Internet về làng - Bài 1: “@ hóa” học trò

07/06/2009 15:25 GMT+7

Internet đã và đang về tận các ngõ ngách vùng sâu vùng xa của dải đất miền Trung. Một thế giới được mở ra sau lũy tre làng với web, với chat, game online... Kèm theo là sự thay đổi khác thường của không ít bạn trẻ nơi đây.

Dọc các xã ở Quảng Nam, Bình Định, chúng tôi nhận thấy toàn gương mặt tuổi học trò trong các tiệm net. Những gương mặt trẻ ấy càng hăm hở bao nhiêu càng là nỗi lo cho nhiều bậc phụ huynh, khi mà khái niệm Internet vẫn còn là một thứ gì đó khá xa lạ.

Thêm máy đón hè

9g sáng một ngày cuối tháng 5-2009, tại tiệm Internet tên B nằm ở KCN Điện Dương - Điện Ngọc (huyện Điện Bàn, Quảng Nam), chúng tôi thấy gần chục học trò THCS đang tụ tập chơi game, một số vào chat, có hẳn một nhóm chăm chú vào màn hình đang chiếu một đoạn phim “mát mẻ”. T. - học sinh lớp 9 Trường THCS Dũng Sĩ Điện Ngọc có nickname sanbangnghiadia_cuopsacemve... - sau vài thao tác đã “bắt mối” được với một cô bạn tóc vàng hoe cũng đang tuổi học trò như mình, quay sang người bạn ngồi cạnh: “Con này được đó, để tao “câu” cho”. Một hồi sau T. vào một trang web diễn đàn của những học trò tuổi teen ở Đà Nẵng để “coi mấy đứa học trò thành phố có trò chơi gì hay hơn ở chỗ mình không”.

* Ông Trịnh Hữu Lộc, trưởng Phòng kế hoạch - kinh doanh viễn thông Quảng Ngãi, cho biết: Từ năm 2006 đến nay, số lượng thuê bao dịch vụ Internet của tỉnh không ngừng được phát triển, mở rộng, nhất là ở khu vực nông thôn. Nếu như năm 2006 toàn tỉnh chỉ có 1.101 thuê bao dịch vụ Internet, năm 2007 tăng lên 4.250 thuê bao thì sang đến năm 2008 đã tăng đến 6.466 thuê bao.

Năm 2009, Tập đoàn Bưu chính viễn thông giao kế hoạch cho viễn thông Quảng Ngãi lên đến 14.400 thuê bao (tăng hơn hai lần số thuê bao năm 2008), trong số này có 60% thuê bao mở rộng ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh.

* Thống kê tại tỉnh Quảng Nam cho thấy trong năm 2007 toàn tỉnh có 3.998 thuê bao Internet nhưng đến năm 2008 đã tăng lên 8.795. Theo thống kê mới nhất, đến ngày 8-5-2009 số thuê bao Internet trong tỉnh đã lên đến 12.012.

Minh Thu - Quang Tám

Quán Internet Q nằm sát quốc lộ 1 thuộc xã Điện Thắng (huyện Điện Bàn) khá đông với hơn 20 gương mặt học trò cấp II. Hết máy, một số vừa ngồi đợi vừa chửi thề um sùm. Kèm theo tiếng súng đạn, tiếng kêu la... phát ra từ máy tính, không khí trong quán càng ngột ngạt hơn. Người chủ cho biết quán mở gần bốn năm, với 20 máy tính nối mạng và phục vụ đến 22g; đang phải lắp đặt thêm vài máy nữa chứ hè chắc chắn sẽ thiếu máy...

Trong khi đó, các khách hàng một tiệm net không tên gần một trường tiểu học ở xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) thì toàn học trò cấp I. Số khách hàng này tấp vào quán ngay sau giờ tan học. Dù mới học cấp I nhưng không cần đến chủ quán, những khách hàng áo trắng nhí ấy đã nhanh chóng và thuần thục khởi động máy và gõ phím lách tách với những nick chat bật sáng trên danh sách bạn bè của mình.

Đi hàng chục tiệm, rất hiếm hoi chúng tôi mới gặp một tiệm Internet có ghi rõ: kiểm tra CMND khách hàng trước khi vào sử dụng máy; không được gây mất trật tự, ồn ào; không được vào các trang web đen. Thế nhưng ngay cả khi có tờ nội quy đó, chúng tôi vẫn bắt gặp thường xuyên hình ảnh những tốp học sinh nam đang gí mắt sát màn hình để cùng xem phim đen rất thoải mái và không ngại ngùng. Tiếng cười khúc khích, tiếng chọc ghẹo nhau ầm ĩ nhưng chủ tiệm ngồi cách không xa vẫn “vô tư” như không có chuyện gì xảy ra. “Quy định vậy thôi chứ khó thực hiện lắm. Khách quen hết mà” - một nhân viên phục vụ bảo.

Thay đổi cả lời ăn tiếng nói

“Tao thik (thích) con bé đó rùi (rồi) nha nhưng chỉ còn 2k (2.000) mà tối nay nó hẹn chat tiếp. Chắc về “thìa” (chôm - PV) ít tiền của ông bà bô thôi”. Đó là trao đổi của một gương mặt học trò độ 13, 14 tuổi với bạn bè tại một quán cà phê ở xã Hoài Hương mà chúng tôi nghe được. Không xanh đỏ tím vàng như dân thành thị, nhưng xem ra cậu học trò này cũng khá “sành điệu” khi “nhuốm màu gió nắng” trong bộ tóc hoe vàng và chiếc khuyên ở vành tai trái.

Một chủ quán net ở xã Điện Thắng cho biết chỉ tính khu vực của mình đã có trên mười quán Internet. Nguyễn Thị H., một bà mẹ trẻ ở xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, than thở về đứa con trai đang học lớp 8: “Ngày nào cũng cho nó tiền ăn sáng trước khi đi học; lâu lâu con xin tiền học, học thêm, thăm bạn bè nhưng bất ngờ khi thấy ngày nào nó chẳng có mặt ở các quán Internet. Có lần nó bảo đi học thêm vậy mà thấy mặt nó ngoài quán Internet. Hỏi, nó bảo cô cho nghỉ”. Và bà mẹ này đã hốt hoảng khi “lạ nhất là cách ăn nói của nó, nói không ai hiểu, hỏi ra mới biết đó là mấy từ nó học trên mạng”.

Ông Bảy Hiền (69 tuổi) ở xã Cát Hải (huyện Phù Cát, Bình Định) nói cả đời ông chưa bao giờ thấy con cháu mình nói ngôn ngữ khó nghe đến thế. “Có đứa cháu về nhà đã “Hi ông” (!) nghe chướng lỗ tai mà không hiểu gì cả. Tui hỏi, tụi nó bảo: ông già rồi không hiểu đâu. Cái đó cũng không quan trọng lắm, nhưng điều làm tui lo lắng nhất là thấy con cháu mình giờ xem thường lễ nghĩa quá, ăn nói với người lớn cộc lốc... Lo lắm” - ông Bảy Hiền thở dài bảo.

Theo Phi Long - Quang Tám / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.