Bóng ma chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên - Kỳ cuối: Khát vọng thống nhất

04/06/2009 23:26 GMT+7

Cuộc chiến đã tạm khép lại với những mâu thuẫn cũ chồng chất, mâu thuẫn mới phát sinh. Đó là nguyên nhân vì sao bóng ma chiến tranh vẫn luôn lởn vởn trên bán đảo Triều Tiên từ mấy chục năm qua và ước nguyện thống nhất vẫn mãi là giấc mơ đau đáu.

Từ cuối năm 1950 đến đầu 1953 là một thời kỳ khốc liệt. Với sự tham gia của chí nguyện quân Trung Quốc cùng một lực lượng chừng mực của Liên Xô, cán cân quân sự hai miền Nam - Bắc Triều Tiên khá cân bằng. Cuộc chiến vì thế chủ yếu diễn ra xung quanh vùng vĩ tuyến 38, không có những cuộc Bắc tiến hay Nam chinh như trước nữa. Đây cũng là giai đoạn mà hai phía đều rơi vào tình trạng bế tắc, khi mục tiêu kiểm soát toàn bộ bán đảo đã quá xa vời. Vì thế, một thỏa thuận ngừng bắn là yêu cầu bắt buộc.

Tiếng súng tạm ngưng

Chiến tranh khởi sự từ mùa mưa 1950, kéo dài qua mùa mưa 1951, rồi mùa mưa 1952. Những trận đánh cứ nối tiếp nhau, tưởng chừng như không bao giờ kết thúc. Mỗi ngày mới đến, lại có thêm các đoàn binh ra trận, còn người dân Triều Tiên thì lại hứng chịu thêm những làn mưa bom bão đạn mới.

Trong giai đoạn này, nhiều sự kiện lớn đã xảy ra. Phía Mỹ, vào ngày 11.4.1951, Tổng thống Truman đã buộc tướng MacArthur rời vị trí tư lệnh tối cao tại Triều Tiên. Theo các nhà phân tích quân sự thì MacArthur đã mất chức vì thói kiêu ngạo, bất trị của ông, nhưng đồng thời sự thay đổi này cũng đánh dấu sự thay đổi chiến lược của Tổng thống Truman. Thay thế MacArthur là tướng Matthew Ridgway, cựu Tư lệnh Bộ chỉ huy Lục quân số 8. Vào cuối năm 1950, khi Tư lệnh Lục quân số 8 là đại tướng Walton Walker tử nạn gần Seoul khi xe jeep của ông ta ủi phải xe tải, trung tướng Ridgway đã lên thay. Và giờ đây, khi MacArthur bị phế truất khỏi vị trí tư lệnh tối cao tại chiến trường Triều Tiên, Ridway được đưa vào vị trí tư lệnh tối cao, cùng với việc thăng hàm đại tướng.

 
Giọt nước mắt đoàn viên của người hai miền Triều Tiên sau hơn 50 năm - Ảnh: Nowpublic

Khi cả hai phía cùng lâm vào thế bế tắc trên chiến trường, thì các nỗ lực đàm phán đình chiến được đề cập đến như một lối thoát bắt buộc. Vào ngày 23.6.1951, LHQ cùng các thành viên Liên Xô và Mỹ đã đồng ý rằng hai miền Triều Tiên sẽ đàm phán tại cố đô Keasong, cách Seoul khoảng 60 km về phía bắc. Tới ngày 10.7.1951, cuộc đàm phán đình chiến xoay quanh các vấn đề như tù binh, phân chia lãnh thổ... bắt đầu được tiến hành. Tiến trình đàm phán gặp rất nhiều khó khăn do bất đồng. Sau thời gian đàm phán ở Keasong không có kết quả, người ta đã dời địa điểm đàm phán về làng Panmunjon (Bàn Môn Điếm).

Giữa lúc đó, chiến trường vẫn ngập tiếng súng. Liên quân Trung - Triều nhiều lần tổ chức đánh mạnh nhưng không thu được kết quả, trong khi Mỹ gia tăng ném bom miền Bắc. Chiến tranh tưởng chừng không bao giờ kết thúc.

Đến cuối năm 1952, ở Mỹ bắt đầu cuộc chuyển giao quyền lực khi ông Dwight Eisenhower đắc cử tổng thống. Vị tổng thống đắc cử đã tuyên bố sẽ tăng cường các nỗ lực để chấm dứt xung đột. Sự thay đổi quyền lực ở Mỹ cùng với nỗ lực của LHQ và các nhượng bộ khác đã đi đến việc ký kết thỏa thuận đình chiến vào năm 1953, giữa Mỹ, CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc. Hàn Quốc từ chối ký văn kiện này. Vì chưa có hiệp định hòa bình, chỉ mới có hiệp định ngừng bắn, nên bán đảo Triều Tiên từ đó đến nay về lý thuyết vẫn ở trong tình trạng chiến tranh.

Ba năm chiến tranh, với hàng triệu người chết, mọi việc lại quay về điểm xuất phát. Một vết cắt qua bán đảo Triều Tiên, ở vĩ tuyến 38, với phía bắc là CHDCND Triều Tiên và phía nam là Hàn Quốc. Vết cắt này thậm chí còn hằn sâu hơn hồi trước chiến tranh, khi mà xung quanh vùng giới tuyến phi quân sự là một khu vực quân sự dày đặc, với mật độ quân và sự tập trung phương tiện chiến đấu cao nhất hành tinh.

Nỗi đau chia cắt

Một ngày tháng 4.2002, trên vùng núi Kumgang (Kim Cương) cách không xa giới tuyến, cụ bà Chung Gwi-up nước mắt giàn giụa nói với cụ ông Lim Han-un: “Tôi nghe đồn ông có tình nhân khi mình còn ở với nhau. Sau đó ông lấy bà ta chứ? Ông có đem bà ta tới đây không”. Cụ Chung Gwi-up lúc ấy 75 tuổi, còn người chồng lưu lạc 74 tuổi. Khi chiến tranh, hai người đã lạc nhau, cụ Lim sống trên miền Bắc, còn cụ Chung sống ở miền Nam, quyết không đi bước nữa để đợi chồng. Cùng một dải đất, nhưng họ đã bặt tin nhau từ thuở tóc còn xanh tới khi đầu bạc. Mãi tới đầu những năm 2000, khi hai miền thúc đẩy chương trình đoàn tụ, họ mới gặp lại nhau trong một phút giây ngắn ngủi và đầy nước mắt.

“Chị Shin-ho ơi là chị Shin-ho, chị vẫn còn sống đấy ư?”, bà Lee Bu-ja gào lên, ôm chầm lấy một người đàn bà đến từ phía nam giới tuyến. Hai chị em lạc nhau đã 50 năm, giờ cả hai đã ngoại lục tuần. Vài ngày trước cuộc đoàn tụ ngắn ngủi vào năm 2002, mẹ của hai người qua đời ở tuổi 93 tại miền Bắc. Bà Lee Bu-ja nghẹn ngào nói với chị: “Cho đến hơi thở cuối cùng, mẹ vẫn không thể nhắm mắt một cách thanh thản vì chưa gặp được chị”.

Gạt đi nước mắt, những người thân hai miền Nam - Bắc đã bắt tay nhau, cùng nhún nhảy trong một điệu múa của dân tộc Triều Tiên và cùng hát bản Arirang truyền thống. Phía sau những giọt nước mắt, những nụ cười, những lời ca và điệu múa này là một giấc mơ đau đáu, giấc mơ đoàn tụ, hòa hợp thống nhất.

Những lát cắt nhỏ, đặc tả nỗi đau chia cắt, đã được hãng tin BBC thực hiện trong một cuộc đoàn tụ gia đình liên Triều vào năm 2002. Những người như Chung Gwi-up, Lim Han-un, Lee Bu-ja và Lee Shin-ho nằm trong số rất ít người có được may mắn gặp lại người thân sau bao nhiêu năm xa cách.

Cuộc chiến 1950-1953 đã khiến hàng triệu người Triều Tiên ly tán và dẫn tới sự chia cắt lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Từ đó đến nay, bao gia đình đã phải sống trong cảnh “chồng Bắc - vợ Nam”. Có những người đến chết vẫn không gặp được đứa con lưu lạc của mình trong chiến tranh. Có những người, cho đến chết vẫn không gặp lại được người vợ mới cưới của mình.

- Chiến tranh Triều Tiên kéo dài từ tháng 6.1950 đến tháng 7.1953. Vào lúc cao điểm, mỗi bên có khoảng 1 triệu quân tham chiến. Phe miền Nam gồm có Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Canada, Úc và 12 nước khác. Phe miền Bắc có CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc và Liên Xô.

- Thống kê từ phía Mỹ cho thấy tổn thất của các bên như sau: Hàn Quốc có 58.127 binh sĩ chết trận, 175.743 bị thương, 80.000 bị bắt hoặc mất tích. Mỹ: 36.516 chết - trong đó có hơn 2.000 chết khi không chiến đấu, 92.134 bị thương, 8.176 mất tích, 7.245 bị bắt. Trung Quốc: hơn 400.000 chết, 486.000 bị thương, 21.000 bị bắt. CHDCND Triều Tiên: 215.000 chết, 303.000 bị thương, 120.000 mất tích hoặc bị bắt... Nguồn từ Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại New York vào năm 2007 cho biết tổn thất của Trung Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên như sau: 114.000 chết trận, 34.000 chết khi không chiến đấu, 380.000 bị thương, 21.400 bị bắt. Khoảng 2 triệu dân thường đã chết vì chiến tranh. (Theo BBC, Nyconsulate.prchina.org; Aiipowmia.com, Newsweek)

Châu Minh Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.