Làm giàu nhờ trồng cây hiếm - Nông dân rất cần được hỗ trợ

01/07/2009 23:07 GMT+7

Loạt bài Làm giàu nhờ trồng cây hiếm trên Thanh Niên đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Trao đổi với PV Thanh Niên về các mô hình này, ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - nói:

- Tôi hoan nghênh Báo Thanh Niên đã tìm tòi, phát hiện và tập hợp các mô hình trồng cây hiếm đem lại hiệu quả kinh tế cao từ nhiều địa phương trên cả nước để giới thiệu với bạn đọc, trong đó có đông đảo nông dân theo một chuyên đề dài kỳ. Đây là việc làm rất thiết thực. Người dân có thể lựa chọn từ các mô hình do báo nêu một mô hình phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của mình để tổ chức sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, giúp gia đình mình thoát nghèo, thậm chí là vươn lên làm giàu chính đáng ngay tại quê hương.

* Thưa ông, cần làm gì để có thể nhân rộng các mô hình này?

- Phương thức chỉ đạo sản xuất nông nghiệp nói chung, lĩnh vực trồng trọt nói riêng là phải đi từ mô hình điểm rồi nhân ra diện rộng, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc rút ra các bài học kinh nghiệm về kỹ thuật tạo giống, chăm sóc, thu hoạch và cả khâu thị trường nữa. Trên thực tế, nhiều loại cây khi triển khai ở mô hình nhỏ thì thành công nhưng đến lúc nhân rộng đã gặp thất bại và không ít mô hình nhân rộng rất nhanh nhưng lại không bền vững, tức là chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao trong một khoảng thời gian ngắn.

Tôi cho rằng, các mô hình mà Báo Thanh Niên phản ánh bước đầu đã đạt được những thành công nhất định, nhưng chúng ta cần phải tiến hành quy hoạch vùng sản xuất, gắn với thị trường, và các nhà khoa học, cơ quan hữu trách phải có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn nông dân cách nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh hơn nữa.

* Ai sẽ chịu trách nhiệm xây dựng quy hoạch cụ thể và phù hợp với từng loại cây để định hướng cho nông dân, thưa ông?

- Cục Trồng trọt đang tiến hành quy hoạch đối với những loại cây lớn, cây chiến lược như lúa, ngô, sắn, đậu tương... Trách nhiệm quy hoạch những cây hiếm, cây đặc sản và ở quy mô nhỏ như Báo Thanh Niên đã phản ánh thuộc về các địa phương và các bộ chuyên ngành. Theo đó, căn cứ vào tình hình, điều kiện cụ thể và lợi thế cạnh tranh của mình và có tính toán kỹ lưỡng về đầu ra cho sản phẩm, từng địa phương sẽ đưa ra định hướng phát triển phù hợp nhất.

* Trong khi trồng và kinh doanh những sản phẩm từ các loại cây kể trên, nếu gặp khó khăn về giống, kỹ thuật chăm sóc, chế biến thì nông dân có thể tìm sự giúp đỡ từ đâu?

- Những loại cây mà Báo Thanh Niên đã nêu, có cây thuộc lĩnh vực lâm nghiệp (gió bầu), có cây thuộc nhóm dược liệu (bồ công anh), có cây thuộc lĩnh vực trồng trọt. Mỗi ngành đều có chiến lược phát triển, hướng tới những loại cây chủ lực. Tuy nhiên, các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước cũng đã và đang tiến hành nghiên cứu về tạo giống, kỹ thuật chăm sóc... đối với một số loại cây mang tính đặc sản và quy mô nhỏ kể trên, người nông dân khi cần có thể liên hệ với các nhà khoa học, trung tâm và viện nghiên cứu, trung tâm khuyến nông, trường đại học chuyên đào tạo các chuyên ngành về nông lâm nghiệp... để được hướng dẫn.

Quang Duẩn
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.