“Phim chỉ có hay hoặc dở mà thôi”

08/07/2009 00:00 GMT+7

Nữ đạo diễn Frédérique Pollet Rouyer (ảnh) (kênh truyền hình F2 thuộc Đài truyền hình Quốc gia Pháp) đang thực hiện bộ phim tài liệu dài 90 phút tại Việt Nam, có tên là Né Sousz (Mồ côi). Chị chia sẻ suy nghĩ với Thanh Niên về phim tài liệu.

* Là giáo sư luật nhưng lại chọn điện ảnh, nhất là phim tài liệu để sống với nó 8 năm nay, vậy quan niệm của chị về phim tài liệu như thế nào?

- Khi tôi bước chân vào điện ảnh, tôi đã chọn phim tài liệu. Vì tôi quan niệm rằng đây là một thể loại có thể giúp tôi kể câu chuyện về đời sống một cách chân thực nhất. Tôi quan tâm đến những vấn đề mang tính xã hội mà thông qua nó có thể nói những gì thuộc về nội tâm con người...

* Ở Pháp, phim tài liệu để ra rạp và phim tài liệu để chiếu trên truyền hình khác nhau như thế nào, thưa chị?

- Tôi làm phim tài liệu để chiếu trên truyền hình. Và tôi biết thông thường tính thơ, tính triết học của một phim tài liệu trên truyền hình cũng sẽ kém hơn phim với mục đích ra rạp. Đó là cái chung. Nhưng không vì cái chung đó mà tôi nghĩ nó không quan trọng. Bởi vì tôi luôn đặt hết mục đích của mình vào bộ phim, cố gắng đưa thông tin một cách chắt lọc, sâu sắc, gắng tìm đến tận cùng cội nguồn của vấn đề để người xem có thể cảm được suy nghĩ của tôi.

Né Sousz (Mồ côi) là câu chuyện về ông Robert Vaeza, sinh năm 1945 tại Yên Bái, có mẹ tên là Trần Thị Khiêm (Đô Lương, Nghệ An), cha là một người lính Pháp da đen. Sau Hiệp định Genève 1954, 4.500 đứa trẻ có cha là những người lính viễn chinh Pháp đã bị Hội bảo trợ xã hội Pháp giật từ tay các bà mẹ Việt, đem về Pháp nuôi dưỡng. Rất nhiều người trong số họ mong ước tìm lại nguồn gốc của mình, và bộ phim Né Sousz của Frédérique Pollet Rouyer - với nhân vật chính là ông Robert Vaeza tìm mẹ - là điển hình của hiện tượng trên.

* Vậy các phim tài liệu tại Pháp có chỗ ở các rạp chiếu phim không? Và nó có vị trí như thế nào so với phim truyện?

- Hiện tại phim tài liệu ra rạp ở Pháp rất ít, bởi vì kiếm tiền làm phim tài liệu rất khó. Và chỉ có các kênh truyền hình mới có tiền. Đương nhiên một bộ phim dở cũng chẳng có chỗ trên truyền hình. Vấn đề ở chỗ đời sống của bộ phim đó dài hay ngắn sẽ được quyết định ở các LHP mà nó sẽ tham dự. Nếu nó thành công thì như một cách quảng bá, nó sẽ ra rạp, hoặc được các kênh truyền hình khác tiếp tục phát sóng. Bạn thấy đấy, cuối cùng thì do bộ phim đó hay hoặc dở mà thôi.

* Với bộ phim Né Sousz (Mồ côi), từ khi nghĩ ra ý tưởng đến khi có tiền, chị đã thực hiện từng bước như thế nào?

- Tình cờ tôi biết câu chuyện từ trước, Né Sousz (Mồ côi) đề cập đến một trang sử trong chế độ thực dân mà nhân vật của tôi như một chứng minh điển hình của bối cảnh lịch sử giai đoạn đó. Năm 2006, tôi bỏ chút tiền túi quay một ít cảnh để khởi động dự án. Sau đó, tôi gửi đi khắp nơi để nhờ những cảnh đó mà xin tiền ở Trung tâm điện ảnh Quốc gia Pháp, Ủy ban văn hóa Pháp - Bỉ... Công đoạn là trình dự án, trình hình ảnh, rồi tiếp tục bổ sung. Thấy hấp dẫn thì người ta cho tiền. Mỗi chỗ một ít cho đến khi có một nhà sản xuất nói: Thế là đủ, số còn lại tôi sẽ cung cấp!

* Cảm ơn chị.

Cát Khuê (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.