Nhà điêu khắc Tô Sanh: 82 tuổi vẫn... chạy tốt

07/07/2009 10:40 GMT+7

(TNTT>) Với trên 300 bức tượng chân dung, hầu hết là những người nổi tiếng, ông đã được Trung tâm sách kỷ lục VN (Vietbooks) công nhận “kỷ lục gia”. Còn anh em giới mỹ thuật gọi ông là “người chép sử bằng tượng”

Hẻm tượng

 “Qua cầu Thị Nghè, quẹo trái vào con đường nhỏ; qua khỏi chiếc cầu gỗ nhỏ, rồi hỏi cụ Tô Sanh. Mà không, cứ hỏi “hẻm tượng” ở đâu thì khắc biết nhà cụ”. Theo hướng dẫn của một họa sĩ bên Hội Mỹ thuật TP.HCM, tôi tìm ra con “hẻm tượng”, cái tên do người dân gọi riết thành quen. Quả thật, không biết cơ man nào là tượng. Tượng Che Guevara, Fidel Castro…, chính giữa là pho tượng to cao nhất, chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều tượng đến nỗi trong nhà không chứa hết phải bày ngay trước hiên, lấn ra đến một phần ba bề ngang con hẻm. Căn hộ ông ở tầng trệt chung cư. Bên trong chỉ có một tấm nệm đặt ở giữa, chừa lối đi nhỏ, còn lại dành hết cho tượng các vị danh nhân nổi tiếng trong nước và một số là người nước ngoài, được ông miệt mài nặn, tạc, lưu giữ suốt 60 năm qua.

 
Cụ Tô Sanh đang chỉnh sửa bức tượng tướng Phạm Xuân Ẩn trước nhà

Hầu như đủ mặt anh hào, những tên tuổi lẫy lừng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh… và cả những nhà khoa học, văn nghệ sĩ nổi tiếng như Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Vũ Khiêu, Lưu Hữu Phước, Trần Trọng Đăng Đàn, Trà Giang, Lư Nhất Vũ, Hồ Kiểng… không thể kể hết. Người còn sống và người quá cố làm cuộc đại trùng phùng, hội ngộ tại đây. Tôi nhác thấy có cả tượng bà NSND Phùng Há, người vừa qua đời lúc nửa đêm 5-7-2009, chả biết ông tạc khi nào, được đặt ở vị trí rất trang trọng. Nói chung, bất luận là người đã quy tiên hay còn ở hạ giới, hễ giỏi giang đức độ được người đời ngưỡng mộ, dứt khoát người đó có tên trong bộ tượng của cụ Tô Sanh.

Bà Lựu- phu nhân nhà điêu khắc Tô Sanh chỉ tôi xem một bức tượng còn mới và cho biết, năm ngoái cụ đọc trên báo Thanh Niên thấy có loạt bài viết về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn. Cụ rất cảm phục nhà tình báo đại tài nên nhờ tác giả bài viết cung cấp địa chỉ của ông Ẩn để cụ đến gặp. Một thời gian ngắn sau, pho tượng ông Ẩn hoàn thành. Sau khi ông Ẩn qua đời, cụ Sanh còn tạc thêm một bức khác, tặng vợ ông đem về thờ.

Kỷ niệm đầu đời

Bà Lựu còn khá trẻ so với tuổi 82 của chồng, vì vậy lúc trò chuyện chúng tôi mạn phép gọi là chị. Một lần, cha chị- họa sĩ Thuận Hồ (ông Hồ Tấn Thuận) nhờ chị đi gửi thư mời nhà điêu khắc Tô Sanh đến dự cuộc triển lãm của cha ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Sau lần triển lãm đó, chị phải lòng và đồng ý “chắp nối” với ông Tô Sanh khi ông vừa tròn 70. Chị dẫn tôi đi xem tượng đặt dưới nhà, bảo rằng còn có cả trăm pho để trên gác, “nhưng thôi đừng lên kẻo… sập”. Có pho tượng 3 mặt dính nhau trông rất ngộ tạc nghệ sĩ “cải lương chi bảo” Bạch Tuyết. “Sao lại 3 mặt?”, tôi hỏi.

Chị Lựu giải thích: “Anh không nhìn thấy sao. Mặt cười, mặt khóc, mặt giận. Cải lương là vậy mà”. Tôi đùa: “Cuộc đời cũng có khác chi cải lương”. “ Ờ hén!”. Chị Lựu cho biết cụ Tô Sanh không phải là người quan hệ giao tiếp nhiều, nhất là với những người nổi tiếng. Thường cụ tạc tượng họ thông qua báo chí. Đọc báo thấy có bài viết nào về nhân vật có công với nước với dân; hoặc ai đó nhân cách hay hay, cụ liền cắt dán vào sổ riêng.

Sau đó cụ đến thư viện tìm tư liệu, ảnh chụp (nếu là người quá cố); hoặc tìm đến nhà riêng xin chụp hình (người còn sống), khắc họa chân dung nhân vật rồi về tạc tượng. Tôi thắc  mắc “sao không thấy tượng vị chức sắc nào ở thành phố này?”, chị Lựu: “không thấy, tôi cũng không hiểu tại sao. Ổng vậy đó, thích ai thì ổng làm”. 

Chờ mãi không thấy cụ về, có lẽ mình chưa có duyên. Hóa ra, chị Lựu kể, một buổi chiều tối cách đó mấy hôm, ông xã có việc lội bộ ra đường. Đi trên lề mà vẫn bị một thằng say rượu chạy xe gắn máy tông phải làm cụ té đập đầu xuống đất, bất tỉnh 8 - 9 tiếng đồng hồ, phải đi cấp cứu.

Hôm vào bệnh viện thăm cụ, tôi thấy cụ đã tỉnh nhiều, nằm đọc báo. “ Sau chuyến nằm viện này, về nhà cụ có ý định nghỉ ngơi chưa? Hay vẫn…”, tôi hỏi. Cụ Sanh trợn mắt: “Mệt thì nghỉ. Khỏe thì làm, chứ nghỉ là nghỉ thế nào”. Thú thật nói chuyện với cụ rất… mệt. Cụ bị nặng tai, sắp điếc. Cụ đã bỏ ra mười mấy triệu đồng mua một lúc 2 cái máy trợ thính.

Nhưng rồi đeo vào tai thấy “vướng vướng” nên bỏ, không đeo. Muốn hỏi gì tôi phải viết ra giấy đưa cụ xem. Còn không thì nhờ chị con dâu đang nuôi cụ trong bệnh viện “phiên dịch” hộ. Câu chuyện của chúng tôi hôm ấy mở volume quá to, chắc làm phiền lòng không ít bệnh nhân cùng phòng đang cần sự yên tĩnh nghỉ ngơi. Ngại lắm, nhưng đành chịu, không có cách nào khác.

Cụ Sanh kể, sự nghiệp mỹ thuật của cụ có lẽ bắt đầu từ lần gặp Bác Hồ năm 1955, khi vừa từ Cà Mau tập kết ra Bắc. Hôm ấy, họa sĩ trẻ Tô Sanh được giao trực cuộc triển lãm tranh tại số 2 Yết Kiêu, Hà Nội, trong đó anh có tham gia 2 bức, một bức vẽ chùa Một Cột vừa được trùng tu, bức kia là tranh cổ động (sau đó đoạt giải nhất) mang tên “Việt Nam phải thống nhất” nội dung vẽ chữ Việt Nam bị chia cắt làm đôi, lính Diệm cố sức xô ra nhưng không được vì sức mạnh mong muốn thống nhất của nhân dân hai miền. Đoàn của Bác hôm đó khoảng 10 người, trong đó có Bộ trưởng Văn hóa Hoàng Minh Giám. Khi họa sĩ Nguyễn Thị Kim thấy Bác dừng lại rất lâu xem bức tranh “Việt Nam phải thống nhất”, chị kính cẩn: “Thưa Bác! Tác giả tranh đang đứng sau lưng Bác đấy ạ”. Bác quay lại. Ông Sanh kể, hôm đó tai, mặt ông nóng phừng phừng, chỉ biết lí nhí: “Thưa Bác! Cháu là Tô Sanh từ miền Nam ra ạ”. Bác Hồ vỗ vai ông: “Phấn khởi nhé, anh Tô Sanh”. Nhớ mãi lần đầu tiên ấy.

Trốn viện và… nghe “hứa”

Chuyện trò một lúc, cụ bảo: "tôi đang tạc bức tượng Bác Hồ bắt tay Bác Tôn, sắp hoàn thành, hiện để ở xưởng. Cậu lai (chở) tôi đi tôi cho cậu xem". Theo cụ, "trong điêu khắc khó nhất là tạc đôi mắt phải sao cho có thần". Không ít người từng tạc tượng hai Bác, nhưng ánh mắt không thật đạt như trong hình chụp. Cụ Sanh đang dồn hết tâm sức để đạt được cái “thần” đó. Đang làm dở dang thì vào bệnh viện.

Thế là hai cụ cháu tôi trốn viện. Trời trưa nắng gắt. Xe chúng tôi len lỏi qua dòng người như nêm. Từ bệnh viện Thống Nhất đến xưởng tượng đường Phan Văn Trị khá xa.  Than ôi, khi đến nơi thấy do không có bàn tay chăm sóc của cụ, bức tượng đã bị nứt, không thể đổ composite được. Nhưng cụ bảo không sao, còn khỏe sẽ làm lại. Cụ tâm sự phần lớn tượng danh nhân cụ làm vì thích; cũng có tượng theo đơn đặt hàng nhưng ít lắm. Làm công quả mà. Chị Lựu cho biết có khi tạc ai đó xong, tặng họ còn không dám lấy, vì sợ còn sống mà trưng tượng sẽ “đi theo ông bà, ông vải”.

 

Nhà điêu khắc Tô Sanh được công nhận là kỷ lục gia

Nhìn tượng bày đầy nhà, lấn ra đường mà thương cho cụ Tô Sanh, thương cho danh nhân nước Việt. Hỏi cụ, “sao cụ không tìm một nơi nào đó đàng hoàng để trưng”, cụ cho biết mười mấy năm trước lãnh đạo Thành ủy, rồi HĐND thành phố có hứa cấp một căn nhà để làm nhà bảo tàng tượng, xứng với tầm vóc danh nhân. Nhưng chờ mãi, chẳng thấy đâu. Thương tình cảnh cụ… đất chật tượng đông, ông Lãng chủ tịch Hội cá cảnh TP.HCM đã hứa cho cụ một căn, nhưng phải nỗi tuốt tận… Củ Chi. Hy vọng lần này “dân hứa” chắc là được.                      

Nguyên Thủy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.