Thời của nam diễn viên… ủy mị

11/06/2009 10:45 GMT+7

Một nam diễn viên gạo cội nhận xét, chẳng hiểu sao dạo này xem phim thấy mấy diễn viên nam trẻ cứ yếu yếu sao đó? Ngày trước, để trở thành một diễn viên thường phải đẹp trai, to cao, thể hiện được sự mạnh mẽ, nam tính và gai góc. Tiêu chuẩn đó đã được “thế giới hóa”, ngay những diễn viên thượng thặng của Hollywood cũng thế, không cứ là phim hành động mà những bộ phim tâm lý xã hội, các nhân vật nam vẫn rất “manly”. Chẳng lẽ quan điểm này đã thay đổi?…

Cố tình yếu đuối?
 
Mới đây tại vòng chung kết cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh, phim truyền hình do Hội Điện ảnh TPHCM tổ chức, các thành viên ban giám khảo đã nhận xét: “Năm nay các gương mặt nam nổi trội hơn hẳn so với các gương mặt nữ nhờ hình thể đẹp”. Tuy nhiên, tại phần thi chính (tiểu phẩm), 5/6 thí sinh nam đã khóc sướt mướt trong phần thi của mình.

Tiểu phẩm thứ nhất tên gọi “Chuyện tình tôi”, kể về một thanh niên đến nhà bạn gái chơi, mẹ của bạn gái không cho cô yêu anh với lý do anh là một nghệ sĩ. Để diễn tả tâm trạng đau khổ, thất vọng, thí sinh nam đã quẳng xe đạp, vừa chạy, vừa khóc, vừa la: nghệ sĩ đâu phải là cái tội chứ… (!). Tiểu phẩm thứ hai có tên “Tình mẹ” kể về một anh chàng nghèo, đang hẹn hò người yêu ngoài công viên, bất ngờ gặp mẹ đi bán hàng rong, chàng trai cố tránh mặt mẹ, nhưng sau đó, anh ta cảm thấy hối hận nên chạy theo gọi mẹ và… khóc.

Ở tiểu phẩm “Mẹ” của thí sinh nam thứ ba, nhân vật là một đứa con bất hiếu, chỉ biết ăn chơi. Khi mẹ chết, nghĩ lại thấy ăn năn, cậu ta gào khóc thảm thiết. Lại một cậu học trò vừa thi đậu đại học trong tiểu phẩm “Bối rối” òa khóc nức nở vì trong lúc cậu đi thi mẹ ở nhà lâm trọng bệnh và mất. Câu chuyện của thí sinh nam thứ năm lấy cảm hứng từ truyền kỳ mạn lục “Người con gái Nam Xương”, thí sinh vào vai người chồng đau khổ vì hiểu lầm vợ khiến cho vợ phải tìm đến cái chết: “Trời ơi, nàng ơi, nàng ở đâu, hãy quay về với ta và con đi…”.

Duy nhất, ở tiểu phẩm cuối cùng của thí sinh Nguyễn Quốc Trường với cái tên “Nên chăng” là có vẻ nam tính khi mô tả một anh chàng sở khanh. Không biết có phải vì thí sinh này ít nhất cũng thể hiện được “bản lĩnh đàn ông” không mà ban giám khảo đã trao cho anh giải cao nhất của cuộc thi?

Ảnh hưởng từ phim Hàn

Trào lưu phim Hàn du nhập vào Việt Nam khiến cho tác động của nó đã phần nào ảnh hưởng đến một bộ phận giới trẻ Việt Nam, trong đó có diễn viên. Một mô típ khá quen thuộc trong hầu hết bộ phim của Hàn Quốc là các diễn viên nam luôn uống rượu, đánh lộn và… khóc vì tình. Thời gian sau này, trong nhiều bộ phim truyền hình của Việt Nam cũng xuất hiện các nhân vật nam “ủy mị, yếu đuối” dễ dàng chảy nước mắt khi phải chia tay một cuộc tình. Diễn viên Lê Văn Nghĩa nói: “Người đàn ông vẫn có thể khóc, nhưng họ thường khóc vì những mất mát lớn, khó lòng khóc vì chia tay với người yêu. Khóc lóc thể hiện sự yếu mềm là đặc quyền của phụ nữ. Trước những đau khổ, đàn ông thường im lặng và nuốt vào bên trong”.

Không chỉ có khóc lóc, nhiều diễn viên trẻ còn “vẽ” lên cho mình một bề ngoài láng bóng, mướt mát. Quần áo, tóc tai thôi chưa đủ, “vẻ đẹp” của diễn viên nam bây giờ còn là da trắng mềm mại và môi đỏ. Khá nổi tiếng phải kể đến Lương Mạnh Hải, cậu công tử bột trong bộ phim “Bỗng dưng muốn khóc”, nhiếp ảnh gia trong “Đẹp từng centimet”; Minh Anh trong “Những cô gái chân dài”… Đó là những chàng trai lên phim với hình ảnh môi đỏ, da trắng, tắm bồn, mặc quần đùi hoa… và không rõ cá tính. Những Hứa Vĩ Văn, Châu Gia Kiệt, Quốc Cường, Hoài Nam, Duy Tân, Thanh Thức lên phim liên tục nhưng khán giả không thể nhớ nổi nhân vật của họ là ai…

Có người đã nhận xét: “Những gương mặt được đẩy lên thành sao đang nghiêng dần về “dòng” son phấn, đẹp nuột nà và thiếu nam tính”.

Còn đâu “người hùng” màn bạc

Không kể một số đạo diễn cố tình “nữ hóa” nam diễn viên, phần đông đạo diễn đều cố gắng tìm gương mặt diễn viên nam đúng nghĩa.

Thế hệ những diễn viên trước như Lâm Tới, Thế Anh, Chánh Tín, Thương Tín… có vóc dáng mang đậm vẻ phong trần, mạnh mẽ. Thời phim “mì ăn liền” những Lý Hùng, Lê Tuấn Anh, Lê Công Tuấn Anh, Thiệu Ánh Dương… nếu không “cơ bắp” thì cũng là những người đàn ông trong vóc dáng thư sinh. Một thế hệ tiếp tục gắn bó với màn ảnh bằng nhiều vai diễn, là Quyền Linh, Chi Bảo, Kinh Quốc, Trương Minh Quốc Thái…, cũng đóng góp cho màn ảnh những vai diễn nam cá tính.

Song, một thế hệ mới đang được đẩy lên thành “sao” lại khiến khán giả có cảm giác các nhà làm phim tạo nên trào lưu xây dựng những anh chàng mang vẻ đẹp nữ tính. Không gì khó chịu bằng hình ảnh một thanh niên nằm trong bồn tắm đầy bọt xà bông, đưa tay vuốt ve làn da của chính mình. Không gì khó chịu bằng một thanh niên nhảy loi choi vì sợ những con gián nhỏ xíu, hay muốn té xỉu vì bị đem chuột ra nhát, hoặc khóc lóc thảm thiết khi bạn gái nói lời chia tay.

Thế nhưng những hình ảnh đó đang nhan nhản trong các phim truyền hình. Những vai diễn trơn tuột không đọng lại trong lòng khán giả vì thiếu những yếu tố làm nên cá tính nhân vật. Một vài gương mặt trở nên quen thuộc do được đẩy vào phim thường xuyên, với mức độ dày đặc, nhưng vẫn không đủ sức làm nên thần tượng trong lòng công chúng.

Đạo diễn, diễn viên Trần Lực trong một bài phỏng vấn đã trả lời: “Tôi nghĩ rằng, ngoại hình cũng quan trọng nhưng không phải là tất cả. Cái mạnh của người đàn ông là phong thái, là cái cốt cách thể hiện ở trong vai diễn… Làm diễn viên phải giữ vóc dáng của mình, phải giữ thể hình thật chuẩn. Ngày đóng phim “Ăn mày dĩ vãng”, tôi phải tập tạ trong nhiều tháng để cơ bắp chắc lên, vì vai diễn có nhiều đoạn đánh võ và cởi trần”. Câu chuyện của các diễn viên nổi tiếng thế giới cũng vậy. Để phù hợp cho một vai diễn, họ phải ép xác để mập hoặc ốm theo nhân vật. Đó là chưa kể những vai người hùng cuồn cuộn cơ bắp, đòi hỏi sự tập luyện lại càng gắt gao. Họ hiểu rõ, không làm được điều đó có nghĩa là tự đào thải chính mình.

Gần đây, một lực lượng diễn viên Việt kiều về nước ít nhiều cũng đã làm thay đổi diện mạo chung như: Dustin Nguyễn trong “Dòng máu anh hùng” và “Huyền thoại bất tử”, Johnny Trí Nguyễn trong “Dòng máu anh hùng” và sắp tới đây là “Máu rồng”. Nhưng số lượng này còn ít. Phim ảnh là phản ánh đời sống xã hội. Hy vọng rằng những gương mặt “xinh trai”, yếu mềm, sẽ không khiến bên ngoài đánh giá đa số đàn ông Việt Nam như thế!

Theo Nhóm PV / Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.