Khi nào cho trẻ đi nha sĩ?

10/06/2009 10:28 GMT+7

(TNTT>) Không bao giờ là quá sớm để cho bé nhà bạn đi nha sĩ, việc chăm sóc răng miệng cho bé nên bắt đầu từ khi những chiếc răng sữa bắt đầu nhú lên.

Chăm sóc từ răng sữa

Nhím đã gần 4 tuổi nhưng không chịu tự đánh răng, tối nào cũng buộc mẹ và bố làm giúp. Nhớ lại khi mới 8 tháng, miệng Nhím nhú lên 2 cái răng bé xíu sau trận sốt kéo dài hơn một ngày, bố mẹ mừng lắm, sau khi chụp mấy tấm hình làm kỷ niệm đã lên kế hoạch chăm sóc răng cho bé. Nhím ngoan ngoãn cho mẹ chải răng và lưỡi bằng gạc mềm, đến gạc cao su rồi bàn chải nhưng bé nhất định không chịu tự đánh răng. Vậy nên, cứ mỗi buổi sáng và trước khi đi ngủ, mẹ phải dùng bàn chải đánh răng cho Nhím. Bố mẹ hoàn toàn yên tâm về hàm răng của Nhím cho đến khi trên mấy chiếc răng cửa của cu cậu xuất hiện những lốm đốm màu vàng. Lúc này, mẹ mới tức tốc đưa Nhím đến nha sĩ.  Bác sĩ xem răng của Nhím rồi kết luận đây là dấu hiệu mảng bám do mẹ Nhím đã chải răng không đúng cách, và trách mẹ Nhím sao để đến tuổi này mới cho Nhím đi khám răng.

Theo các bác sĩ nha khoa, thời kỳ mọc răng của bé không cố định cho tất cả, có trẻ mọc sớm, trẻ mọc muộn nhưng bạn nên lưu ý, từ 8 - 12 tháng tuổi là giai đoạn bé mọc răng sữa, từ 7-8 tuổi là lúc răng sữa rụng và mọc răng vĩnh viễn. Hai giai đoạn này rất quan trọng, vì thế bạn phải chú ý quan sát bé và đưa bé đến nha sĩ từ khi mọc chiếc răng sữa đầu tiên và cần cho bé khám răng định kỳ mỗi 6 tháng.

Nhận biết những bất thường

Những thói quen xấu ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của trẻ

• Nghiến răng mạnh
• Cắn môi, má
• Thở miệng
• Mút môi
• Đẩy lưỡi hay nuốt lệch
• Mút ngón tay
• Chống cằm

Phụ huynh không nên đợi đến khi răng của bé có bất thường mới chăm sóc vì lúc này việc điều trị vừa mất thời gian vừa tốn kém, chăm sóc từ sớm là điều quan trọng nhất. Luôn quan sát khuôn mặt của trẻ biến đổi theo sự phát triển và phát hiện ngăn chặn sớm các thói quen xấu ảnh hưởng răng miệng sau này. Nên kiểm tra, chỉnh răng cho bé trước 7 tuổi, tất nhiên vấn đề vẫn được giải quyết khi bé qua 7 tuổi.

Bằng mắt thường bạn không thể nhận biết răng sữa của bé có vấn đề, bởi khi hàm răng mọc ngay ngắn vẫn tiềm tàng nhiều bất ổn. Vì vậy hãy chú ý khi bé của bạn gặp các vấn đề sau: Gương mặt không cân xứng, xương hàm đưa ra phía trước hoặc phía sau quá xa; Trẻ bị đau răng một bên hàm nhai nên chỉ nhai bên đối diện hoặc gặp khó khăn trong việc nhai cắn hay có vấn đề ở khớp thái dương hàm; Trẻ nghiến hoặc cắn chặt răng, trẻ cắn vào má hoặc cắn vào trần miệng; Hàm răng sữa thiếu chỗ, mọc lệch lạc, không có khoảng hở giữa răng; Nhổ răng sữa quá sớm hoặc sâu răng, vỡ lớn trên răng sữa mà không điều trị phục hồi.

Đối với răng vĩnh viễn, bạn cần xử lý sớm những dấu hiệu bất thường như: răng bé mới mọc đã hô, chĩa, xoay hoặc kẹt, chen chúc hoặc quá thưa, răng quá lớn so với khuôn mặt, hàm trên và hàm dưới không ăn khớp với nhau.

Lê Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.