“Ba chữ Võ Nguyên Giáp đã hút hồn tôi”

18/06/2009 14:33 GMT+7

Đúng sinh nhật lần thứ 99 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 25-8, vở kịch Bản giao hưởng Điện Biên (đạo diễn: Doãn Hoàng Giang, Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn Thanh Hóa dàn dựng) sẽ ra mắt tại Hà Nội.

Sau đây là cuộc trao đổi với tác giả kịch bản - nhà văn Nguyễn Quang Vinh xung quanh vở diễn lớn này. Ông nói:

- Tôi là người Quảng Bình. Người dân Quảng Bình mấy chục năm nay đều đặt trong tim mình hình ảnh người con quê hương trong niềm tự hào vô bờ bến: Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và tôi, một người con Quảng Bình, với tư cách một nhà văn, một nhà viết kịch, không thể không viết về đại tướng. Chỉ riêng ba chữ Võ Nguyên Giáp đã hút hồn hút vía tôi rồi. Viết về ông là niềm vinh dự, tự hào to lớn của nhà văn.

* Anh đã khắc họa hình ảnh của đại tướng ra sao?

- Kịch bản xây dựng một đại tướng rất đời, rất tài hoa trong chỉ đạo chiến tranh nhưng trong từng hành vi ứng xử với lính, với mọi người là một con người lấp lánh văn hóa, lãng mạn và giản dị.

Tôi viết nhanh, hình như có sức mạnh tinh thần nào đó thúc gọi. Đúng là rất khó viết kịch bản dạng này, rất khó viết về một con người quá lớn lao như đại tướng nhưng tôi đã đi tới chữ cuối cùng của kịch bản đầy hào hứng, đầy kỹ càng, đầy cảm xúc. Và tôi đã nhìn thấy một nhân vật đại tướng của tôi đúng như tôi suy nghĩ, đúng như lịch sử. Khi hoàn chỉnh kịch bản lần cuối, tôi và đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang đã có buổi làm việc rất kỹ càng, anh Giang đã đồng cảm và chia sẻ với tôi rất nhiều trong toàn bộ nội dung kịch bản

Nguyễn Quang Vinh

Mới đầu tôi có tham vọng vẽ chân dung đại tướng trong suốt cuộc đời ông, cả những thăng trầm và vinh quang của một con người - một con người mang quân hàm đại tướng, một con người theo suốt cuộc trường chinh của dân tộc, một vị tướng huyền thoại. Nhưng tham vọng ấy khó thực hiện, làm phim thì được, sân khấu chỉ gói trong 120 phút, không đủ sức chuyển tải. Thế nên tôi chọn thời điểm “chín năm làm một Điện Biên” với điểm nhấn lịch sử là chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhưng tham vọng viết trọn vẹn cuộc đời đại tướng trong tôi vẫn còn. Có thể là một kịch bản phim nhiều tập.

* Anh có thể tiết lộ nội dung vở kịch này?

- Nội dung kịch bản Bản giao hưởng Điện Biên (có thể tên kịch còn thay đổi) xoay quanh chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhưng tôi tập trung đi vào miêu tả thân phận: thân phận đại tướng với cả chiến dịch, với những quyết định khó khăn, quyết định liên quan đến vận mệnh của chiến dịch, của sự sống còn một dân tộc mà Bác Hồ và Bộ Chính trị đã “giao chú Văn toàn quyền quyết định”; thân phận của tướng Christian de Castries, của viên sĩ quan chỉ huy pháo binh Pháp Pirot; của nhân vật đại tá sư trưởng bộ đội ta, của nhân vật đại đội trưởng, cô dân công, văn công, thân phận của nữ y tá duy nhất của Pháp...

Kịch bản lý giải gốc rễ của chiến thắng của dân tộc, chiến thắng của tinh thần một dân tộc, phía sau người lính trận là quê hương, tình yêu, nỗi nhớ, lòng tự trọng của người Việt.

* Viết kịch bản về một nhân vật có thật, nổi tiếng khắp năm châu như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với anh có khó khăn gì?

- Viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất khó, khó vì báo chí, sách vở đã viết nhiều về ông. Ông vừa gần gũi, vừa cao cả, vừa chân thực, vừa huyền thoại. Nhưng tôi phải đi theo cách riêng của mình, tôi viết về ông kỹ càng, nâng niu từng chi tiết dù rất nhỏ, và vẽ chân dung ông bằng tất cả những chi tiết thật đời, cái cao cả của ông nằm ở sự giản dị và đức tính khiêm tốn, lãng mạn. Như ông nói, chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của văn hóa thắng bạo tàn, và ông hiện thân cho văn hóa Việt, tâm hồn đầy ắp văn hóa Việt...

Để làm được điều đó, tôi đã đọc hàng ngàn trang tài liệu, cả trong nước và ngoài nước, tìm kiếm một cái nhìn về ông để tiệm cận với sự trung thực lịch sử và tìm đúng nguyên nhân nào làm cho ông trở nên lỗi lạc, trở nên gần gũi với quân đội và nhân dân như vậy. Tìm từng câu nói, cách ứng xử, lời thoại để đúng là ông, là vị tướng cả dân tộc yêu quý. Thế nên quá trình nghiền ngẫm, tiếp cận tài liệu, gặp ông, gặp người nhà ông, gặp những người một thời là chiến sĩ, sĩ quan của ông...rất công phu.

* Sao anh không chọn đoàn kịch nào đó của Quảng Bình vì những gắn bó của đại tướng với quê hương?

- Quảng Bình chỉ có đoàn ca múa, không đủ sức dựng được chương trình quy mô vừa, trong khi đây là một vở lớn. Mới đầu tôi viết cho một đoàn kịch khác, nhưng ở đó người ta có những góp ý không phù hợp, tôi không hợp tác nữa, đó là một điều rất đáng tiếc.

Với Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn Thanh Hóa thì trước đó đã dựng vở diễn mang tên Hồn trinh nữ (nói về sự hi sinh anh dũng của tám anh hùng liệt sĩ người Hoằng Hóa, Thanh Hóa tại hang Tám Cô ở Quảng Bình) của tôi và đã rất thành công. Trước nữa, nhà hát này cũng đã dựng của tôi ba kịch bản khác (Người trong cát, Nữ cảnh sát SBC, Lắc). Và lần này, Lam Sơn đã đón chào kịch bản Bản giao hưởng Điện Biên rất nhiệt tình.

* Nghe nói đây là vở kịch được đầu tư công phu và tốn không ít tiền bạc?

- Vở diễn tốn kém, rất tốn kém, hay có thể nói là tốn kém nhất đối với các vở diễn ở trong nước hiện nay. Vì yêu cầu của vở diễn là như thế. Không thể khác. Không tốn kém không ra vở theo yêu cầu được.

* Đạo diễn và anh đã chọn được diễn viên trong vai đại tướng?

- Đã có diễn viên vào vai đại tướng, diễn viên này giỏi nghề và may mắn là có vẻ rất giống đại tướng thời kỳ ấy.

Hoàng Điệp (Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.