Văn bản pháp luật và GDP

04/07/2009 01:19 GMT+7

Nếu tiếp tục cách xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật như hiện nay, Việt Nam có thể sẽ tổn thất tới 25% GDP. Nhận định khá sốc này được Scott Jacobs, chuyên gia tư vấn quốc tế, thành viên Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ đưa ra tại cuộc hội thảo về công cụ rà soát, đánh giá chất lượng văn bản quy phạm pháp luật vừa diễn ra tại Hà Nội.

Nguyên nhân tổn thất nói trên, theo ông Scott, là do tính chất rườm rà không cần thiết của các văn bản, quy định gây ra. Thực tế cho thấy  mức thiệt hại tương tự ở các nước vào khoảng 5-15% GDP.

Ông Scott cũng cho rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay là một cơ hội tốt giúp các quốc gia, trong đó có Việt Nam, tăng đà cho cải cách pháp lý như một phần của nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng chung. Dẫn lại câu chuyện cải cách diễn ra rất thành công ở Hàn Quốc cách đây hơn 10 năm, chuyên gia này cho rằng đây là mô hình mà Việt Nam có thể tham khảo.

Năm 1997, Hàn Quốc đã sụt giảm tới 13% GDP do cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á, sự kiện được đánh giá là bước lùi lớn nhất trong lịch sử của đất nước này. Tuy nhiên Hàn Quốc đã có những phản ứng hết sức tích cực. Họ tận dụng ngay cơ hội này để thay đổi môi trường kinh tế, tạo động lực cho sự phát triển cũng như động lực cho sáng tạo cất cánh. Chỉ trong 1 năm, Hàn Quốc đã mạnh tay bãi bỏ hơn 6.000 quy định rườm rà, làm thông thoáng hệ thống các quy định pháp lý.

Tại Việt Nam, đã có tình trạng xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn nhau. Nhiều văn bản khiến những người thực thi không biết phải xoay xở thế nào. Bên cạnh đó là tình trạng luật đã có hiệu lực nhưng không thể thi hành do chậm có văn bản hướng dẫn... Bà Dương Thu Hương - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, từng kinh qua nhiều vị trí liên quan đến việc soạn thảo, thẩm định văn bản pháp luật tới thi hành luật – cho biết nhiều khi cũng thấy bất lực, không biết phải hiểu thế nào đối với một số văn bản pháp luật của Việt Nam. Còn theo ông Nguyễn Đình Cung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), tình trạng “8 không” (không cụ thể, không rõ ràng, không nhất quán, không minh bạch, không tiên liệu trước được, không hợp lý, không hiệu quả và không hiệu lực) đang tồn tại khá phổ biến ở hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nước ta hiện nay…

Việt Nam hoàn toàn có thể tránh được hoặc ít nhất giảm thiểu được những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng trong tương lai - ông Scott khẳng định - bằng cách rà soát đánh giá và điều chỉnh một cách khoa học việc xây dựng và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Hương Giang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.