Chuyện ít người biết về xá lợi Phật - Kỳ 4: Bất tử sau ngọn lửa thiêu

13/06/2009 19:01 GMT+7

Trong số 7 ngọc xá lợi cung nghinh đến chùa Quán Sứ cuối tuần qua có 4 ngọc xá lợi Phật và 3 ngọc xá lợi thánh tăng. Xá lợi thánh tăng là của những vị nào? Trả lời câu hỏi ấy, hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kiêm viện chủ của hai chùa Quán Sứ và Bái Đính, cho biết: Nghe đọc bài

- Đó là xá lợi của ba vị đại đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni, trong đó có hai vị rất hữu duyên và quen thuộc từ xưa với Phật tử nước ta là: Đại hiếu Mục Kiền Liên mà chúng ta thường nghe nhắc đến tên ngài vào mỗi dịp lễ Vu lan rằm tháng 7 hằng năm và Đại trí Xá-lợi-phất mà mỗi sớm mai các chùa ở Việt Nam thường xướng danh ngài khi tụng Bát nhã tâm kinh qua câu: Xá lợi tử (tức Xá-lợi-phất)! Thị chư pháp không tướng, bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm... Cả hai ngài đều đắc quả A la hán và mỗi ngài đứng đầu một thành tựu, Mục Kiền Liên thì đạt đến chỗ “thần thông đệ nhất”, Xá-lợi-phất đạt đến “trí huệ đệ nhất” trong hàng đại đệ tử của Phật thời tại thế.

Vì vậy, hòa thượng viện chủ nói thêm, được chiêm bái xá lợi của hai thánh tăng trên là hạnh phúc lớn và là dịp để Phật tử nhớ đến những bài học sống động do hai ngài để lại sau ngọn lửa thiêu. Trước hết là tình bạn tâm giao, chung thủy hiếm có giữa hai ngài. Mục Kiền Liên và Xá-lợi-phất cùng theo học với một vị thầy là Phạm chí Sanjaya (người đề xướng một trong 6 phép tu ngoại đạo nổi tiếng thời ấy ở Ấn Độ) và đều nhanh chóng trở thành thượng thủ của phái trên, mỗi ngài thống lĩnh 250 đồ chúng. Tuy vậy, hai ngài vẫn thấy sức tu học của mình theo phái ấy chưa thật sự xuất trần giải thoát. Nhất là ngày kia, khi thầy Sanjaya lâm bệnh nặng, hơi thở nhọc mệt, đứt quãng, hai ngài đứng hầu không rời, Mục Kiền Liên đứng phía dưới chân giường, Xá-lợi-phất đứng ở đầu giường, buồn bã trước cơn hấp hối của thầy. Bỗng hai ngài hết sức ngạc nhiên khi thấy thầy cựa mình, rồi phá lên cười lớn, cười mãi, liền thưa: “Sao thầy lại cười?”. Sanjaya mở mắt, giải thích: “Ta sắp chết, ta lại nghĩ đến cái chết vô ích của nhiều người khác, trong đó có đại phu nhân của hoàng đế nước Kim Địa. Phu nhân ấy cũng giống như bao người, sau khi bị cột chặt trong vòng ân ái một đời, đã thương yêu quyến luyến, đến nỗi vua Kim Địa chết, bà đã tự nhảy vào giàn lửa để chết theo, vì bà nghĩ rằng sẽ gặp được nhà vua sau cái chết chung tình ấy. Ngờ đâu hai người không thể gặp nhau được. Là vì nhà vua theo nghiệp lực và nhân duyên của riêng mình dẫn dắt nên phải đầu thai vào một nơi. Còn phu nhân cũng theo nghiệp lực và nhân duyên của bà mà đầu thai vào nơi khác. Họ không thể gần nhau ở kiếp sau như mơ ước. Ta thấy thương xót trước sự nhầm lẫn của phu nhân. Nhưng ta cũng không nhịn cười được trước cảnh trái ngang đó. Bởi phu nhân tuy có tình, nhưng không có trí huệ chân thật, nên ta phá lên cười”. Sanjaya bảo rằng hãy nghe đây các đại đệ tử của ta, ta chỉ biết ngang đó, còn bước tiếp theo để giải thoát khỏi sự chi phối của nghiệp lực thì các ngươi hãy tìm học vị thầy khác, để có thể tự do chọn nơi mình đến sau ngày nhắm mắt. Nói xong thầy Sanjaya qua đời, để lại niềm trăn trở đầy trời cho Mục Kiền Liên và Xá-lợi-phất. Từ đó hai ngài thao thức tìm hướng đi mới và giao ước nhau hễ ai gặp được vị đạo sư trước, phải chỉ dẫn cho người kia cùng theo học pháp môn giải thoát.

 
Người Hà Nội cung nghinh xá lợi Phật - Ảnh: Giao Hưởng

Một hôm Xá-lợi-phất thấy đệ tử Phật Thích Ca là tì kheo Mã Thắng (A-thuyết-thị) đang đắp y và cầm bình bát đi vào thành Vương Xá khất thực trông rất trang nghiêm, với thần sắc tự tại, trong lòng không khỏi thầm phục, liền lên tiếng hỏi đạo. Ngài Mã Thắng đem lý vô ngã trả lời cho Xá-lợi-phất nghe hết sức ngắn gọn qua mấy câu kệ: “Các pháp nhân duyên sanh. Các pháp nhân duyên diệt...”. Ngay đó, ngài Xá-lợi-phất chứng Sơ quả giữa đường phố, hoan hỉ về báo lại với Mục Kiền Liên. Mục Kiền Liên nghe kệ xong, cũng liền chứng Sơ quả. Hai ngài dẫn tất cả đồ chúng của mình đến thưa với Phật: “Bạch đức thế tôn, chúng con đến đây muốn được xuất gia theo Phật”. Phật nói: “Thiện lai tì kheo !”, lời vừa dứt, râu tóc Mục Kiền Liên, Xá-lợi-phất và tất cả đệ tử đi theo đều tự rụng hết, trên thân hiện ra áo pháp mặc vào, y bát đầy đủ, thành tựu việc thọ giới chưa đầy một sát na.

Nay xá lợi của hai ngài đã về đến chùa Quán Sứ và Bái Đính để làm phước điền (ruộng phước) cho mọi người. Lúc chiêm bái, lễ lạy, chúng ta nhớ đến Mục Kiền Liên mà cái chết của ngài là một bài học lớn. Nguyên đi khất thực, ngài bị các môn đồ do Phạm chí Chấp Trượng cầm đầu vì ganh ghét đã vây đánh ngài. Với sức thần thông bậc nhất ngài có thể khiến đám người kia nát tan thành bụi trong chớp mắt, song ngài vẫn đứng yên để bọn đó dùng gậy gộc gạch đá đập vào người, vào đầu, bị thương nặng đến chết. Các vị sư giải thích, sở dĩ ngài đứng yên là để trả món nợ tiền kiếp, không một lời chống cự. Đó là do lòng từ tâm và sức nhìn thấu những duyên do quá khứ của ngài. Ngài cũng cầu nguyện cho những người đánh chết ngài luôn được an vui và tìm thấy con đường giải thoát khỏi phàm tình. Đức Phật đã cho xây tháp  Mục Kiền Liên ở cổng vào tịnh xá Trúc Lâm ngày trước và xá lợi của ngài phân phát khắp nơi.

Ngài Xá-lợi-phất cũng nhập diệt sớm hơn Phật, sau lễ trà tỳ (hỏa thiêu) xá lợi của ngài đưa vào tháp, ngày nay đã cung nghinh đến hai chùa Quán Sứ và Bái Đính. “Hãy chiêm bái ngọc xá lợi của các vị thánh tăng không những với sự tôn kính quả vị A-la-hán của các ngài, mà còn với niềm tôn kính dành cho những vị Phật tương lai. Như ngài Xá-lợi-phất chẳng hạn, đã được thọ ký là sẽ thành Phật ở đời vị lai hiệu là Hoa Quang Như Lai”. Đó là lời dặn dò của hòa thượng viện chủ trước đông đảo Phật tử phía Bắc. Quay lại phía Nam, đồng bào Sài Gòn đã tham dự đại lễ cung nghinh xá lợi Phật lớn  nhất thế kỷ 20 vào năm nào? Và tháp thờ xá lợi Phật lớn nhất của TP.HCM nằm ở chùa nào? (Còn tiếp) 

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.