Mức cho vay thấp, thủ tục rườm rà

16/06/2009 23:29 GMT+7

Số tiền được vay không đủ tiêu dùng

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đại diện cho các địa phương đều đề xuất cần tăng mức cho vay (hiện nay mức cho vay tối đa là 800 ngàn đồng/HSSV/tháng). Bà Nguyễn Thị Ước - Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Hà My, xã Thái Nguyên, huyện Thái Thụy, Thái Bình phát biểu: “Mức cho vay tối đa 800.000 đồng/tháng vào thời điểm hiện nay chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, học tập của HSSV”. Bà Ước kiến nghị Chính phủ xem xét nâng mức cho vay tối đa để khoản vay có thể đáp ứng cho các nhu cầu cần thiết của HSSV.

Lê Thị Hoài (SV lớp 42I1 - khoa Thương mại điện tử - trường ĐH Thương mại Hà Nội) cho rằng: “Nhờ có nguồn vốn vay mà gia đình em phần nào bớt được nỗi lo chu cấp tiền cho hai người con theo học ĐH nhưng số tiền được vay tối đa hiện nay không thể đủ trang trải cho việc tiêu dùng, sinh hoạt và học tập hằng tháng, đặc biệt trong điều kiện giá cả ãnhư hiện nay. Giá thuê phòng đã tăng từ 800 ngàn đồng/tháng lên 1 triệu đồng/tháng, giá điện tăng kéo theo một loạt các loại giá khác cũng tăng...”. Hoài cũng đề xuất: thay vì mức 800 ngàn như hiện nay, Chính phủ xem xét tăng mức vay lên 1-1,2 triệu đồng/tháng.

Nhiều SV khác nêu ý kiến: thủ tục cho vay còn rườm rà, không thống nhất về các thủ tục giấy tờ. Cán bộ ngân hàng thì không nhận hồ sơ nếu không có chữ ký của hiệu trưởng hoặc hiệu phó, trong khi xác nhận ở nhà trường thì chỉ là của Phòng Công tác chính trị và SV. Vì thế, đã có không ít SV phải làm lại thủ tục và vay chậm 2 tháng trong kỳ đầu năm học 2007-2008, đồng thời chỉ được vay 4,8 triệu đồng thay vì là 6 triệu đồng/năm học.

Đại diện trường ĐH Lao động - Xã hội thì nêu khó khăn: nhà trường chỉ nắm được đối tượng HSSV mồ côi hoặc thuộc hộ gia đình nghèo, còn đối tượng HSSV thuộc gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo, HSSV gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai... thì nhà trường không nắm được. Chính vì vậy, nhà trường vẫn chịu sức ép trong việc xác nhận cho HSSV về làm thủ tục vay vốn tại địa phương.

Trước 30.7, công bố mức cho vay

Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết: về mức cho vay, việc thay đổi sẽ căn cứ vào vấn đề trượt giá và quyết định của Quốc hội về Đề án Tài chính đối với GD-ĐT của Chính phủ. Tinh thần là những trường ĐH, CĐ công lập tăng học phí bao nhiêu sẽ tăng mức cho vay lên bấy nhiêu. Trước 30.7, các cơ quan liên quan sẽ bàn bạc và công bố mức vay cụ thể. Đến thời điểm này, Bộ Tài chính đã chính thức chuyển cho Ngân hàng Chính sách xã hội 4.000 tỉ để triển khai cho vay vào đợt đầu học kỳ I năm học tới. Nếu cần thiết sẽ có bổ sung đợt 2 vào tháng 9.

Giải tỏa lo lắng của HSSV về thủ tục phức tạp dẫn đến ngày khai giảng mà vẫn chưa vay được vốn, ông Nhân nói: "SV không phải quá lo lắng về việc này bởi vì từ năm đầu tiên chúng tôi đã thông báo với nhà trường cho các em được nộp học phí chậm 3 tháng".

Ông Nhân cũng nói thêm: sắp tới Chính phủ sẽ phê duyệt chương trình đào tạo nghề cho một triệu lao động ở nông thôn đến năm 2015. Kèm theo đó, sẽ có những chính sách ưu đãi về tài chính rất lớn cho người đi học.

* “Đến nay đã có 1,335 triệu HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập với mức lãi suất 0,5%/tháng. Sau hai năm, ngân hàng chưa để xảy ra trường hợp HSSV phải bỏ học vì khó khăn về tài chính. Việc cho vay được đánh giá hầu hết là đúng đối tượng, trong đó hộ nghèo chiếm tỷ trọng 35,4% tổng số hộ vay vốn của chương trình; con số này ở đối tượng hộ cận nghèo là 50%; hộ gia đình có khó khăn đột xuất về tài chính là 14,4% và đối tượng là HSSV mồ côi chiếm tỷ trọng 0,4% tổng số hộ vay vốn của chương trình”. (Ông NGUYỄN VĂN LÝ - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội)

* “Các chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội nên xem xét điều chỉnh mỗi năm chỉ thực hiện 1 lần xác nhận vay tín dụng. Chứ như thời gian qua, SV phải đi xác nhận vay tín dụng từng học kỳ rất tốn kém. Cần cung cấp đầy đủ danh sách, danh bạ điện thoại chi nhánh cấp tỉnh và phòng giao dịch cấp huyện để các trường thuận lợi hơn trong việc phản hồi thông tin liên quan giúp SV vay tín dụng nhanh chóng phục vụ học tập”. (Thạc sĩ NGUYỄN THANH TƯỜNG - Trưởng phòng Công tác SV trường ĐH Cần Thơ)

* Một khó khăn vướng mắc lớn có thể nhận thấy giữa 3 bên: nhà trường - Ngân hàng Chính sách xã hội - ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc hỗ trợ cho SV vay vốn, đó là chưa có sự phối hợp đồng bộ nên gặp khó khăn trong vấn đề theo dõi HSSV sử dụng vốn vay và thu hồi vốn. (TSKH BÙI VĂN GA, Giám đốc ĐH Đà Nẵng)

* “Mỗi đối tượng đi vay nên có một quyển số (theo mẫu thống nhất toàn quốc), trong đó có nhiều ô có xác nhận của nhiều cơ quan liên quan như: nhà trường, địa phương, ngân hàng cho vay. Với một quyển sổ chung như thế, các đơn vị liên quan đến việc cho vay biết được tiến trình thực tế việc cho vay, thay vì như hiện nay nhà trường chỉ xác nhận một tờ giấy riêng, không biết gia đình sinh viên đó có thuộc diện chính sách xã hội hay không... Các đơn vị khác cũng khó thẩm tra các thông tin cho vay nếu cứ áp dụng “những tờ xác nhận rời rạc”. (Ông LỮ ĐỨC CẢNH - Trưởng phòng Công tác sinh viên trường ĐH Văn Hiến TP.HCM)

T.Nguyễn - D.Hiền - Q.M.Nhật - N.Quang

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.