mặc, người ta thường dùng nó dưới dạng keo UF (urea formaldehyde) dùng để chống nhăn, chống co rút các sợi vải nhân tạo. Để trong môi trường thông thường, keo UF sẽ phóng thích formaldehyde. Ở hàm lượng 40 ppm trở lên, formaldehyde có mùi khó chịu, tiếp xúc qua da sẽ gây nên những tác hại như ngứa ngáy, dị ứng, hen suyễn... Tiếp xúc lâu dài có thể gây ra nhiều bệnh, có thể dẫn đến ung thư, thường biểu hiện ở mũi, miệng.

Người tiêu dùng nên cẩn thận

Để nhận biết sản phẩm có chứa formaldehyde, TS Phạm Thành Quân cho biết: Nếu hàm lượng thấp thì khó phát hiện, cần phải qua xét nghiệm bằng máy móc. Tuy nhiên, nếu chỉ qua tiếp xúc thông thường mà nhận thấy các sản phẩm may mặc có mùi cay cay hăng hắc thì người tiêu dùng nên cẩn thận. Đối với những quần áo lỡ mua về rồi, nếu lo sợ có chất formaldehyde thì nên đem đi giặt trước khi sử dụng. Vì formaldehyde là chất dễ bay hơi trong môi trường ẩm và dễ tan trong nước nên qua lần giặt đầu tiên hàm lượng chất này hầu như được loại bỏ, nếu giặt bằng nước nóng thì sẽ có hiệu quả cao hơn.

TS Nguyễn Bá Hoài Anh khuyên người tiêu dùng nên hạn chế sử dụng các sản phẩm từ ván ép. Nếu phải dùng thì nên thu xếp phòng làm việc thật thông thoáng, thường xuyên mở rộng cửa để giúp chất độc bay hơi, tránh tích tụ trong phòng.

Từ năm 2004, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa formaldehyde vào loại hóa chất độc hại đối với sức khỏe con người, có thể gây tác hại cho da và hệ thống hô hấp, gây bệnh về bạch cầu, ung thư phổi. Formaldehyde cũng được tổ chức nghiên cứu về ung thư quốc tế IARC (International Agency for Research on Cancel) trực thuộc WHO xếp vào nhóm 1 - nhóm các chất gây ung thư cho người. Formaldehyde có thể gây ung thư vòm họng, ung thư thanh quản và các bộ phận của hệ hô hấp.

TS Nguyễn Bá Hoài Anh, Khoa Hóa – Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết ngoài quần áo, formaldehyde còn có mặt trong các sản phẩm vải vóc, sợi tổng hợp như nón, rèm cửa, drap giường, da giày (để bảo quản, chống mốc) và đặc biệt có nhiều trong các loại ván ép (làm chất kết dính). Nếu trong phòng nhỏ có sử dụng sản phẩm từ ván ép như tủ, tường... chỉ cần đóng kín cửa trong một ngày là sẽ cảm nhận mùi khét rất nặng. Trong y học, formaldehyde được dùng để ướp xác. Trước đây, dư luận cũng từng biết đến chất này qua việc người ta dùng nó để bảo quản bánh phở. Nếu tồn tại ở dạng đơn, theo thời gian, chất này sẽ bị phân hủy. Nếu ở dạng liên kết như sử dụng trong nhuộm màu sản phẩm... sẽ tồn tại lâu dài hơn.

Thế giới quy định rất nghiêm ngặt

Theo bà Lương Thị Kim Khánh, Trưởng Phòng Thí nghiệm hóa, Tập đoàn TUV Rheinland của Đức, ở các nước, đặc biệt là châu u, quy định về vấn đề này khá nghiêm ngặt. Ở mặt hàng vải vóc, dệt may, phổ biến nhất là tiêu chuẩn Ecotech 100. Trong đó có quy định rõ đối với nhóm vải dành cho trẻ em, dư lượng formaldehyde cho phép là 20 ppm (20 phần triệu, tính theo khối lượng, thể tích...); vải mặc trực tiếp với da (đồ lót, áo quần): 75 ppm; vải mặc ngoài: 300 ppm; vải trang trí nội thất (rèm cửa, thảm, bọc đệm...): 300 ppm. Quần jeans thuộc nhóm quần áo mặc trực tiếp nên theo kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng thì hàm lượng 333 ppm là vượt quá tiêu chuẩn cho phép rất nhiều.

Hiện nay, xu hướng trên thế giới đang giảm dần việc sử dụng chất này trong sản xuất, dự kiến đến năm 2010 sẽ ngưng hoàn toàn. “Tuy nhiên, ở VN vẫn chưa có quy định cụ thể về việc này nên rất khó kiểm soát” - bà Khánh nhận xét.

Theo Thanh Lê / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.