Kim Dung tung hoành đại lục

02/07/2009 10:27 GMT+7

(TNTT>) Từng sáng tác 15 bộ tiểu thuyết võ hiệp kinh điển, từng xây dựng nên một thế giới võ lâm đầy kỳ bí và lôi cuốn, làm nức lòng bao độc giả yêu kiếm hiệp khắp thế giới, thế nhưng… vị "võ lâm minh chủ" này mới được chính thức kết nạp vào Hội nhà văn Trung Quốc vài ngày qua.

85 tuổi được...  kết nạp vào hội nhà văn trung quốc

Suốt hơn 20 năm qua, Hội nhà văn Trung Quốc vẫn thường lơ là không mấy khi phát triển hội viên ở các khu vực Hồng Kông và Đài Loan. Tuy nhiên do không thể phủ nhận vai trò của các nhà văn ở các khu vực này trong việc đóng góp vào quá trình phát triển văn hóa Trung Hoa, từ cuối thập niên 70 tới giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, hội này mới chính thức kết nạp 25 hội viên thuộc khu vực Hồng Kông và Đài Loan rồi ngưng hẳn suốt một thời gian dài. Trong danh sách 408 hội viên mới kết nạp năm 2009, báo giới và người hâm mộ Kim Dung ở đại lục xôn xao khi biết tin nhà văn lão thành Kim Dung giờ mới được chính thức kết nạp.

Nhà văn nổi tiếng Hải Nham cho rằng đây là một việc tốt. “Kim Dung là một thí dụ điển hình, có vị trí to lớn trong văn chương kiếm hiệp. Hội nhà văn Trung Quốc đã chịu thừa nhận hiện thực văn học như vậy là một việc đáng mừng”, ông nói. Nhà văn Đường Triết cũng thừa nhận: “Việc nhà văn nổi tiếng Kim Dung chịu vào Hội nhà văn Trung Quốc khiến tiểu thuyết võ hiệp càng tỏa sáng rực rỡ”. Nhà lý luận văn hóa nổi tiếng Hồng Kông Mã Gia Huy cũng cho rằng: “Việc Kim Dung gia nhập Hội nhà văn Trung Quốc là một bước quan trọng trong quá trình tiểu thuyết kiếm hiệp được nhà nước đại lục thừa nhận”. Tuy nhiên, đông đảo các fan Kim Dung đều tỏ ý bất bình và để lại nhiều lời nhắn trên các diễn đàn trên mạng. Họ cho rằng tên tuổi của Kim Dung không có Hội Nhà văn nào so sánh nổi và việc ông tham gia vào Hội Nhà văn là hoàn toàn không cần thiết, thậm chí có thể làm giảm giá trị của ông.  Nhiều người cũng cho rằng với tài hoa của Kim Dung, nếu vị “võ lâm minh chủ” này chịu quá bộ vào Hội nhà văn thì ít nhất cũng phải là Hội trưởng hoặc Hội phó mới tương xứng. Tuy nhiên, theo một nguồn tin cho biết, chính nhà văn Kim Dung đã tự nộp đơn xin vào hội, không màng chức vụ lẫn danh tiếng. Có lẽ với vị đại hiệp suốt đời rong ruổi chốn giang hồ này thì tìm kiếm một nơi vui thú mới là điều ông mong đợi hơn cả. Nhiều chuyên gia nghiên cứu tác phẩm của Kim Dung cũng cho rằng ông rất giống với nhân vật “Lão ngoan đồng” trong tác phẩm Anh hùng xạ điêu, chỉ thích phiêu bạt cho vui. Mặt khác Kim Dung cũng là một người ham thích hoạt động, ông thay đổi công việc liên tục, thậm chí từng làm nhiều việc một lúc trong cùng một thời điểm nên rất khó có thể ngồi im. Việc gia nhập Hội Nhà văn Trung Quốc được đánh giá là một cách thức tích cực của Kim Dung trong các hoạt động cuối đời với mục đích vừa tìm kiếm niềm vui, vừa tìm thấy nguồn sinh lực mới, lại như ngầm nhắc nhở các độc giả và công chúng rằng ông vẫn đang tồn tại. 

Biểu tượng văn hóa “N” trong 1

Nhà văn Kim Dung  (trái) trong một cuộc hội thảo 

Nhà văn Kim Dung  (trái) trong một cuộc hội thảo

Kim Dung là một người đa tài. Ngoài sáng tác văn học, ông còn là nhà doanh nghiệp, bình luận chính trị gia, nhà hoạt động xã hội, nhà báo, biên tập, chủ bút chuyên mục, phiên dịch, đạo diễn phim, nhà chính luận, học giả… với thành tích các mặt đều rất xuất chúng. Bên cạnh những tác phẩm kiếm hiệp cuồn cuộn hào khí, từng làm nức lòng độc giả khắp nơi với sức tiêu thụ hàng triệu bản, Kim Dung đã nhanh chóng trở thành nhà văn tiêu biểu kiệt xuất nhất của dòng tiểu thuyết võ hiệp tân phái. Ông thường được vinh danh là “Tuyệt đại tông sư” và “Thái sơn Bắc Đẩu” trong lịch sử văn học kiếm hiệp mà không ai có thể so sánh nổi. Trong khi đó các fan thường âu yếm gọi ông là “Kim đại hiệp” hoặc “Tra đại hiệp”. Tất cả các tác phẩm của ông đều được chuyển thể thành phim truyện và truyền hình, được nhiều nước mua bản quyền và dịch ra bản ngữ, trong đó có Việt Nam. Từng được ví là “kỳ nhân”, là nhân vật điểm nóng văn hóa giữa thập niên 90 của thế kỷ XX, là niềm tự hào, là viên ngọc sáng của văn hóa Hồng Kông, những thành tựu mà Kim Dung đã đạt được khiến mọi người phải kính phục.

Sơ lược về Kim Dung

Tên thật: Tra Lương Dung
Năm sinh: 1924 tại tỉnh Triết Giang
· 15 tuổi: sáng tác cuốn sách đầu tiên có tên “Dành cho người thi vào sơ trung”
· Năm 1944: thi đỗ khoa ngoại giao Đại học chính trị T.Ư tại Trùng Khánh
· Năm 1946: học luật quốc tế tại Đại học Đông Ngô, Thượng Hải
· Năm 1949: đăng luận văn về luật quốc tế, được giới luật rất khen ngợi
Viết bài cho các báo: Đông Nam nhật báo, Đại công báo, Tân vãn báo, Minh báo…
Các bút danh: Diêu Phức Lan, Lâm Hoan…
Ông hiện sống tại Hồng Kông
Các tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung: Tuyết sơn phi hồ, Phi hồ ngoại truyện, Việt nữ kiếm, Liên thành quyết, Thiên long bát bộ, Anh hùng xạ điêu, Bạch mã khiếu Tây phong, Lộc đỉnh ký, Tiếu ngạo giang hồ, Thư kiếm ân cừu lục, Thần điêu hiệp lữ, Hiệp khách hành, Ỷ thiên đồ long kí, Bích huyết kiếm, Uyên ương đao.

Ông cũng chính là người sáng lập và kinh doanh thành công tờ Minh báo tại Hồng Kông (20-5-1959), đẩy số lượng phát hành tờ báo này đứng số 1 tại đây. 98% bài xã luận của Minh báo đều do ông viết với lối kiến giải sâu sắc, độc đáo và linh hoạt, được độc giả kính trọng. Ông cũng từng được giới chính trị Trung Quốc và nước ngoài nể phục bởi cương vị cây bút xã luận hàng đầu Hồng Kông. Các bài xã luận của ông trở thành tài liệu tham khảo cho chính quyền đại lục, Đài Loan và Hồng Kông, đồng thời cũng trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều nước phương Tây. Do chí hướng của Kim Dung thời trẻ là trở thành quan chức ngoại giao, tham gia hoạt động chính trị nên từ thập niên 80, ông rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Tháng 4-1986, ông phụ trách tổ chức soạn thảo thể chế chính trị Hồng Kông, nhiều lần tiếp kiến các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng cộng sản Trung Quốc như Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân… Kim Dung từng được Đại học Văn khoa Hồng Kông phong học vị tiến sĩ danh dự (1986), được Đại học Bắc Kinh – trường đại học lớn nhất Trung Quốc – phong học hàm giáo sư danh dự (25-10-1994), được mời vào Hội đồng khoa học của Đại học Newton (Anh)… Ngoài ra, Kim Dung còn rất mê thích điện ảnh, từng viết nhiều bài phê bình điện ảnh, kịch bản điện ảnh như Tuyệt đại giai nhân, Lan Hoa, Đừng xa em, Ba mối tình, Cô gái bồ câu, Hữu nữ hoài xuân, Tiếng đàn lúc nửa đêm… Ông từng có thời kỳ đến làm việc tại công ty điện ảnh Trường Thành để viết kịch bản và làm đạo diễn. Cũng chính nhờ trình độ năng lực uyên bác và trải rộng trong nhiều lĩnh vực đến vậy, Kim Dung đã gửi gắm hết tinh hoa và vốn kiến thức của mình vào các tác phẩm võ hiệp, đẩy chúng lên một đỉnh thăng hoa mới.

Nét độc đáo của Kim Dung là ở chỗ ông đã tạo dựng nên một loại khung tự sự mới. Tức là ở khoảng giữa câu chuyện truyền kỳ giang hồ và bối cảnh lịch sử, ông đã thêm vào một tuyến thứ ba là câu chuyện cuộc đời của nhân vật chính. Hay nói một cách khác, ông đã tạo dựng được một không gian ba chiều của thế giới nghệ thuật tự sự, có sức lôi cuốn các độc giả.

Lệ Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.