Vĩnh biệt cây đại thụ sân khấu cải lương

07/07/2009 14:17 GMT+7

Nửa thế kỷ tỏa sáng trên sân khấu cải lương, sống chỉ biết cho chứ chưa đòi nhận bao giờ, NSND Phùng Há không chỉ là tấm gương của giới sân khấu mà còn được người đời yêu kính bởi nhân cách sống và đạo đức của bà

Chị Thủy- người cháu duy nhất của bà - báo tin trong nghẹn ngào: “Ngoại mất rồi. Cô Bạch Tuyết, chú Nam Hùng đang ở đây. Cô Bạch Tuyết đang hóa trang cho bà lần cuối”.

NSND Phùng Há ra đi để lại niềm tiếc thương cho giới nghệ sĩ nhiều thế hệ. Người viết còn nhớ cách đây không lâu, trong ngày mừng thọ 99 tuổi của bà, giọng nói run run, bà đã căn dặn các nghệ sĩ học trò của bà: “Ráng mà truyền nghề cho lớp trẻ để giữ cái nôi sân khấu cải lương”. Đó là tâm nguyện cả đời của bà và cũng là điều canh cánh bên lòng bà trong những năm gần đây khi sân khấu cải lương lâm vào tình cảnh khó khăn.

Chuyện của hơn 80 năm trước

Sinh ra trong một gia đình có cha là người Hoa giàu có nhưng rồi 7 tuổi, bà đã phải theo mẹ sang Trung Quốc thọ tang cha. Bị vợ lớn của cha bạc đãi, bà và mẹ tìm mọi cách về lại làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho (nay là TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) để “có chết thì chết tại nơi chôn nhau cắt rốn”. Và rồi, để có miếng ăn, 10 tuổi, bà phải mò cua bắt ốc, vào làm công ở lò gạch ông Bang Hoạch để mỗi ngày có được vài cắc bạc phụ mẹ mua gạo.

Nhờ có giọng hát hay, bà được công nhân lò gạch đỡ đần công việc; bù lại, bà hát cho họ nghe.  Một buổi chiều, có một ông khách lạ tìm đến lò gạch, không phải để mua gạch mà để nghe trộm tiếng ca của cô bé Trương Phụng Hảo. Tiếng ca mà theo ông cứ buồn man mác, mang nặng nỗi niềm dù người hát chỉ mới 12-13 tuổi. Đó là ông Hai Cu, chủ tiệm vàng kiêm bầu gánh Tái Đồng Ban ở Mỹ Tho.

Sau hôm ấy, ông đến tìm mẹ của bà xin cho bà được theo gánh hát. Ông nói, con trai của ông, kép Hai Gỏi, vừa qua đời; cô Năm Phỉ, là người yêu, buồn quá đã bỏ gánh ra đi. Ông muốn mời bà về thế vai đào chánh. Ban đầu, mẹ bà không cho vì nghĩ “xướng ca vô loài”. Nhưng nghĩ đến cảnh nhà nghèo khó, nghề hát đỡ nhọc nhằn mà được 8 cắc bạc cho một suất diễn, lại còn được nuôi cơm hai bữa, cô bé Trương Phụng Hảo đã hứa với mẹ sẽ giữ mình, “làm việc bằng cái tâm thì không thể bị miệng đời chê cười”.

Mới 13 tuổi, bà đã được chú ý với vai Thúy Kiều trên sân khấu Tái Đồng Ban (năm 1924). Cái buổi chiều định mệnh đã đưa bà vào nghề, cho giới sân khấu một cô đào tài danh, sáng giá và trở thành cây đại thụ của giới sân khấu cải lương.

Hơn nửa thế kỷ sáng rực trên sân khấu

Bà được xem là ngôi sao bắc đẩu của giới sân khấu cải lương vì sự tiên phong của bà trên lãnh vực diễn xuất. Từ gánh hát Tái Đồng Ban, bà đã cống hiến nghệ thuật trên 10 sân khấu: Trần Đắc, Huỳnh Kỳ, Phụng Hảo, Phước Cương, Năm Tú, Việt kịch Năm Châu...

Bà đã hóa thân vào hàng trăm vai diễn, từ đào chánh đến vai diễn tính cách, từ đào võ đến kép võ, kép văn. Hơn nửa thế kỷ, bà đã khắc họa thành công và trở thành khuôn mẫu cho các thế hệ nghệ sĩ qua những vai như:  Dương Quý Phi, Tô Ánh Nguyệt, cô Lựu, Phạm Lãi, Tây Thi, An Lộc Sơn, Lữ Bố...

Vào thập niên 50 của thế kỷ trước, khi bà làm bầu gánh hát Phụng Hảo, một số nam nghệ sĩ đột ngột qua đời, bà đã đề nghị với NSND Năm Châu cho bà được thử nghiệm việc đóng vai kép. Vở Đường Minh Hoàng du nguyệt điện thời đó đã trở thành một sự kiện nổi bật, đánh dấu sự phát triển của nghệ thuật hóa thân khi một nữ nghệ sĩ thể hiện vai kép võ. Để từ đó về sau, gánh hát Toàn Nữ Ban của bà được khán giả yêu mến, tiếng vang lan rộng tận trời Tây.

Tại hội nghị UNESCO tổ chức tại Đức năm 1964, bà đã biểu diễn xuất sắc vai Lữ Bố bên cạnh kỳ nữ Kim Cương vai Điêu Thuyền, được khán giả các nước châu u kính phục.

Góp phần tạo dựng nhiều thế hệ “vàng”

Tài năng của bà còn được biết đến qua vai trò đào tạo. Tâm huyết gầy dựng một thế hệ diễn viên diễn “thật” và “đẹp”- đi theo trường phái của người bạn diễn tâm đầu ý hợp Năm Châu, bà đã góp phần làm  nên một thế hệ nghệ sĩ “vàng” đầy  tài đức của  sân khấu cải lương, như : Thanh Nga, Thành Được, Diệp Lang, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Thanh Thanh Hoa, Phượng Liên, Nam Hùng, Thanh Tòng, Lệ Thủy, Minh Vương, Tấn Tài, Minh Cảnh, Ngọc Hương, Phượng Mai, Đỗ Quyên...

Từ các nghệ sĩ đoạt giải Thanh Tâm đến thế hệ giải Trần Hữu Trang, bà đã góp phần hun đúc tài nghệ, gieo cho họ lý tưởng phấn đấu cho sự nghiệp nghệ thuật để ngày nay sân khấu có những tài năng như: Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Linh Tâm, Cẩm Thu, Thoại Mỹ, Kim Tử Long, Tô Châu, Chí Linh, Vân Hà...
Không chỉ hướng dẫn nghệ sĩ trẻ vào nghề, bà còn cho họ những bài học từ cuộc sống, biết hy sinh lợi ích cá nhân, chung tay vì sự nghiệp sân khấu. NSƯT Thanh Thanh Tâm bật khóc: “Bà đã cho tôi nhiều bài học giá trị về nghề và cuộc sống. Hồi đó, mỗi lần đến thăm bà, tôi than rằng sân khấu đang gặp nhiều khó khăn, chắc con sẽ bỏ nghề, tìm một chốn bình yên để sống với các con. Bà nở nụ cười thật tươi: “Rồi con sẽ yêu sân khấu lại, rồi con sẽ vượt qua bởi vì trong con đã có một phần hơi thở của sân khấu”.Bà luôn dạy học trò mình chữ “nhẫn” trong cuộc sống. Cũng nhờ chữ “nhẫn” của bà mà tôi gắn bó với sân khấu đến hôm nay”. 

Với NSƯT Bạch Tuyết, bà dạy: “Khi con đứng trên hào quang thì dưới chân con có biết bao người làm công việc nâng đỡ bước chân con. Con chớ vì cái tôi của mình mà quên ơn họ. Một anh hậu đài, một chị phục trang, một anh quân sĩ..., tất cả đều là những người con phải mang ơn trong cuộc sống này”.

Hết lòng vì người nghèo

Bà sống với quan niệm cho đi là được nhận về tất cả, nên suốt cuộc đời bà từ đời thường đến sự nghiệp sân khấu, bà chỉ cho chứ chưa đòi hỏi được nhận bao giờ.

Bà tổ chức nhiều chuyến đi từ thiện, mang tiền và quà tặng của những mạnh thường quân, san sẻ cho những hoàn cảnh bất hạnh. Chính vì nghĩ đến câu “nghệ sĩ sống chung không thể chết lẻ”, bà đã tìm gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt để xin đất xây Viện Dưỡng lão nghệ sĩ TP, nghĩa trang Nghệ sĩ tại quận Gò Vấp.

NSƯT Ngọc Giàu kể: “Có lần, nửa đêm bà điện thoại nói có một anh hậu đài ở đoàn Phụng Hảo chết ở tận Bạc Liêu. Vì thân nhân của anh hậu đài đó không có nên người ta chôn bên vệ đường, bà kêu gọi học trò nhanh chóng gom góp tiền, cho người xuống Bạc Liêu mang xác về chôn cất trong nghĩa trang nghệ sĩ. Bà không muốn những số phận cả đời vì nghề hát, để khi thác đi hồn bay trong cô quạnh”.

Nguyện vọng cuối đời mà bà chưa thực hiện được đó là xây một kỹ nhi viện nuôi dưỡng con em nghệ sĩ nghèo, không có điều kiện đến trường. Những năm sau này, khi Hội Sân khấu TPHCM tổ chức Quỹ Vòng tay nghệ sĩ, bà mừng lắm: “Phải làm như vậy để anh em nghệ sĩ, công nhân sân khấu có chỗ nương dựa mỗi khi gặp khó khăn”.

Chỉ mới buổi sáng cách đây không lâu, bà còn hỏi chuyện đi từ thiện sắp tới lo tới đâu rồi. Đến giây phút cuối cuộc đời, bà vẫn lo cho người nghèo, lo làm việc thiện.

 
NSND Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo, sinh ngày 30-4-1911 tại làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho. Bà qua đời vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 5-7, hưởng thọ 99 tuổi.

Linh cữu quàn tại Nhà Tang lễ TPHCM, 25 Lê Quý Đôn, quận 3.

Lễ viếng bắt đầu từ ngày 6-7 đến 10 giờ ngày 8-7, sau đó bà được đưa về an táng tại nghĩa trang Nghệ sĩ, quận Gò Vấp-TPHCM.

Theo Thanh Hiệp / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.