Sân trường đổ máu, vì đâu? - Kỳ 1: Hung thủ cũng là nạn nhân

23/06/2009 10:31 GMT+7

Đã có không ít trường hợp học sinh trung học đánh nhau, thậm chí đâm nhau gây án mạng xảy ra liên tiếp gần đây. Vì sao có những chuyện đau lòng như thế? Điều đọng lại của những vụ bạo lực học đường là không chỉ nỗi đau của nạn nhân, mà ngay người gây án cũng chịu những tổn thương nặng nề cả về thể chất và tâm hồn...

Trại tạm giam Chí Hòa (TP.HCM) chiều tháng 6 nóng gắt. Cậu học trò dỏng cao với ánh mắt buồn quay quắt. Gần một giờ trò chuyện, trong từng lời kể của em - bị can, chúng tôi nhận thấy thẳm sâu trong tâm hồn em tràn ngập nỗi ân hận. Em đau đáu nhớ gia đình, nhớ trường lớp, nhớ những trận bóng, nhớ thầy cô, bè bạn...

Giá như chuyện ấy không xảy ra...

Đ., 17 tuổi, quê ở Nha Trang, là học sinh lớp 11 của một trường nội trú thuộc TP.HCM. Theo cô hiệu trưởng nhà trường, trong bữa ăn sáng ngày 8-5, Đ. và T. (học sinh lớp 12) có to tiếng với nhau. Buổi trưa, T. đánh Đ. ở cầu thang. Ngay sau đó, tổng giám thị gọi cả hai lên kiểm điểm và hòa giải. Nhà trường cho biết theo lời khai của Đ., T. đã kể lại chuyện xích mích với Đ. cho Q. (19 tuổi, học sinh lớp 12) nghe. Ngay chiều đó, Q. gọi Đ. vào “nói chuyện” và đe dọa sẽ “xử lý”. Sau bữa cơm chiều, Q. và Đ. có lời qua tiếng lại, bất ngờ Đ. rút dao ra. Q. bỏ chạy, Đ. đuổi theo đến khu vực nhà bảo vệ của trường và đâm trúng Q., sau đó Q. chết tại bệnh viện.

Tại trại tạm giam Chí Hòa, Đ. trình bày rằng em không hề muốn đụng chạm đến T. và Q.. Em cho biết trước đây Q. có ghét Đ. do em thường chơi đá banh trong sân trường. Trước ngày 1-5, Q. đã đánh Đ. bị sưng một bên mắt. Sau vụ cãi nhau với T., Q. đến tìm và đòi đánh Đ.. Chúng tôi hỏi em: “Khi xảy ra vụ việc, sao em không báo ngay cho thầy cô?”. Đ. trả lời buồn bã: “Em nghe các bạn nói có báo cũng thế. Không ai giải quyết gì”. “Vậy em có người bạn thân nào không? Sao em không chia sẻ?”. Đ. nói em có hai người bạn thân. Lần đầu bị Q. đánh em có kể với các bạn. Các bạn cũng không biết làm gì hơn. Cuối buổi trò chuyện, Đ. nghẹn ngào khóc: “Em muốn sự việc chưa xảy ra và Q. chưa chết!”.

 

Đ. - người đã dùng dao đâm bạn khi bị bạn tấn công. Tại trại tạm giam, Đ. luôn mong ước sự việc chưa xảy ra và người bạn tấn công mình chưa chết. Ảnh: Q.Minh

Nói về Đ., cô hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Đ. là một học sinh hiền, ngoan, ít nói. Bố em là bộ đội, mẹ em làm việc nhà nước. Em học khá giỏi, đặc biệt các môn tự nhiên. Em còn là học sinh lớp chọn của chúng tôi. Đ. chưa hề vi phạm lỗi nào trong lớp và ở nội trú”. Cô hiệu trưởng cho biết có trên 1.000 học sinh ở nội trú tại trường. Trường lắp hệ thống camera 44 cái ở hành lang các lớp học và khu nội trú cũng như xung quanh sân trường để hỗ trợ quản lý. Đội bảo vệ gồm 15 người ở cơ sở chính.

Tại khu vực các em chơi, tập trung sáu bảo vệ có bộ đàm và giáo viên nội trú rất đông. Trường có cả tiến sĩ tâm lý tư vấn cho học sinh. Tại trường đôi khi cũng có xảy ra học sinh cãi nhau, đánh nhau nhưng 12 năm qua đều giải quyết êm thắm. Cô hiệu trưởng giải thích: “Sự việc của Đ. hết sức bất ngờ. Một xích mích rất nhỏ đã được giải quyết giữa Đ. và T.. Còn người thiệt mạng lại là người ngoài cuộc nên bộ phận giám thị và giáo viên chủ nhiệm không lường hết. Lúc xảy ra án mạng tại nhà bảo vệ, khu vực này chỉ còn một bảo vệ, các bảo vệ khác phải đứng ở khu đông học sinh. Khi xảy ra vụ việc, không may cho Q., trời thì mưa, xe đưa đi cấp cứu gặp trục trặc...

Không ngăn chặn kịp
 
Theo hiệu trưởng một trường THCS, H. mới 13 tuổi, học sinh lớp 8. H. ít nói, học lực khá, hạnh kiểm tốt, chưa từng vi phạm nội quy của trường H. ở Bắc Giang chuyển vào TP.HCM học, do bố mất nên mẹ gửi em vào ở với bác. Điều kiện chăm sóc về vật chất và học tập cho em H. không thiếu nhưng qua tìm hiểu, nhà trường nhận thấy em H. có thiếu thốn tình cảm. Em bị sốc vì mất bố, phải sống xa mẹ, khi đi học lại bị các bạn bắt nạt, chọc ghẹo. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết em H. từng bị các em lớp 9 hăm đánh nên đã giấu dao trong người để “thủ”.

Chiều 28-3, trong giờ ra chơi, các em lớp 9 đã chủ động kéo qua lớp H. và đánh H.. Bị đánh hội đồng, H. đã phòng vệ loạn xạ. Lưỡi dao oan nghiệt của H. đã làm chết em M., làm bị thương chính bản thân em và hai bạn lớp 9 khác.

Giáo viên chủ nhiệm của em H. tâm sự: “Em H. là một học sinh hiền lành, quan hệ bạn bè thầy cô đều tốt, không có biểu hiện quậy phá nhưng hay lầm lì khác lạ. Học lực của em H. cũng vào hạng đứng đầu của lớp với các môn thi kết thúc học kỳ 1 hầu hết đạt 8-10 điểm. Việc H. bị các bạn lớp trên đánh không ai biết, từ khi H. bị đánh tới khi xảy ra sự việc quá ngắn - chỉ một ngày nên không ai kịp biết để ngăn chặn. Nếu biết em H. bị các bạn lớp trên đánh và dọa tiếp tục đánh thì giáo viên chủ nhiệm, nhà trường đã giải quyết dứt điểm chứ không thể để xảy ra chuyện nghiêm trọng như vậy.

Tương tự trường hợp của H. là trường hợp của em T. (15 tuổi, học sinh lớp 9). Mỗi khi đến lớp T. thường bị Th. đánh đập, bắt nạt. T. bỏ dao vào cặp với mục đích “thủ”. Chiều 6-11-2008, T. đang chơi với các bạn thì Th. đến túm áo, tát vào mặt T.. Sau đó, Th. bỏ đi và có dọa sẽ rủ thêm người đánh T.. Do sợ bị đánh tiếp, T. thủ con dao phòng thân. Khi thấy Th. vào lớp, T. liền đâm một nhát và bỏ chạy lên ban giám hiệu. Th. bị thương và chết sau đó. Ngày 15-4-2009, T. bị tòa án tuyên phạt 5 năm tù giam.

Câu chuyện của Đ., H. và T. là không quá cá biệt, trong thực tế có không ít án mạng xảy ra chỉ do mâu thuẫn giữa các em học sinh với nhau.

Theo Võ Hương - Minh Đức
 (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.