Thương những cuộc tình chưa viết bao giờ

07/07/2009 14:27 GMT+7

Năm 1984, tại khoa văn Trường ÐH Tổng hợp TP.HCM (*) có một buổi bảo vệ luận văn đặc biệt: đón tiếp cùng lúc hai nghệ sĩ nhân dân Ba Vân và Phùng Há.

Hai nghệ sĩ lớn cùng đến để "bảo kê" cho một sinh viên có luận văn tốt nghiệp về ngọn cờ đầu của sân khấu Sài Gòn trước 1975. Ðó là thầy tuồng kiêm soạn giả và nghệ sĩ số 1 Nguyễn Thành Châu - tức Năm Châu. Thời điểm đó mọi cái nhìn về nghệ sĩ Năm Châu đều chưa cởi mở...

Nợ tình chưa nói hết

Bộ ba Phùng Há, Năm Châu và Ba Vân là trụ cột cải lương miền Nam, bộ ba của cái bi - cái hài và đỉnh cao của nghệ thuật. Cho nên buổi bảo vệ luận văn về một người thành ra phải nói về cả ba. Họ đã đi cùng nhau từ buổi khởi đầu của cải lương rồi cùng đưa cải lương đến đỉnh cao của cái thật và cái đẹp. Họ đã cùng nhau say trong Men rượu hương tình, Nợ tình, Sân khấu về khuya... - những vở cải lương được coi là tuyên ngôn về nghệ thuật của soạn giả Năm Châu và của lịch sử sân khấu cải lương miền Nam.

Nhưng trên hết trong các vở cải lương này, nghệ sĩ Năm Châu đã trải bày được nỗi niềm của người nghệ sĩ lụy tình vì bị phụ tình. Và người xem cứ thấy cái tình nghệ sĩ trong vở thấp thoáng cái nợ tình của soạn giả và người diễn. Cái tình nghệ sĩ khi ấy còn thấp thoáng nỗi đau đớn và lãng mạn của những cuộc tình bên trong và những tư tình bên ngoài hôn nhân...

Tình yêu trong những cuộc tình dở dang và đạo lý thường tạo nên những bất hòa và xung khắc, là ưu thế trong các vở cải lương của soạn giả Năm Châu. Nghệ sĩ Phùng Há luôn giữ vai trò đào chánh trong các vở này, góp phần tôn vinh tác phẩm của người nghệ sĩ đồng điệu. Nói như người trong giới thì cặp soạn giả, đạo diễn Nguyễn Thành Châu và nghệ sĩ biểu diễn Phùng Há là hiệu quả nghệ thuật đặc biệt của phương pháp "đo ni đóng giày".

Nhưng có một điều mà hình như những người cùng thời với hai nghệ sĩ đều biết, đều hiểu và đều không nói ra là chính nghệ sĩ Phùng Há là người phụ nữ làm nên cảm xúc, làm nên nỗi đau và làm nên tình yêu vĩnh hằng để nghệ sĩ Năm Châu viết nên những tác phẩm. Mỗi lần bà đến rồi đi, bà đi rồi về, về rồi lại đi... trong tình yêu với nghệ sĩ Năm Châu chính là cốt lõi đầu tiên và cuối cùng để ông viết nên những tuyệt tình ca...

Lẫn trong những người đến viếng NSND Phùng Há tại nhà tang lễ 25 Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) có một cụ bà dáng người nhỏ, gầy, đi chân đất đến quỳ lạy trước linh cữu người đã khuất và dè dặt rút một ít tiền trong túi cho vào bì thư để bỏ vào thùng phúng điếu.

Bà tên Trần Ngọc, nhà ở đường Cô Bắc. Khi nghe tin NSND Phùng Há qua đời, bà nói với chồng vét chút tiền ít ỏi kiếm được từ nghề xe ôm để đến viếng, ủng hộ quỹ từ thiện.

Bà Ngọc kể ngày xưa ba má của bà chỉ là người phụ dọn dẹp cảnh trí, sân khấu trong gánh hát của bà Bảy Phùng Há, nhưng khi họ mất đi bà Bảy đã lo rất chu đáo. “Cho nên bây giờ tôi đến để trả nghĩa bà Bảy, thắp cho bà một cây nhang” - bà Ngọc bộc bạch.

H.O

Bản luận văn của ngày đó chỉ dám thoang thoáng nhắc lại để đủ hiểu rằng giữa nghệ sĩ Năm Châu và nghệ sĩ Phùng Há có những vướng vít không thể bứt rời và chia xa. Hiểu cái lãng mạn lặng lẽ đã trở thành cơ sở cho những vở diễn hay đang có, đang còn trong đời thật, mà trong luận văn chỉ dừng ở cái tình nghệ sĩ, còn chữ tình trong luyến ái thì dở dang, gãy vụn.

Giáo sư Hoàng Như Mai hình như hiểu điều này, ông cho luận văn 10 điểm. (Nhiều người bảo điểm 10 của thầy Mai là để thưởng cho những điều chưa nói hết trong luận văn. Một giáo sư "Bắc Hà" lại yêu lấy cải lương Nam bộ, yêu quý nghệ sĩ Phùng Há rồi yêu luôn bản luận văn viết về người thầy của bà và bản thân bà nên biết đâu ông hạ bút "khuyên" điểm 10 là vì chính người đến dự!?).

Xin nỗi cô đơn rời xa

Nghệ sĩ Phùng Há sinh ngày 30-4-1911. Bà là hội trưởng Hội Nghệ sĩ ái hữu trước và sau 1975, người lập nên chùa Nghệ Sĩ, người thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương. Là người của đám đông nên thuận khi danh vị ở đỉnh cao, ở lúc thành đạt, còn nghịch khi trở về cõi riêng. Không biết có phải vì vậy mà khi bà ở đỉnh cao thì tình yêu, sự giàu có, nét sang cả đều tựu trung ở nơi bà. Nhưng khi bà về với nơi của riêng mình thì... Ở cái nơi bà đã "làm nhà" cho cõi vĩnh hằng của người nghệ sĩ - vì bà chọn lựa - người ta nói bà hạnh phúc ở đó. Có thể, nhưng bóng dáng một gia đình có cả chồng con cháu chắt...không có. Bà không có cái gì riêng cả! Bà vĩnh viễn là của sân khấu cải lương, thuộc về cải lương, tôn vinh cải lương để cải lương và bà chỉ một, và tất cả.

Ðiều này được nói đến khá kỹ khi Phương Nam phim đầu tư làm bộ phim Cô Bảy Phùng Há. Nhà biên kịch Nguyễn Hồ giữ vai trò chủ biên bộ phim tài liệu chân dung dài nhất VN đầu tiên (thời lượng 45 phút - huy chương bạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc 1992) đã chỉ ra sự hi sinh lớn lao của bà cho nghệ thuật, khi mà mọi đỉnh cao đã thuộc về bà thì cũng một mình bà đi về hiu quạnh trong cõi riêng tư. Hình như với những nghệ sĩ tài năng thì nỗi cô đơn là cái bất di bất dịch... Ðiều đó không dám nói với bà khi bà còn bên chúng ta. Còn bây giờ, quả thật nếu có "kiếp lai sinh" thì xin điều ấy, duy nhất điều ấy thôi hãy rời xa bà.

Có viết được đâu...

Giáo sư Hoàng Như Mai, sau này, còn gọi nhiều sinh viên của mình lại, thậm chí còn đề nghị một người hãy chấp bút viết lại hồi ký của nghệ sĩ Phùng Há. Với người sinh viên của thầy Mai, đó là việc quá lớn. Sự yêu thích cộng với mong muốn được thử sức khiến người sinh viên ấy muốn bắt đầu, thế nhưng người ấy cũng biết rõ những vương vấn giữa nghệ sĩ Năm Châu - Phùng Há, lại biết rất rõ nghệ sĩ Hai Cúc - người vợ nhất mực thủy chung của nghệ sĩ Năm Châu.

Nghệ sĩ Phùng Há và nghệ sĩ Hai Cúc là sự đối nghịch của hai thái cực trong đời sống - một bên là sự lộng lẫy kiêu sang đầy hào quang, còn bên kia là hiện thân của sự bình dị, mộc mạc chân thành, gần gũi...Mà khi đối diện với cả hai thì bất kỳ ai cũng bị cả hai khuất phục...

Ðạo lý của người VN khiến cuốn hồi ký khó được viết hết sự thật. Người viết làm sao làm được cái việc bênh ai bỏ ai... Cuốn hồi ký dở dang. Mà đâu phải chỉ có người sinh viên của giáo sư Hoàng Như Mai. Kể cả cố soạn giả Ngọc Linh (vừa là con nuôi vừa là ký giả kịch trường hơn 40 năm ở Sài Gòn, ông là người nắm giữ biết bao câu chuyện về người mẹ nuôi nghệ sĩ) cũng biết bao lần lưỡng lự, có viết được đâu... Hôm qua, khi nghe tin nghệ sĩ Phùng Há ra đi, một đạo diễn từng có ý định làm một bộ phim truyện dài dựa trên cuộc đời bà đã thốt lên đầy nuối tiếc: "Một người giữ biết bao cuộc tình rồi cũng ra đi".

Bây giờ bà đi.

Tất cả thành huyền thoại.

Chúng ta nợ bà.

Món nợ về những cuộc tình chưa được viết bao giờ...

... Ở tuổi 99, khi nhắc lại tình xưa nghĩa cũ, bà lại ngoái nhìn ra phía mảnh vườn, nơi còn lưu lại khoảng trống của di hài người bạn tri âm. Tôi nghe con cháu của bà kể sau khi gia đình cải táng mộ phần của NSND Năm Châu về chùa nhà, chiều nào cô Bảy cũng đi dạo một vòng quanh nghĩa trang Nghệ sĩ, ngang phần mộ của ông Năm trước đây, bà chậm bước rồi thở dài. Bà cũng ít ngủ hơn.

Còn nhớ đôi lần bà tự trách cứ cái số của mình: "Lạ lùng cái là khi tui có chồng thì ông không vợ, khi ông có vợ thì tui cũng mới thôi chồng nên cứ đi so le vậy hoài, làm sao gặp được!". Hơi hám ngặt lắm rồi nhưng nhắc về ông Năm, bà lại khe khẽ ca mấy câu trong 20 câu ông Năm viết giúi gửi riêng cho bà cái ngày ông biết bà vừa thôi chồng...

Rồi bà đúc kết: "Làm nghệ sĩ, khán giả đang thương mình trên sân khấu. Bỗng dưng mình đi thương đi lấy chồng của người khác, có phải là mang tội với khán giả không. Thôi thà chịu buồn, chịu cô độc một chút con ạ...".

NSƯT Bạch Tuyết
(Trích "NSND Phùng Há: Rời chốn nhân gian như trên đường trở về" - Nguồn: VietNamNet)

Theo Huỳnh Thanh Diệu / Tuổi Trẻ

(*) Hiện là Trường ÐH KHXH&NV TP.HCM.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.