Những mối nguy từ hàng Trung Quốc: Hàng lậu vẫn ùn ùn qua biên giới

09/06/2009 00:43 GMT+7

Hàng lậu Trung Quốc tràn sang Việt Nam chủ yếu qua biên giới các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai bằng nhiều con đường khác nhau, trong đó nổi lên tình trạng vận chuyển hàng lậu qua các đường mòn biên giới.

Săn hàng lậu

Trạm kiểm soát biên phòng Cốc Nam (Đồn biên phòng Tân Thanh, H.Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) đóng trên một trong những địa bàn "nóng" về vận chuyển hàng lậu. 3 giờ sáng ngày 8.6. Trời vùng biên vẫn còn tối om. 6 chiến sĩ trong tổ mật phục bắt đầu xuất kích. Trước đó, các trinh sát đã phải rà soát từng ngõ ngách khu vực trạm đóng quân và xác định "chim lợn" (đối tượng chuyên theo dõi mọi diễn biến của bộ đội biên phòng để báo tin cho cửu vạn mỗi khi chúng thấy nghi ngờ - PV) chưa xuất hiện. Chiếc xe 7 chỗ, trạm mượn của người dân, vừa mới được thay biển số ngụy trang lặng lẽ lăn bánh. Địa điểm mật phục nằm trên đỉnh ngọn núi, thuộc địa bàn thôn Khơ Đa (xã Tân Mỹ, H.Văn Lãng). 

6 chiến sĩ trong tổ phục kích cẩn thận băng qua một thung lũng, luồn lách giữa những luống ngô của dân bản để tiếp cận mục tiêu. Trời tối om nhưng mọi người không sử dụng đèn pin để bảo đảm bí mật. Đến khu vực đường mòn gốc Bưởi, các chiến sĩ dò từng bước, không để gây ra tiếng động, dùng tay lần tìm để tránh không làm đứt các sợi chỉ được dân cửu vạn giăng ngang và không đụng vào các lùm cây được "chim lợn" khum lại từ trước. "Chỉ cần làm đứt chỉ, bung cành cây, "chim lợn" sẽ biết ngay là đồng bọn của chúng đang bị mật phục. Ngay lập tức, thông tin đó được truyền đi và đám cửu vạn sẽ không ăn hàng nữa", trung úy Đặng Đình Bình nói cho chúng tôi biết.

Lên đến gần đỉnh dốc, các chiến sĩ chia làm 2 tổ, mỗi tổ 3 người, vào vị trí mật phục để "khóa đầu" và "khóa đuôi" những người vận chuyển hàng lậu. Điện thoại di động đã được đặt chế độ rung từ trước khi xuất phát. Họ liên lạc với chỉ huy chủ yếu qua tin nhắn, hạn chế tối đa sử dụng bộ đàm vì sợ "chim lợn" dò bắt được sóng cuộc gọi. Mọi người im lặng, dõi mắt vào màn đêm, mặc cho đám muỗi bám vào chân, tay đốt.

Mặt trời dần ló rạng 

7 giờ sáng. Tại Trạm kiểm soát biên phòng Cốc Nam. Điện thoại của đại úy Tiến đổ chuông. "Nhiều không? 3 "vác" à. "Đánh" luôn đi", đại úy Tiến ra lệnh. Lệnh xuất kích được phát ra. Ngay lập tức, một xe 

U-oát, một xe 7 chỗ cùng đội tiếp ứng xuất phát. Xe nhấn ga, tăng tốc. Ít phút sau cả đội đã có mặt tại bản Khơ Đa. Một lực lượng cửu vạn đông đảo gồm cả người già, trẻ nhỏ, phụ nữ, đàn ông từ khắp các ngõ ngách túa ra, bám theo xe, rồi theo chân các chiến sĩ biên phòng chạy sát khu vực đường mòn. "Cẩn thận, không để cửu vạn cướp lại hàng đấy!", đại úy Tiến vừa leo dốc vừa lưu ý các đồng đội.

Dọc con dốc, chúng tôi bắt gặp những cửu vạn trên tay cầm cuộn dây thừng, người đi xuống, kẻ chạy lên, vài ba người khác lại đang ngồi tần ngần trên các hòn đá. Tại vị trí phục kích, một đống hàng hóa được đựng trong các bao tải, thùng các-tông la liệt dưới đất. 

Vật lộn với buôn lậu

Lang thang trên một số tuyến đường ở khu vực biên giới Lạng Sơn vào buổi tối và sáng sớm, chúng tôi bắt gặp những chiếc Mink 2 bánh, xe 7 chỗ nhét đầy hàng chạy với tốc độ rất cao. Anh xe ôm nói với tôi rằng, hiện các lực lượng chống buôn lậu làm "rát" quá, các xe thồ hàng thưa dần và không chạy theo đoàn nữa. Trước đây, vào thời kỳ "cao điểm" của nạn buôn hàng lậu, nhiều lúc người đi đường bị một phen hú vía khi một đoàn mười mấy chiếc Mink chở hàng cồng kềnh chạy bạt mạng, tiếng động cơ ầm ĩ.

Theo đại úy Tiến, nhiều khi cửu vạn và "chim lợn" đông gấp mấy lần lực lượng của bộ đội biên phòng. Thành ra, có khi vừa bị bắt hàng, số cửu vạn là trẻ em, người già, thậm chí cả phụ nữ mang bầu xông vào... ôm chặt lấy các chiến sĩ để cho những đối tượng khác nhanh chóng tẩu tán tang vật. 

Địa bàn phụ trách của trạm có 4,5 km đường biên giới nhưng có tới 10 đường mòn biên giới vắt qua các đỉnh núi. Từ đỉnh núi theo đường mòn xuống đất chỉ dài chừng 250 - 300m, mất 2 - 3 phút là dân cửu vạn đã gùi được hàng xuống dưới. Ở dưới đó đã có những chiếc xe máy Mink đợi sẵn, "ăn hàng" rồi rồ ga chạy bạt mạng. "Khi hàng lậu đã đưa vào nhà dân, chúng tôi phải đợi lực lượng liên ngành đến rồi mới được tiến hành kiểm tra. Trong khoảng thời gian đó, họ xé lẻ hàng và tẩu tán sang các nhà bên cạnh", đại úy Tiến nói. 

Chủ hàng thường phân công "chim lợn" chốt ở nhiều vị trí khác nhau với mục đích theo dõi nhất cử nhất động của các chiến sĩ. "Chúng có mặt khắp nơi, xung quanh trạm cũng có, trên các trục đường cũng có, cả ở trên khu vực đường mòn biên giới. Chỉ cần thấy ít chiến sĩ xuống nhà ăn khi giờ ăn đến, hay một vài anh em ra khỏi cổng trạm... là chúng đã dùng di động, máy bộ đàm bắn tin để đám cửu vạn không "ăn hàng", hoặc nhanh chóng tẩu tán. Thành ra, mỗi khi đi phục kích chúng tôi luôn phải trông trước ngó sau, ngụy trang, thuê xe taxi... để đánh lừa "chim lợn"", trung úy Đặng Đình Bình kể. 

Từ tháng 10.2008 đến hết tháng 5.2009, Trạm kiểm soát biên phòng Cốc Nam đã bắt được 83 vụ vận chuyển lậu hàng hóa Trung Quốc qua biên giới, đồng thời phối hợp với lực lượng liên ngành bắt 62 vụ khác với tổng khối lượng hàng hóa lớn, chủ yếu là hàng chợ như máy xay sinh tố, quần áo, đèn tích điện, chiếu, chăn màn...

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.