Tận diệt... địa sâm

22/06/2009 14:18 GMT+7

Những cây cuốc cán ngắn cuốc nhanh xuống mặt đất bùn rừng ngập mặn lật đất bùn lên. Sau nhát cuốc vừa đủ xuyên qua lớp bùn mặt pha chút cát, những con địa sâm (tên khác là cật đất, đồn đột, chặt khoai, sâu đất...) lộ lên trong khu rừng ngập mặn Cần Giờ, TP.HCM.

Những bóng người săn địa sâm thấp thoáng sau hàng cây đước, bần... um tùm. Lớp đất bùn mặt bị cuốc lỗ chỗ như đám ruộng đang làm đất. Rễ cây bị phạm nham nhở lộ màu trắng tinh trên lớp bùn nâu. Nhiều cây đước con bị xới lên nằm chông chênh, trơ gốc... Đó là dấu vết để lại của những người đào địa sâm.

Mưu sinh... rừng cấm

Đôi găng vải bó chặt bàn tay cầm cây cuốc cán ngắn, S., 22 tuổi,  đang loay hoay cuốc bỗng biến sắc khi nhận ra sự xuất hiện của người lạ. Khi biết không có kiểm lâm, công an xã hay lực lượng giữ rừng, cậu ta mới lấy lại bình tĩnh: “Sợ lắm, phải lén lút, nếu bị bắt coi như đi toi một ngày công”.

Nguyên chủ tịch UBND TP.HCM Võ Viết Thanh từng có văn bản số 2399/QĐ-UB-KT ngày 14-5-1997 chỉ đạo việc bảo vệ, gây nuôi, khai thác sử dụng và kinh doanh động vật rừng hoang dã trên địa bàn TP.HCM; có đoạn: “Cấm các cá nhân, cửa hàng, hiệu ăn, khách sạn và các tổ chức khác buôn bán chim, thú sống, thịt sống (kể cả các bộ phận của chúng) hoặc chế biến những món ăn đặc sản từ động vật rừng...”. (Điều 3 - quyết định UBND TP.HCM)
Học chưa hết lớp 10 thì nghỉ, S. mưu sinh bằng việc đi đào địa sâm quanh năm ở khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ. Đã vài lần bị bắt, bị thu hết dụng cụ hành nghề và số địa sâm đào được, nhưng S. vẫn tiếp tục lén lút săn địa sâm vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Con địa sâm cỡ ngón tay út, thân hình trụ thon dạng ống, dính bùn nên có màu nâu hồng nhạt. Xách chiếc can 20 lít được cắt rộng miệng, S. vác cuốc vào rừng đào từ sáng đến xế chiều được 5-7kg địa sâm, bán cho “đầu nậu” với giá 17.000 đồng/kg. Theo lời người thanh niên này, địa sâm có chất lượng tốt nhất khoảng từ tháng 3 đến tháng 8. Giai đoạn này điều kiện thời tiết cũng thuận lợi nên nhiều người lén lút vào rừng khai thác địa sâm.

Lớp bùn pha cát dưới tán rừng đước um tùm rất khó nhận biết chỗ nào có địa sâm, chỉ dân trong nghề mới biết. “Mặt bùn có ụ lên vài lỗ nhỏ, nếu nhìn kỹ sẽ thấy vòi nhỏ thò ra. Hầu như dưới mặt bùn chỗ nào cũng có địa sâm, nhận biết chỗ nào thì dễ, quan trọng là bắt được rồi có tránh được kiểm lâm hay không thôi”, S. cho biết. Đào địa sâm bị cấm nên những người làm nghề săn địa sâm đôi khi phải vứt hết đồ chạy nhanh vào rừng sâu khi gặp lực lượng kiểm lâm. Nếu bị bắt, thường là họ bị tịch thu hết đồ nghề và số địa sâm đào được, cũng có khi bị phạt.

Can đựng địa sâm còn lấm bùn - Ảnh: Toại Nguyễn

Đi trong khu rừng vắng, đâu đó vọng lại tiếng cuốc đào đất và những bóng người săn địa sâm thấp thoáng sau hàng cây đước, cây bần... Giữa một khoảnh rừng trống, thưa thớt, chỉ một vài cây đước già, nhiều cây chưa quá đầu người, vợ chồng anh T., 34 tuổi, đang đào bắt sâm đất.

Một “đầu nậu” cân bán địa sâm - Ảnh: Quốc Ấn

Ông Nguyễn Văn Lan, trạm trưởng Trạm kiểm lâm Tam Thôn Hiệp: “Hiện nay tình trạng khai thác - buôn bán sâm đất diễn ra hết sức tinh vi và phức tạp. Người dân đi đào sâm đất rồi mang sang Đồng Nai bán cho “đầu nậu”. Việc cấm đào bắt và mua bán sâm đất chỉ ở địa bàn TP.HCM, còn việc mua bán sâm đất ở Đồng Nai thì công khai. Chúng tôi sẽ làm việc với Trạm kiểm lâm Nhơn Trạch để cùng phối hợp xử lý các trường hợp mua, bán này”.
Anh T. cho biết: “Trước kia vợ chồng tôi vào rừng bắt cua, cá và ba khía bán để sinh sống nhưng nay cua, cá ngày càng ít, đành phải chuyển sang đào bắt sâm đất. Biết là bị cấm nhưng vì cuộc sống nên làm liều”.

Mỗi ngày vợ chồng anh đào được khoảng 10kg địa sâm. “Tôi chuyển sang nghề này được bốn tháng, chưa có kinh nghiệm nên đào bắt không bằng người ta. Tuy chưa bị kiểm lâm bắt nhưng lúc nào cũng phải cảnh giác!”. Khi được hỏi có biết vì sao cấm đào bắt sâm đất không, anh T. trả lời rành rọt: “Có nghe nói sâm đất giữ đất, giúp đất tơi xốp hơn. Đào sâm đất làm đứt gốc, đổ cây, chết cây con...”.

Nhiều người dân ở xã An Thới Đông, xã Tam Thôn Hiệp..., huyện Cần Giờ coi đào địa sâm là công việc chính. Chỉ cần một cây cuốc nhỏ hay xẻng và một can nhựa là đủ đồ nghề “tác nghiệp”. Việc đào `bắt địa sâm diễn ra ở những tán rừng gần khu dân cư. Số lượng người đi đào khá đông nên địa sâm ít dần. Để có lượng địa sâm ổn định, nhiều người chọn giải pháp đánh ghe qua những tiểu khu sâu trong rừng để “hành nghề”. Người đi đào bắt lẫn “đầu nậu” thu mua vận chuyển địa sâm trên ghe. Sợ bị tịch thu cả ghe lẫn đồ nghề, khi thấy lực lượng kiểm lâm, họ sẵn sàng đổ hết địa sâm xuống sông phi tang.

“Đầu nậu”... địa sâm

Nhiều người đào địa sâm cho biết để tránh kiểm lâm và công an xã, địa điểm thu mua thường xuyên thay đổi. Những “đầu nậu” lớn thì hôm nay mua ở gần khu dân cư, ngày mai thu mua ở mép sông... Những người thu mua nhỏ lẻ thì thu mua ngay tại nhà. Tất cả đều liên lạc qua điện thoại di động.

Sau khi đào về bán cho lái buôn, địa sâm được chế biến ngay vì để lâu địa sâm chết sẽ giảm chất lượng. Địa sâm sau khi rửa sạch được cho vào nước vôi. Sau vài giờ, vỏ ngoài địa sâm sẽ phồng to, lúc này chỉ việc bóc vỏ là có những miếng địa sâm màu nâu bạc. Dùng chiếc đũa luồn vào đầu kín của địa sâm cho thông suốt qua vòi miệng để lộn trái, bỏ nội tạng đất cát rồi rửa sạch. Kỳ công hơn thì tiếp tục ngâm địa sâm đã làm sạch vào nước vôi để tróc lớp vỏ bạc ra. Sau khi sơ chế, “thành phẩm” được bán tươi cho các nhà hàng ở TP.HCM, hay phơi hoặc sấy khô chuyển cho lái buôn đem ra các tỉnh phía Bắc và sang cả Trung Quốc.

Đối với rừng ngập mặn, địa sâm cũng giống như giun đất, làm lớp đất bùn tơi xốp tạo điều kiện cho lớp thực vật rừng phát triển. Địa sâm cũng nằm trong danh mục động vật rừng quý trên địa bàn TP.HCM và bị cấm khai thác, sử dụng. Chỉ được sử dụng từ việc gây nuôi, chỉ được sử dụng lứa con, cháu đời F1 theo quy định của UBND TP.HCM.
Nhiều người chạy xe ôm tại địa phương kiêm luôn việc “cò” mua bán địa sâm. Vào vai dân nhậu kiếm mồi, chúng tôi đến một điểm tập trung xe ôm hỏi nơi mua địa sâm. Một tay xe ôm nhanh nhảu nhận lời dẫn đường cho chúng tôi. “Ở đây có khá nhiều người đứng ra thu mua, tôi sẽ đưa các anh đến nơi gần nhất...”. Anh ta dẫn chúng tôi đến gặp một người đàn bà tự xưng là dì B. “sâu đất”, chuyên thu mua địa sâm. Bà B. dẫn chúng tôi ra khu bếp nằm sâu phía sau nhà để xem hàng.

Một ký địa sâm được ra giá 140.000 đồng, trả giá mãi nhưng bà B. nhất quyết không chịu bớt. Bà giải thích: “Đi vào rừng đào bới cả ngày được 5kg cật đất về sơ chế còn lại chưa được 1kg. Trước đây chính quyền chưa cấm và người ta chưa biết công dụng thì rẻ chứ bây giờ rất khó kiếm...”.

Bà B. còn chỉ dẫn cặn kẽ từng cách chế biến món cật đất: “Cật đất giống như thịt bò vậy đó, thịt bò nấu sao thì nó nấu vậy. Các món có thể chế biến như xào sả ớt, xào với nghệ, làm lẩu, xào lăn, nấu canh, nướng vàng... ngâm rượu”. Thấy khách bán tín bán nghi, tay “cò” nói thêm: “Địa sâm bổ lắm anh ơi, đây là thuốc cường dương, bổ thận, chữa yếu sinh lý, liệt dương đó. Giá vậy là đúng, hàng “quốc cấm” mà!”. Ra về, bà B. “sâu đất” còn cho chúng tôi số điện thoại để liên lạc đặt trước nếu cần mua với số lượng lớn.

Ở Cần Giờ hiện nay có khá nhiều “đầu nậu” thu mua địa sâm với quy mô lớn, có ngày thu mua hàng trăm ký địa sâm.

Nhằm bảo vệ khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ, năm 1997 UBND TP.HCM đã có quyết định cấm khai thác, buôn bán địa sâm. Năm 2005, việc cấm đào bắt và khai thác được thực hiện gắt gao hơn nhưng việc khai thác và mua bán địa sâm ở rừng ngập mặn Cần Giờ vẫn diễn ra lén lút. Chưa đề cập đến lợi ích của sâm đất đối với rừng ngập mặn, riêng việc người dân đào, bắt như vậy đã ảnh hưởng xấu đến rừng. Tận diệt như thế “lá phổi của TP” sẽ bị ảnh hưởng nặng nề!

Theo Nguyễn Lê - Quốc Ấn / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.