Những nhà sáng chế sinh viên

08/06/2009 16:02 GMT+7

Nhiều SV Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM đã có những sáng chế hữu ích. Họ dùng số tiền tiết kiệm ít ỏi của mình có được từ việc cắt giảm chi tiêu, làm thêm... để lao vào nghiên cứu khoa học, và cũng là để thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo.

“Lúc trước về chơi nhà bạn ở Bình Định có quen một cô bị khuyết tật. Thấy cô ấy hằng ngày vất vả với chiếc xe lắc tay nên mình nảy ý định tạo ra chiếc xe điện” - Lê Nguyên Tuấn, SV khoa điện - điện tử, kể. Từ sự cảm thông đó, Tuấn lao vào nghiên cứu mô hình xe điện dựa trên khung xe lắc tay. Dốc hết số tiền tiết kiệm được từ công việc làm thêm để mua thiết bị, hằng ngày Tuấn đóng cửa phòng trọ lục đục với nhiệm vụ “lên đời” cho chiếc xe lắc tay.

Có lúc bí, Tuấn cầm bản vẽ chạy đi “gõ cửa” các thầy chuyên môn cũng như tìm tư vấn từ bạn bè. “Lúc đó trong đầu mình chỉ có ý nghĩ duy nhất là làm sao hoàn thành công việc một cách nhanh chóng và hoàn hảo nhất” - Tuấn nói. Sau gần bốn tháng, Tuấn đã chế tạo thành công chiếc xe lăn điện mang tặng cô gái khuyết tật ở Bình Định mà anh chỉ mới quen một lần.

TS Ngô Cao Cường, trưởng khoa điện - điện tử, nhận xét sản phẩm này đã giúp người khuyết tật đỡ tốn sức rất nhiều trong việc đi lại. Người khuyết tật có thể dùng xe này trên nhiều loại địa hình, từ mặt đường bằng phẳng cho đến dốc cao gồ ghề hay những nơi đông người, dựa trên bảng điều khiển tự động và hoàn toàn có thể sản xuất đại trà.

 

Nguyễn Văn Thành (trái) và Ngô Phương Chấn lắp đặt thiết bị chống đinh tặc vào xe máy - Ảnh: N.Nam

Việc sáng chế thiết bị chống đinh tặc của đôi bạn Nguyễn Văn Thành và Ngô Phương Chấn, SV khoa cơ khí tự động và robot, xuất phát từ việc cả hai nhiều lần bị dính đinh khi đi trên đường. Sau nhiều ngày bàn bạc, Thành và Chấn đã cho ra một bản vẽ chế tạo thiết bị hút đinh bằng nam châm điện xoay chiều, được gắn phía dưới gầm xe máy.

“Cục nam châm được bọc bằng vỏ nhôm, hoạt động nhờ nối dây lấy điện 220V từ bugi. Khi nghi ngờ, ta bật công tắc để nam châm hút đinh vào vỏ nhôm” - Chấn mô tả. Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong thời gian chế tạo thiết bị là khi trong túi hai bạn chỉ còn... 20.000 đồng. “Lúc đó bấm bụng mua hai gói mì về ăn chống đói, còn mười mấy ngàn giắt túi đạp xe lên tận quận 8 mua dây điện về quấn lõi nam châm” - Thành kể.

Lúc hoàn thành đem thử nghiệm, nhìn cảnh chiếc xe máy chạy đến đâu thì đinh bị hút vào nam châm đến đấy, cả hai ôm nhau vui mừng. Hiện họ đang tiếp tục nghiên cứu để lấy được dòng điện cao hơn nhằm tăng lực hút cho nam châm, cũng như tìm cách đấu nối thích hợp nhất để không làm ảnh hưởng đến quá trình bật lửa của bugi xe máy.

Trong đợt thực tập tại xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) vừa qua, nhìn cảnh bà con nông dân khá vất vả trong khâu gieo trồng nên Trần Minh Tưởng, SV khoa cơ khí tự động và robot, đã nghĩ đến việc chế tạo một chiếc máy gieo hạt tự động. “Việc mình làm đầu tiên là học cách... làm nông để tìm hiểu thói quen gieo hạt của bà con.

Từ thực tế như vậy mới có thể lấy ý tưởng thiết kế chiếc máy gieo hạt tự động” - Tưởng chia sẻ. Quá trình chế tạo máy gieo hạt, Tưởng phải cân đối giờ học, giờ dạy thêm sao cho chu toàn mọi việc. Nhiều lúc hăng quá Tưởng thức trắng đêm mày mò chế tạo máy. Sau khi làm xong, chuyển máy ra đồng chạy thử thì máy kêu rè rè, hạt gieo chỗ này rơi ra chỗ khác khiến các bác nông dân đều lắc đầu ái ngại.

Nhưng với quyết tâm sai chỗ nào sửa ngay chỗ đấy, cuối cùng Trần Minh Tưởng đã cho ra đời chiếc máy gieo hạt biết... vâng lời. Hạt giống được máy tự động cho vào từng luống đất với khoảng cách định sẵn hợp lý, vừa tiết kiệm hạt giống vừa tiết kiệm công sức của nông dân. “Hôm bán chiếc máy lại cho nhà nông nơi mình thực tập, bà con đều trầm trồ. Có người trách “sao con không thực tập nhà bác” - Tưởng nói vẻ tự hào.

Nguyễn Nam/ Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.