Trường gà bên kia biên giới - Bài 4: Tháo khỏi giang hồ

25/06/2009 00:12 GMT+7

Thua gà, sạt nghiệp, nhiều tay chơi đã rút khỏi nơi sát phạt. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là họ đã được xóa tên khỏi chốn “giang hồ”, bởi theo sau dấu chân của những con bạc hết thời này thường là những khoản nợ dằng dai.

Đúng hẹn. Sáng thứ bảy, nhóm của ông Hai H. đã đánh ô tô từ Kiên Giang trở lại đấu trường Tà Mau. Chỉ về khu vực úp gà bên hông khán đài, ông H. cho biết nhóm của ông mang theo 3 con gà chiến. Trong đó, ông tin nhất là con gà “chuối” ở giữa, nó từng thắng đậm ở Thốt Nốt. Ông nói trước khi chúng tôi tới, ông đã thua mấy độ liên tiếp, nên số tiền còn lại ông dành để đá con chuối này.

Cùng đoàn đi, ông H. giới thiệu, có nhiều người “nhà giàu”, nào H. chủ hãng xe khách liên tỉnh, B. chủ cửa hàng phân, thuốc bảo vệ thực vật, đến một thầy giáo dạy cấp 3...

Đi cùng họ là một nông dân được thuê trông chừng, phòng người chơi xấu làm bùa, thảy thuốc vào gà. Anh này phải ngồi canh ở khu úp gà, không được rời mắt khỏi “đấu sĩ”. Nếu thắng độ thì biết đâu chủ gà vui sẽ thưởng hậu cho...

Con “chuối” xông trận. Không mau cũng không lâu, “niềm tin” của ông H. trở thành nỗi thất vọng lúc con gà đập cánh bỏ chạy về phía khán giả, sau khi bị con “bướm” đâm một nhát vào cổ...

B. rời ghế của những tay chơi tiền lớn bước lên chỗ của những con bạc ít tiền, thất thểu, thều thào: “Đi mất năm chục chai”. Trong khi đó H. và những người đi chung vẫn còn trao những xấp tiền dày cho người thắng cuộc.

Buồn so, ông Hai H. kể trước khi đi qua đây, vợ ông còn nói theo: “Ông chơi làm sao thì chơi, đừng quên mẹ con tôi còn sống ở nhà”. Không ai hỏi, ông vẫn quay qua chúng tôi trút tâm sự: “Đây là chuyến đi chơi cuối cùng của tôi, từ đây không chơi nữa”. Ông nói, nhà ông còn một mảnh đất ở Bình Dương, từ lâu dành tiền, định về đó cất dãy nhà trọ cho công nhân thuê, nhưng thua gà kiểu này thì cụt vốn rồi...

Mang khổ trở về

“Vô mấy chỗ đó dễ kiếm tiền, nhưng cũng dễ chết”, nhiều năm kiếm sống tại các trường gà ở biên giới Campuchia, biện G. đúc kết được một điều đơn giản như thế.

Tới giờ, hỏi đến tên G., nhiều cù lủ, chủ tài, bạn gà... ở các trường gà biên giới vẫn còn nhớ. Công việc của anh hàng ngày là đến trường gà, bắt kèo cho một cù lủ nào đó rủng rỉnh tiền ở phía sau.

G. được đánh giá là có mắt “nhà nghề”, ra kèo chính xác, lại quen nhiều mối tay chơi nên trong thời gian kiếm cơm ở đây, anh đã giúp không ít cù lủ hái tiền. Thu nhập của biện là từ tiền phần trăm của dân chơi gà lẫn cù lủ, sau khi chia đôi với chủ trường. Thoạt nhìn vô thì thấy các tay biện chỉ “bán nước miếng lấy tiền”, nhưng không biết nhìn gà, thậm chí nhớ rõ con gà nào từng thắng thua cả năm về trước mà ra kèo bị “hớ” thì không đại gia nào tin để mà làm ăn với biện. Nếu không có quan hệ rộng với các tay chơi thì có khi anh ngồi cả ngày cũng chẳng ai thèm bỏ tiền ra chơi. Mỗi độ thắng vài trăm triệu, biện được cù lủ boa vài trăm, thậm chí vài triệu là chuyện thường; mặt khác con bạc cũng phải hoa hồng lại cho biện. Ngoài ra, bước vào làm ăn ở trường gà, mỗi biện phải nộp trước cho chủ trường 15 đến 20 triệu gọi là tiền “dằn chân”, để nếu biện có đá “lộn” kèo thì chủ trường lấy tiền ra chung, sau đó biện lại kiếm tiền đắp vào khoản chủ trường đã chi ra.

 
Nhiều trường gà quy hội quá đông gà chọi đến nỗi phải thắp đèn đá tối - Ảnh: Tiến Trình

“Thời gian đó tôi làm ra tiền dữ lắm”, G. kể. Nhưng có một điều gần như là quy luật là những đồng tiền đỏ đen ít khi “cầm” được lâu. G. nhớ lại, sau những khi kiếm được kha khá tiền, các biện và tay chơi thường rủ nhau đi chơi thâu đêm suốt sáng, “có khi xài tiền không đếm, chỉ ngắt khúc để boa cho các em”...

Đang ăn nên làm ra, biện G. không biết mình bắt đầu “tới vận đen” từ lúc nào. Vốn là những tay chơi quen mặt với nhau, và cũng để giữ mối, G. thường xuyên cho những con bạc khô túi vay tiền để “gỡ”. Không ngờ, những người quen thuộc, ngày nào rủng rỉnh tiền, là chủ doanh nghiệp kinh doanh gỗ, thủy sản ở Hà Tiên, sau những ngày phóng bạc như mưa đã lâm vào nợ nần, phá sản. Cùng một lúc bị giật hàng loạt, làm ăn thất bát, vợ nhà đau ốm... biện G. đành ngậm đắng rời cuộc chơi ở những trường gà biên giới. Về lại Việt Nam, nhiều “chiến hữu” biết anh có nghề coi gà nên thường rủ anh tham gia vào những chuyến “săn” gà chiến. G. cho biết, nhiều tay biện khi giải nghệ còn khổ hơn anh. Không có nghề ngỗng gì thì rất khó sống.

G. tự an ủi: nhiều đại gia thua tiền tỉ. Anh bấm ngón tay: ông T. cửa hàng mua ghẹ, ông X. buôn gỗ... cũng khốn khổ vì chơi bạc gà. Đó là chỉ tính ở Hà Tiên, những nơi khác cũng thế, có quá nhiều người thâm nợ vì bạc gà.

Chúng tôi hỏi: “Có ai phất lên từ đá gà ở biên giới không?”. Suy nghĩ hồi lâu, G. kết luận: “Chỉ có chủ trường gà!”.

Phóng sự của Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.