45 năm bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ: Ẩn số Nhật Lai - Nguyễn Mỹ

05/06/2009 15:35 GMT+7

(TNTS) 45 năm trước - 1964, bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ của nhà thơ Nguyễn Mỹ được công bố và được đánh giá là một trong những bài thơ tình hay nhất của nền thi ca cách mạng.

Và người ta biết nhiều về Nguyễn Mỹ qua chính bài thơ này, mà ít biết về cuộc đời của ông. Đặc biệt, Nguyễn Mỹ còn có người anh ruột là Nguyễn Lai, một nhạc sĩ có những đóng góp lớn trong lĩnh vực nhạc khí đương đại. Mới đây, PV TNTS thông qua một người cháu của Nhật Lai - Nguyễn Mỹ, có được một số tư liệu quý giá về hai anh em tài hoa người Phú Yên này.

Hà Tây quê lụa 

Tình cờ trong một chuyến công tác, tôi gặp người cháu ruột gọi nhạc sĩ Nhật Lai là cậu, hiện đang sống ở TP Tuy Hòa. Đó là ông Phạm Kỳ Hòa - Phó văn phòng Tỉnh ủy Phú Yên. Mẹ ông Hòa là em ruột của nhạc sĩ Nhật Lai và nhà thơ Nguyễn Mỹ. 

 

Nhà thơ Nguyễn Mỹ - Ảnh: Do gia đình nhạc sĩ Nhật Lai cung cấp, lần đầu công bố

Là người từng nhiều năm sống gần gũi với nhạc sĩ Nhật Lai lúc ở Hà Nội, ông Hòa hồi tưởng những ấn tượng đời thường về người cậu nổi tiếng của mình: “Cuộc sống cậu Nhật Lai rất bình dân, nhiều người Hà Nội lúc đó mới gặp cũng không biết ông là một nhạc sĩ nổi tiếng. Căn nhà tập thể của gia đình cậu có vách ngăn bằng cây lồ ô rồi trát vữa, lợp bằng lá cọ. Trong nhà chỉ có cây đàn piano của Nhật là giá trị nhất. Lúc mình ra Hà Nội thì vợ đầu của cậu là nghệ sĩ múa Châu Ngọc Lệ (người Kh’mer) đã mất, cậu đang sống với người vợ thứ hai là Hồ Thị Kha Y (người Pakô). Mợ Kha Y tốt nghiệp khoa thanh nhạc, nhạc viện tại Rumania, hiện là giảng viên trường Văn hóa nghệ thuật Gia Lai…”. 

Không hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng bằng cảm quan riêng của mình, ông Phạm Kỳ Hòa nêu lý giải về cơ duyên thành công của hai người cậu ruột: “Có lẽ do xuất thân từ một vùng quê Phú Yên nghèo khó, nhưng nhờ có năng khiếu bẩm sinh, sống nhiều năm với âm nhạc đồng bào Tây Nguyên và được học hành bài bản lúc tập kết ra Bắc nên hai cậu thành tài. Vùng quê gia đình cũng là nơi tìm thấy bộ đàn đá Tuy An nức tiếng…”.

Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy
Cái màu đỏ như màu đỏ ấy
Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi
Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người…

(Trích: Như chưa hề có cuộc chia ly)
Cũng là sự trùng hợp, khi tôi đang tìm tư liệu về Nhật Lai thì nhạc sĩ Ngọc Quang - Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên, cho biết: Trong chương trình kỷ niệm 400 năm Phú Yên tới đây (1611-2011) sẽ có phần biểu diễn, tôn vinh tác phẩm của cố nhạc sĩ Nhật Lai. Ông Ngọc Quang, cho biết, khá nhiều người Phú Yên mới biết Nhật Lai với lĩnh vực sáng tác ca khúc, nhưng ít biết trong lĩnh vực khí nhạc - giao hưởng và nghiên cứu, khai thác giá trị âm nhạc Tây Nguyên, ông là một trong những cây đại thụ ở Việt Nam. “Nhạc sĩ Nhật Lai là một trong những người Việt Nam có công đầu trong việc khai thác, phát huy những giá trị đặc sắc của âm nhạc các dân tộc Tây Nguyên. Nhiều tác phẩm khí nhạc của ông khi biểu diễn, được đánh giá cao trong và ngoài nước. Nhật Lai còn có những đóng góp lớn trong việc xây dựng, đào tạo lực lượng cho Đoàn văn công Tây Nguyên trong những năm chống Mỹ cứu nước. Có lẽ thành tựu chính của Nhật Lai là trên lĩnh vực khí nhạc nên ít người biết đến ông hơn một số nhạc sĩ khác…”, ông Quang nói về bậc tiền bối.

 

Ảnh: Bảo Quyên

Riêng bài hát Hà Tây quê lụa Nhật Lai viết năm 1965 cũng là trường hợp đặc biệt thú vị: Bóng chiếc thoi đưa ánh mắt long lanh/Trời đất Hà Tây tay em dệt lụa/Sữa trắng Ba Vì, thóc vàng khu cháy/Hồn thơ Nguyễn Trãi dệt thành vần… Vừa qua, khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, trong hành trang tinh thần của nhiều người con quê lụa nay về Tràng An có những giai điệu da diết của bài “tỉnh ca” Hà Tây quê lụa, dẫu không còn vang lên hằng ngày trên Đài phát thanh-truyền hình Hà Tây như thuở nào qua giọng hát sâu lắng của nghệ sĩ Quốc Hương. Theo đánh giá của giới nghiên cứu, Hà Tây quê lụa là tác phẩm đặc sắc của tâm hồn nhạc sĩ tài hoa Nhật Lai, nên nó đã và sẽ có một đời sống riêng lâu bền. Liên quan đến bài hát này, ông Phạm Kỳ Hòa kể một kỷ niệm: “Thật tình, tôi không thể cảm nhận hết sức mạnh của âm nhạc, nhưng có hồi đến Hà Tây, biết tôi là người Phú Yên, lại là cháu của nhạc sĩ Nhật Lai, nhiều người đã coi tôi như người nhà. Bài hát ấy đã đi vào lòng người Hà Tây sâu sắc không thể tả. Tôi cảm nhận Hà Tây quê lụa cùng nhiều tác phẩm khác của Nhật Lai sẽ sống mãi với thời gian…”.

Như không hề có cuộc chia ly

* Nhật Lai tên thật là Nguyễn Tuân, sinh ngày 12.5.1931 tại thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An (Phú Yên), mất ngày 5.1.1987 tại Hà Nội. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2002. Ông đã để lại cho đời 18 vở nhạc kịch - ca kịch, 6 tác phẩm khí nhạc, 2 nhạc phim và trên 40 ca khúc…

* Nhà thơ Nguyễn Mỹ tên thật là Nguyễn Mỹ, sinh ngày 21.2.1935 cũng tại xã An Nghiệp, 16 tuổi vào bộ đội, ra Bắc công tác tại Nhà xuất bản Phổ thông. Năm 1968, ông trở lại chiến trường miền Nam chiến đấu và hy sinh ngày 16.5.1971 tại xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Tác phẩm chính: Trận Quán Cau (bút ký, 1954), Sắc Cầu vồng (thơ, 1980, in chung với Nguyễn Trọng Định), Thơ Nguyễn Mỹ (thơ, 1993). Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

So với nhạc sĩ Nhật Lai, người em kề là nhà thơ Nguyễn Mỹ được nhiều người biết đến hơn bởi bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ được đưa vào giảng dạy trong nhà trường và liên tục được ngâm trong các chương trình nghệ thuật.

Độc đáo của Nguyễn Mỹ trong nền thơ Việt là dùng “bông hoa chuối” làm biểu tượng cho sự xa cách trong tình yêu. Cái đẹp dung dị của màu đỏ quê mùa đã vào thơ anh một cách tự nhiên mà sang trọng. Cũng như ý tưởng “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau” đã được thi sĩ phổ vào thơ tình thật mềm mại, đắm say. Màu đỏ của cuộc chia ly đã trở thành điều cao cả, thiêng liêng mà một thời vạn vạn người trẻ đã làm được và hoàn tất sứ mệnh vinh quang: Chiến đấu vì đất nước, hy sinh tình riêng vì nghĩa lớn. Sức ngân của tứ thơ Màu đỏ chia ly mang tư tưởng thời đại nhưng xuất phát từ trái tim yêu đương cháy bỏng và trở về trái tim yêu đương cháy bỏng nên “màu đỏ ấy” theo suốt tâm hồn bao thế hệ.

Điểm đáng chú ý là “màu đỏ” trong bài thơ có sắc độ chất chứa nhất trong nền thơ Việt vì đã “thắng” nhiều “màu đỏ” khác ở tay nghề kết cấu xoay vòng chặt chẽ đến hoàn hảo. Dẫu viết về chuyện chia tay ra trận ở năm 1964, giữa lúc cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ của dân tộc ta đang hồi cam go, nhưng bài thơ không hề cương mà nhuần nhị một tình yêu quê hương đất nước thuần khiết với cảm xúc dạt dào. Thi sĩ đã sống trọn với tứ thơ đặc sắc, đôi vợ chồng trẻ sống trọn trong nhau, cũng như Tổ quốc sống trọn trong họ nên “màu đỏ ấy” của Nguyễn Mỹ sống trọn trong dặm dài thi ca Việt Nam.

Sự nghiệp văn học của Nguyễn Mỹ không chỉ có Cuộc chia ly màu đỏ, mà còn nhiều bài thơ mang xu hướng cách tân mãnh liệt, cùng với nhiều bút ký chiến trường đặc sắc. Giống như người anh tài ba Nhật Lai, Nguyễn Mỹ đã sống và sáng tạo đến hơi thở cuối cùng trong hành trình “lang bạt” của mình, như câu thơ ông viết: Anh lang bạt đi tìm anh từ dạo ấy/Ở trong đất và ở trong máu chảy.

Cuộc đời và cống hiến của anh em Nhật Lai - Nguyễn Mỹ chắc chắn sẽ còn tốn nhiều giấy mực của giới nghiên cứu.

Hùng Phiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.