Quốc hội nhất trí: Thực hiện chính sách học phí mới từ năm học 2010-2011

19/06/2009 12:50 GMT+7

Hôm nay (19/6/2009), tại phiên làm việc ở hội trường, với sự đồng thuận cao, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015, theo đó, chính sách học phí mới sẽ được thực hiện từ năm học tới.

>> Toàn văn Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội

Theo Nghị quyết được 411 đại biểu tán thành (chiếm 83,37%), Nhà nước đảm bảo vai trò đầu tư chủ yếu cho giáo dục và đào tạo; đồng thời huy động sự đóng góp theo khả năng thực tế của gia đình người học.

Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi

Ưu tiên ngân sách cho phổ cập giáo dục tiểu học miễn học phí; phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, trước mắt còn có thu học phí.

Học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông công lập phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân, hướng tới miễn học phí vào thời điểm thích hợp.

Tiếp tục thực hiện không thu học phí đối với học sinh tiểu học. Đối với học sinh mầm non, trung học cơ sở, trung học phổ thông và người học xóa mù chữ, phổ cập tại các trung tâm giáo dục thường xuyên: Thực hiện miễn học phí đối với học sinh là con của người có công với nước, đối tượng chính sách, hộ nghèo; giảm học phí cho học sinh hộ cận nghèo; hỗ trợ kinh phí cho học sinh hộ thu nhập quá thấp không có đủ điều kiện tối thiểu đi học.

Tiếp tục chính sách cấp bù học phí

Học phí đối với đào tạo nghề nghiệp và đại học công lập thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí đào tạo giữa Nhà nước và người học. Tổng học phí của các cơ sở đào tạo công lập chiếm không quá 40% tổng chi thường xuyên. Giảm 50% học phí cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề; học sinh, sinh viên hộ nghèo, cận nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn được vay tiền tại ngân hàng chính sách xã hội để học.

Nhà nước thực hiện cấp bù học phí cho các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và đại học có đối tượng được miễn, giảm học phí theo học.

Các cơ sở giáo dục và đào tạo được thực hiện chương trình chất lượng cao và được thu học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo.

Thực hiện kiểm định chất lượng các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và đại học, các chương trình đào tạo và áp dụng cơ chế gắn học phí với chất lượng đào tạo.

Điều chỉnh học phí theo lộ trình phù hợp

Đối với các chương trình đại trà tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, trong điều kiện nguồn lực nhà nước chưa đủ để miễn học phí thì mức học phí được xác định theo từng vùng và ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, phù hợp với thu nhập bình quân và khả năng đóng góp thực tế của hộ gia đình, thực hiện tăng dần theo lộ trình hợp lý, mức trần chỉ áp dụng vào năm học 2014-2015.

Đối với các chương trình đại trà tại các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và đại học công lập, học phí được xác định theo các nhóm ngành nghề đào tạo và các bậc học, gắn với chất lượng đào tạo, thực hiện lộ trình tăng dần, phù hợp với nguyên tắc chia sẻ và khả năng đóng góp thực tế của người học.

Theo Nghị quyết, trong năm học 2009-2010, khi điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, chưa ra khỏi suy giảm kinh tế, việc điều chỉnh tăng trần học phí tại các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và đại học công lập (trừ đối tượng học sinh tốt THCS vào học trung cấp nghề) chỉ thực hiện ở mức thấp mang tính quá độ trước khi thực hiện lộ trình điều chỉnh học phí từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015.

Những cơ chế tài chính không liên quan đến học phí được áp dụng từ năm tài khóa 2010.

Chính phủ quyết định cụ thể và chỉ đạo thực hiện chủ trương định hướng đổi mới cơ chế tài chính giáo dục

>> Toàn văn Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của UBTVQH 

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Nghị quyết về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 do Chủ nhiệm Uỷ ban văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày sáng nay, Nghị quyết của Quốc hội chỉ quy định về chủ trương, định hướng và những vấn đề mang tính nguyên tắc là phù hợp với chức năng, thẩm quyền của Quốc hội, còn các vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền của Chính phủ, giao cho Chính phủ quy định.

Có ý kiến cho rằng học phí của các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và đại học công lập chiếm tới 40% tổng chi thường xuyên là cao.

Về vấn đề này, UBTVQH xin giải trình, theo kết luận của Hội nghị Trung ương 6 khóa X, “nguồn thu học phí đối với cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề đào tạo cao học, nghiên cứu sinh có thể bù đắp chi phí đào tạo thường xuyên, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ chi đầu tư”.

Vì vậy, Dự thảo Nghị quyết quy định học phí đào tạo nghề nghiệp và đại học được thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí đào tạo giữa Nhà nước và người học và đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 “học phí của các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và đại học chiếm không quá 40%”, còn Nhà nước đầu tư toàn bộ cơ sở vật chất và bảo đảm trên 60% chi thường xuyên còn lại là hợp lý.

Có ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá hiệu quả sử dụng kinh phí cho giáo dục và đào tạo thời gian qua. UBTVQH nhận thấy về vấn đề này, trong Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014 của Chính phủ đã có đánh giá khái quát tình hình giáo dục và đưa ra 8 ưu điểm và 8 nhược điểm của cơ chế tài chính hiện nay. Tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đề nghị Chính phủ có tổng kết và đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí dành cho giáo dục và đào tạo trong thời gian qua để làm cơ sở cho việc hoàn thiện cơ chế tài chính mới trong giáo dục và đào tạo.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.