Hai đợt thi có gần 540 ngàn thí sinh ảo

10/07/2009 23:15 GMT+7

* Cơ quan an ninh tiếp tục theo dõi vài trường hợp nghi ngờ thi hộ Chiều 10.7, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo thông báo những thông tin liên quan tới hai đợt thi ĐH, kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2009 vừa qua; đồng thời nêu lên những vấn đề liên quan đến việc chấm thi và hậu kiểm sau kỳ thi này.

Môn Văn: không "đếm ý" cho điểm

Đề thi của môn Văn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ của cả hai khối C và D năm nay được đánh giá là đã ra theo hướng mở và phát huy được tính sáng tạo của TS trong quá trình làm bài. Tuy nhiên, điều mà dư luận tỏ ra băn khoăn là đáp án và những quy định cứng nhắc trong chấm thi liệu có đánh giá được hết năng lực làm bài của TS hay không.

Về vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) khẳng định: Đề thi ra theo hướng tránh việc học vẹt học tủ của TS nên trong hướng dẫn của Bộ đối với môn Văn chắc chắn sẽ đặt ra yêu cầu khuyến khích tính sáng tạo của TS, tránh việc "đếm ý cho điểm" như những môn học khác.

Theo báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT, đợt 2 của kỳ thi ĐH cả nước có 170 TS bị xử lý kỷ luật, trong đó có 32 TS bị khiển trách, 18 bị cảnh cáo và 120 TS bị đình chỉ thi. (Vũ Thơ)
Bên cạnh đó, trên cơ sở biểu điểm cũng như hướng dẫn chấm thi, các hội đồng chấm đều phải thảo luận để thống nhất cách chấm thi sao cho phù hợp, đảm bảo công bằng và quyền lợi cho TS, đặc biệt những TS có cách làm bài sáng tạo, thông minh.

Hậu kiểm để phát hiện thi kèm, thi hộ

Bà Trần Thị Hà - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết: có vài trường hợp nghi ngờ thi hộ trong 2 đợt thi vừa qua và đang được cơ quan an ninh tiếp tục theo dõi, xác minh. Bà Hà còn khẳng định: việc hậu kiểm của các trường như: kiểm tra chữ viết của những TS đã trúng tuyển để đối chiếu với bài thi của TS đó có trùng khớp hay không… cũng được đặt ra như một quy định bắt buộc để tiếp tục sàng lọc một lần cuối các trường hợp thi kèm, thi hộ (nếu có) trước khi TS nhập trường.

Phải nộp lệ phí thi

Về số TS ảo tiếp tục chiếm tỷ lệ khá lớn, cụ thể trong 2 đợt thi gần 540 ngàn (số ĐKDT: 1.801.011, số TS dự thi: 1.261.941). Bà Trần Thị Hà bày tỏ quan điểm: rõ ràng điều này gây khó khăn cho các trường có tổ chức thi tuyển nhưng nếu đặt ra quy định mỗi TS chỉ được nộp duy nhất một hồ sơ ĐKDT thì sẽ gây thiệt thòi cho TS. Bởi thời điểm tháng 3, tháng 4 khi TS nộp hồ sơ ĐKDT vẫn có nhiều TS chưa xác định được chắc chắn ngành nghề mình sẽ chọn.

Theo bà Hà, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục đề xuất phương án bắt buộc TS phải nộp cả lệ phí ĐKDT và lệ phí thi khi nộp hồ sơ ĐKDT để bớt "lỗ" cho các trường cho đợt tuyển sinh năm tới. Năm nay, Bộ GD-ĐT đã đề xuất với Bộ Tài chính tiếp tục cấp bù 10.000 đồng/TS dự thi thực tế.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.