Tìm bản sắc trong mỹ thuật Việt

07/06/2009 23:56 GMT+7

Đối với người nước ngoài, Việt Nam có gì ngoài phở, áo dài, vịnh Hạ Long...? Triển lãm Bản sắc là gì từ ngày 5 - 12.6 tại ĐH Mỹ thuật Việt Nam đã góp phần trả lời câu hỏi đó.

Triển lãm giới thiệu tác phẩm của 30 sinh viên Việt Nam và Thụy Điển, do Quỹ SIDA và Đại sứ quán Thụy Điển tài trợ. Các tác phẩm tham dự khá đa dạng về loại hình: từ tranh, ảnh đến video art, sắp đặt.

Những câu chuyện được kể trong Bản sắc là gì chạm đến những vấn đề nhạy cảm của xã hội: quá trình đô thị hóa, sự lũng đoạn của đồng tiền, sự lai tạp, tha hóa tinh thần... Nói đến bản sắc, người ta dễ hình dung tới cuộc chạm trán giữa cái văn minh - hiện đại và cái lạc hậu - cũ kỹ. Có lẽ vì vậy mà nhiều người đã mang ghế nhựa, lọ tương ớt, mâm ăn trong đời sống hằng ngày... hay những mái nhà cổ, những khu phố đơn sơ vào triển lãm như một cách phản ứng với sự tàn phá của thời gian và sự hủy hoại không gian do đô thị hóa. Tuy nhiên, Bản sắc là gì thực sự là một câu hỏi khó. Là câu chuyện của cá nhân, của xã hội, hoặc của cả hai? Và thế nào là bản sắc? Được bàn xới trong nhiều hội thảo và các  văn bản, nhưng lần đầu tiên câu hỏi này được đặt ra trong một triển lãm mỹ thuật VN. 

Mỗi nghệ sĩ tham gia hiểu khái niệm bản sắc theo cách khác nhau. Có người cho rằng "bơi như cá giữa đại dương bao la, sải cánh bay như chim giữa trời rộng sông dài" mới là "thế giới của riêng mình" (Dương Thị Ngọc Lụa), có người "cố gắng hiểu những gì đang tìm kiếm và khám phá từ một hình thức rõ ràng" thì mới là bản sắc (Ylva Landoff Lindberg), có người lại định nghĩa bản sắc là "vẻ đẹp của sự sụp đổ" (Elin Elfstrom)...

Radek Stypczynski có 5 năm ở Việt Nam, nói sõi tiếng Việt, giao du khá rộng với nghệ sĩ Việt Nam, mang vào triển lãm 17 chiếc ghế gỗ của các bà hàng nước vỉa hè, như cách gợi nhớ ký ức của thời bao cấp nghèo khó. "Việt Nam là một nơi đang thay đổi. Tốc độ xây dựng các thành phố lớn hơn diễn ra nhanh chóng. Những người từng đi dép nhựa giờ đây cưỡi trên những xe máy 4.000 USD... Ở Hà Nội, thành phố đang tràn ngập các công trình bị phá đi, xây lại trong vòng vài tháng... Những cửa hàng cà phê, cửa hiệu và những nhà giàu mới nổi muốn sử dụng mỹ thuật để thể hiện đẳng cấp", Radek Stypczynski nhận xét.

Tuy nhiên, vẫn có một khoảng cách giữa nghệ sĩ Việt Nam và nghệ sĩ Thụy Điển ở tính chuyên nghiệp trong sáng tạo và cách thể hiện. "Có cảm giác họa sĩ Việt Nam nhiều lời quá, thích giải thích ý đồ của mình một cách lộ liễu, nhưng tác phẩm thì khó chạm tới những khái niệm, cảm giác trừu tượng", Stina Rosenberg - sinh viên mỹ thuật trường Umea - Thụy Điển, nhận xét. Curator Trần Hậu Yên Thế cũng thừa nhận: "Thật nguy hiểm nếu các nghệ sĩ cố gắng diễn giải một khái niệm hết sức mơ hồ”.

Y Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.