30 năm đưa trẻ vượt sông tìm chữ

10/06/2009 10:29 GMT+7

Đó là ông Phan Văn Tỏ, người có thâm niên gần 30 năm tình nguyện làm người lái đò không công chở lũ trẻ con ấp cù lao vượt sông Đồng Nai đi học.

Bến đò Hãng Da, phường Long Bình, quận 9, TPHCM là con đường đi lại của gần 300 hộ dân ấp cù lao Bà Sang bốn bề sông nước bao quanh với đất liền.

Dù trời mưa hay nắng

Nghe tin phường Long Bình, quận 9 có người lái đò chở trẻ con đi học suốt gần 30 năm, chúng tôi xuống UBND phường gặp chị Trần Thị Hải - Phó Chủ tịch hỏi chuyện cho rõ. Không có dịp trò chuyện, chị chỉ đường cho chúng tôi đến bến đò và nói: "Các anh cứ tới bến đò Hãng Da hỏi bất cứ ai về ông Phan Văn Tỏ, họ đều biết và còn có thể kể chuyện về ông ấy hàng giờ liền".

Câu nói của chị Hải làm cho chúng tôi càng tò mò hơn. Lòng vòng từ UBND phường đến được bến đò Hãng Da mất gần 30 phút, lúc này trời đang đổ cơn mưa chiều khá lớn. Bến đò vắng tanh không một bóng người, chỉ còn mỗi một con đò đang neo ở bến. Chúng tôi vào trú mưa tại một quán nước cạnh bến và cũng tiện thể kiểm chứng lời chị Hải nói.

Khi được hỏi ông Phan Văn Tỏ hôm nay có hoạt động trên bến không, người đàn ông trong quán khoảng trên 60 tuổi, tên là Lâm Văn Tài nói: "Đã gần 30 năm nay, trời nắng hay mưa, ông Tỏ vẫn luôn có mặt tại bến từ 6 giờ sáng, chèo đò đưa lũ trẻ cù lao đến trường kịp giờ học. Ngày làm việc của ông kết thúc lúc 9 - 10 giờ tối, khi không còn người dân nào qua lại bến này nữa".

Nhìn ra ngoài trời, ông Tài nói: "Hiện tại, thuyền của ông Tỏ đang đậu bên bến cù lao, muốn gặp ông thì các chú cứ đợi ở đây".

Khoảng 20 phút sau, trong cơn mưa giăng mù mịt trên mặt sông, chúng tôi nhìn thấy bóng một con thuyền nhỏ đang lướt sóng về bến. Tôi và người bạn cùng đi hồi hộp không biết có đúng thuyền của ông Tỏ không? Ông Tài nói lớn: "Đúng thuyền của lão Tỏ đấy".

Người được trẻ con ấp cù lao kính trọng và gọi bằng "ông ngoại" dáng gầy, nước da đen và rám nắng, hai bắp tay săn chắc, lưng hơi gù. Cột xong con thuyền vào cọc bến, ông bước nhanh đến quán chúng tôi ngồi.

Biết chúng tôi là nhà báo đến đây để tìm hiểu viết bài về công việc của ông, ông Tỏ cười nói: "Việc nhỏ có gì đâu mà phải kể". Nói vậy, nhưng ông Tỏ bỗng quay người nhìn về phía con đò và dòng sông rồi chậm rãi kể cho chúng tôi về một thời thơ ấu, cơ cực của mình.

Cù lao Bà Sang bị cô lập giữa sông nước quanh năm, nên trước đây hầu hết các hộ dân ở đây đều nghèo, thiếu ăn quanh năm và không có đứa trẻ nào sinh ra tại cù lao được đến trường. Nhà cậu bé Tỏ vào loại nghèo nhất cù lao. Để phụ giúp cha mẹ, cậu Tỏ sớm phải bươn chải kiếm sống bằng nghề mò cua, bắt cá.

Nghề chèo đò với ông bắt đầu từ năm 1980, lúc đó ông 28 tuổi. Khi đó, chính quyền địa phương sợ trẻ em ngoài cù lao thất học đã cho mở hai lớp học (lớp 1 và lớp 2) tại đây. Lớp đã có, nhưng không có giáo viên nào từ trong xã chịu ra ở nội trú ngoài cù lao để dạy cho lũ trẻ học. Phải đưa giáo viên từ các trường trong xã ra. Cần phải có người biết lái đò và có kinh nghiệm sông nước, để mỗi ngày đưa đón giáo viên.

Việc này không ai hơn được chàng thanh niên Tỏ. Vốn phải mò cua, bắt cá từ nhỏ nên chàng trai Phan Văn Tỏ bơi giỏi vào loại số một ở cù lao. Tỏ được chính quyền xã giao cho nhiệm vụ chèo đò đưa đón giáo viên.

Chuẩn bị cho một chuyến đò

Theo ông Tỏ: "Việc này cũng được ký hợp đồng và có lương đàng hoàng. Tuy đồng lương ít ỏi, nhưng đối với ông lúc ấy thế là đã quá sướng". Thế nhưng, hai lớp học này cũng chỉ duy trì được có ba năm là phải giải tán. Nguyên nhân do thiếu hụt giáo viên. Chàng trai Phan Văn Tỏ nghĩ, nhưng bọn trẻ ở cù lao bị thất học giữa thời bình thì thật là đau!

Sau nhiều đêm suy nghĩ, Tỏ quyết định làm đơn xin chính quyền xã bán trả góp cho anh con đò cũ, để có phương tiện chủ động chở lũ trẻ vào bờ đi học. Có đò, Tỏ lại phải đi vận động những gia đình có con em trong độ tuổi đến trường cho chúng đi học. Nhiều người lần đầu sợ không dám cho con cháu họ ngồi trên con đò nhỏ của anh để vượt sông vì họ sợ xảy ra tai nạn. Ông Tỏ nói: "Khi vận động được một cháu đi học là tôi thấy vui như chính mình được đi học vậy".

Đò nhỏ, nghĩa tình lớn

Lúc đầu chỉ có khoảng 10 cháu chịu để cho ông Tỏ chở qua sông đi học. Con đò nhỏ, nghĩa tình lớn; một thời gian ngắn, ông đã chiếm được cảm tình của các cháu nhỏ và lòng tin của phụ huynh. Số các cô - cậu học trò qua sông đi học, ngày một đông thêm...

Câu chuyện giữa chúng tôi đang hấp dẫn thì có khách và mấy cháu học sinh đi học về kêu ông Tỏ chở chúng qua cù lao. Chúng tôi xin ông Tỏ đi theo xuống thuyền sang bên kia sông. Khi ra đến giữa sông, chúng tôi cảm thấy con thuyền của ông Tỏ như lọt thỏm vào giữa dòng nước. Chúng tôi được biết, từ ngày ra hành nghề lái đò đến nay không biết bao nhiêu thế hệ học trò của ấp cù lao đã được ông Tỏ đưa rước an toàn qua khúc sông Đồng Nai rộng khoảng 400m này.

Khi được hỏi, có khi nào các cháu bị trễ giờ học do không có thuyền qua sông, cháu Đinh Thị Hồng Đào - học sinh lớp 9, Trường THCS Long Bình và em Lê Thanh Thanh, Trường TC chuyên nghiệp Thủ Đức - trả lời: "Ngày nào ông Tỏ cũng đón chúng em tại bến rất đúng giờ, nên không ngày nào phải vào lớp trễ".

Còn theo anh Võ Văn Hiến, mỗi khi con anh được ngồi thuyền của ông Tỏ đi học là anh rất an tâm. Theo chúng tôi biết, nhiều người học trò từng qua sông đến trường bằng đò của ông Tỏ giờ đã đỗ đạt thành tài. Một số cặp vợ chồng từng ngồi đò của ông Tỏ đi học ngày nào, nay con của họ lại tiếp tục được ông Tỏ chở đi học.

Ông Tỏ đang giúp các cháu học sinh mặc áo phao

Anh Lâm Đức Minh - người cháu họ mới được ông Tỏ cho đi theo học nghề - nói, từ trước đến nay, đứa trẻ nào sinh ra tại ấp cù lao cũng được ông Tỏ coi như con cháu. Nhiều anh chị nay không còn sống ở ngoài cù lao nữa, nhưng mỗi khi có dịp qua đây đều ghé bến thăm ông.
 
Khi con thuyền trở lại bến bên kia cù lao, ông Tỏ lại kể tiếp câu chuyện. Làm việc thiện không mong đền đáp, nhưng trời thương cho ông lấy được vợ. Cô gái hay đi đò đã phải lòng chàng trai lái đò nghĩa hiệp. Một ngày kia, nàng chủ động ngỏ lời yêu chàng và muốn về sống chung, mặc dù anh hơn cô cả chục tuổi. Đám cưới của anh lái đò Phan Văn Tỏ với cô gái đi đò được bà con xóm cù lao đến chia vui rất đông.

Ông Tài ngồi nghe từ đầu câu chuyện giờ mới lên tiếng, đám cưới của "lão Tỏ" cũng thật khác người. Khách mời đến dự đám cưới tự động mỗi người mang theo một món đồ ăn hay đồ uống rồi mọi người quây quần lại đánh chén. Còn đám rước dâu thì cũng mắc cười. Sau khi đám rước dâu về đến nhà trai, chú rể bồng luôn cô dâu ra sông đặt lên đò chạy lòng vòng vài vòng ngoài sông Đồng Nai rồi mới chịu về động phòng.

Chúng tôi ngồi nghe câu chuyện về ông Tỏ mà cứ ngỡ như đang nghe từ tiểu thuyết lãng mạn. Đang không dám cười thành tiếng, ông Tỏ lại ghé sát vào tai chúng tôi nói nhỏ như không muốn ai nghe thấy: "Nghề lái đò làm gì có thời gian để đi tán gái. Với lại, nhà nghèo nên rất tự ti và nhút nhát, sao tôi dám đi hỏi vợ. May cô ấy mạnh miệng ngỏ lời chịu lấy tôi trước". Thấm thoắt hai vợ chồng ông Tỏ cũng sống với nhau được trên 20 năm và có với nhau 7 mặt con.

Ngoài ấp cù lao có ngôi chùa Long Sơn Tự rất nổi tiếng và mới được Nhà nước công nhận là Khu di tích lịch sử và văn hoá. Những năm gần đây, du khách thập phương đến viếng chùa rất đông, nghề đưa đò lúc này cũng sống được.

Ông Tỏ cho biết, để du khách ra cù lao thăm viếng chùa và nhất là các cháu đi học được an toàn, cuối năm 2006 ông Tỏ bán con đò cũ vay thêm vốn từ Quỹ xoá đói, giảm nghèo và bạn bè mua thuyền lớn hơn.

Để chuyên nghiệp hoá trong việc đưa đón khách du lịch, ông Tỏ còn đăng ký học thêm những khoá ngắn hạn về an toàn đường thuỷ do phường tổ chức và hoạt động trong HTX vận tải đường sông Phước Bình.

Từ ngày vào HTX, thuyền của ông Tỏ được trang bị đầy đủ phao cứu sinh và áo phao cho khách. Nhờ có thuyền lớn, khách đi đông, trừ hết chi phí, mỗi ngày ông Tỏ còn dư trên một trăm ngàn đồng.

Màn đêm buông xuống và cũng có khách qua sông, ông Tỏ bắt tay chúng tôi và không quên hẹn chúng tôi một ngày trời nắng đẹp quay lại, ông chở đò lòng vòng quanh ấp cù lao chơi. Buổi chiều trước khi xuống bến đò Hãng Da, chúng tôi đã được chị Hải cho biết: "Ấp cù lao Bà Sang đã được lập quy hoạch thành Khu di tích lịch sử, văn hoá và du lịch. Phường đang tiến hành cấp đất tại khu dân cư Long Sơn cho những hộ dân thuộc diện phải giải toả mặt bằng tại cù lao. Nhà bác Phan Văn Tỏ cũng được phân một nền đất tái định cư tại Long Sơn. Những hộ không thuộc diện di dời sẽ quy hoạch thành làng du lịch sinh thái".

Có thuyền lớn chở khách tham quan kiếm sống, nhưng ông Tỏ vẫn không quên công việc của mình đã gắn bó suốt 30 năm. Hàng ngày, người dân cù lao vẫn thấy bóng ông trên bến sông, chở những đứa trẻ nghèo đến trường học cái chữ.

Theo Đăng Hải (Lao Động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.