Nói không với "tôm tạp chất"!

26/06/2009 23:51 GMT+7

Thủy sản VN trong đó đặc biệt là tôm từ lâu đã khẳng định được chất lượng, thương hiệu trên thị trường thế giới kể cả những thị trường đặc biệt khó tính như Nhật, Mỹ, EU. Tình trạng một số cá nhân hám lợi bơm chích tạp chất vào tôm để làm tăng trọng lượng tôm nguyên liệu xảy ra trong thời gian qua dù chỉ là hành động tự phát, riêng lẻ nhưng cũng đáng để gióng lên hồi chuông báo động.

Một cuộc họp bàn biện pháp để kiên quyết ngăn chặn tình trạng này đã được Bộ NN-PTNT tổ chức ngày hôm qua (26.6) tại tỉnh Cà Mau, do Thứ trưởng  Lương Lê Phương chủ trì. Thứ trưởng cảnh báo: Những hành vi gian lận này đã làm ảnh hưởng rất nặng nề đến các doanh nghiệp (DN) chế biến tôm sú xuất khẩu, ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng tôm VN trên thị trường thế giới.

Làm xấu uy tín tôm VN

Bộ NN-PTNT sẽ phát động toàn dân theo dõi, tố giác các tổ chức, cá nhân bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu; tổ chức lực lượng liên ngành, liên tỉnh phối hợp kiểm tra xử lý
Thứ trưởng Lương Lê Phương

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, sau những tháng thiếu tôm nguyên liệu nghiêm trọng, hiện các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu ở Cà Mau đã hoạt động hết công suất, tuyển dụng thêm lao động, có trên 264.000 ha đã được người dân thả tôm nuôi… Trong tình hình khả quan đó nổi lên mối lo về tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu đang có xu hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín tôm VN.

Theo ông Hồng, tính từ đầu năm 2009 đến nay, cơ quan liên ngành Cà Mau đã phát hiện 67 vụ vi phạm an toàn vệ sinh nguyên liệu thủy sản, tịch thu trên 14.000 kg tôm sú nguyên liệu có chứa tạp chất. Các vụ vi phạm đều tập trung vào những người thu mua nguyên liệu, các cơ sở sơ chế nhỏ.

Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau, tại những vùng nông thôn, các thương lái tôm sau khi thu gom trong dân đã tổ chức bơm tạp chất ngay tại nhà với lực lượng làm thuê hàng chục người và gần như công khai. Một số nông dân khi thu hoạch tôm cũng đã tranh thủ ngâm tôm với nước đường, bơm rau câu vào tôm, nhằm tăng trọng  lượng.

Tại Bạc Liêu, chỉ trong thời gian ngắn, các lực lượng chuyên ngành tỉnh đã đột kích và bắt hàng loạt trường hợp vận chuyển, mua bán tôm sú có tiêm chích tạp chất, thu giữ trên 5.000 kg tôm vi phạm. Theo ông Lâm Hồng Khách, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng thủy sản tỉnh, tình trạng vi phạm này xảy ra ở các huyện Hồng Dân, Phước Long, Giá Rai và Hòa Bình. Việc kiểm tra, xử lý gặp khó khăn do các đối tượng tiêm chích tạp chất là các hộ mua tôm nhỏ lẻ, phân tán trên nhiều địa phương tiếp giáp với các tỉnh Cà Mau, Hậu Giang, Sóc Trăng. Đã có trường hợp lực lượng chức năng lúc lập biên bản, tạm giữ số tôm vi phạm thì xảy ra xô xát với người vi phạm, có trường hợp người vi phạm cướp lại số tôm bị tạm giữ.

Sẽ kiến nghị đưa vào Luật hình sự

Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, tình trạng tiêm chích tạp chất diễn ra nhiều nhất là ở các hộ nuôi tôm quảng canh, vựa mua tôm nhỏ lẻ trên địa bàn các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu và một phần của tỉnh Kiên Giang. Việc tiêm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín tôm của VN trên thị trường thế giới mà còn gây thiệt hại lớn đối với các DN, quyền lợi của ngừơi nuôi tôm. Mặc dù, trong những năm qua các Bộ, ngành, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, ngăn chặn nhưng vẫn chưa thể tiêu diệt tận gốc.

 
Lực lượng chức năng đang niêm phong một lô tôm bị bơm chích tạp chất - Ảnh: T.T.P

Ông Hải cho biết trong những năm gần đây, các nước nhập khẩu tôm đưa ra nhiều rào cản về chỉ tiêu chất lượng an toàn thực phẩm, do đó để ngăn chặn triệt để tình trạng tiêm chích tạp chất, nâng cao uy tín, vị thế của tôm VN trên thị trường, VASEP sẽ cho công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng những DN uy tín, sản phẩm xuất khẩu luôn đảm bảo chất lượng cao, tuyệt đối không thu mua, chế biến tôm có chứa tạp chất.

Ông Lê Văn Quang, Giám đốc Công ty CP Minh Phú cho rằng, cái khó đối với các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu là do chưa chủ động được nguồn nguyên liệu sạch nên đành chấp nhận mua nguyên liệu từ các nguồn bên ngoài, rất dễ mua phải tôm nguyên liệu có chứa tạp chất. Một trong các nguyên nhân khiến tình trạng này gia tăng có phần lỗi từ các công ty thu mua khi họ đã không thực sự kiên quyết từ chối mua tôm nguyên liệu nhiễm tạp chất.

Ông Nguyễn Xuân Hồng nhận định hành vi bơm chích tạp chất vào nguyên liệu thủy sản là vi phạm pháp luật, thu lợi bất chính, gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với lợi ích quốc gia. Ông Hồng cho biết trong thời gian tới, Cà Mau sẽ chủ động phối hợp với các tỉnh lân cận có biện pháp kiên quyết, đồng bộ để loại trừ sự gian lận này. Ông cũng kêu gọi các công ty thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu "nói không với tôm tạp chất" cho dù có thiếu nguyên liệu tới đâu.

Theo ông Lâm Hồng Khách, hiện nay mỗi trường hợp vi phạm đều bị xử phạt hành chính từ 10-15 triệu đồng, tịch thu toàn bộ số lô tôm vi phạm, nhưng dường như vẫn chưa đủ sức răn đe. Ông Khách đề nghị nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo chống tiêm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu của cả khu vực ĐBSCL để hiệu quả phòng chống cao hơn.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lương Lê Phương cũng cho biết trong thời gian tới sẽ tăng cường hơn nữa việc kiểm soát, giám sát nhằm hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng đáng lo ngại này. Bộ NN-PTNT cũng sẽ kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội nên đưa hành vi này vào nhóm các hành vi vi phạm pháp luật hình sự để xử lý. Đồng thời, Bộ NN-PTNT cũng sẽ phát động toàn dân theo dõi, tố giác các tổ chức, cá nhân bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu; tổ chức lực lượng liên ngành, liên tỉnh phối hợp kiểm tra xử lý. 

Trần Thanh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.