Môn Địa lý: Không khó nhưng dễ nhầm!

03/06/2009 10:50 GMT+7

(TNO) Sáng nay (3.6), các thí sinh (TS) bước vào môn thi thứ 3 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT - môn Địa lý. Đề môn Vật lý Gợi ý bài giải môn Vật lý Đề môn Địa lý Gợi ý bài giải môn Địa lý Đề môn Văn

Trong khi ở TP.HCM, theo đánh giá của nhiều TS và giáo viên, đề thi khá dễ, thì TS Đà Nẵng lại vất vả vì chưa quen sử dụng át lát; còn ở Hà Nội, một số TS "than" lý thuyết quá nhiều...

TP.HCM: Hầu hết TS dư thời gian làm bài

Theo nhận xét của đa số TS tại hội đồng thi trường THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM) và trường THCS Lê Lợi (Q.3, TP.HCM), đề thi năm nay khá dễ.

Là một trong những TS ra đầu tiên khi tiếng chuông chấm dứt thời gian thi vừa kết thúc, Kha Mỹ Ý, học sinh lớp 12A8, trường THPT Trưng Vương (Q.1) cho biết đề thi dễ và làm dư thời gian.

Còn Nguyễn Thị Vân Anh, học sinh lớp 12A3 trường THPT Ernst-Thalmann thì phấn khởi: “Đề dễ, em làm được hết”.

Trao đổi với bạn bè sau khi ra khỏi phòng thi, Lê Anh Linh, học sinh lớp 12A6 trường Lê Quý Đôn (Q.3) cũng có tâm trạng tương tự, tuy vẫn hơi lo vì không biết có bị sai lỗi lặt vặt nào không.

Theo đánh giá của cô Hứa Bạch Mai, giáo viên dạy môn Địa Lý trường THPT Lê Thánh Tôn (Q.7, TP.HCM), với đề này, học sinh từ học lực trung bình có thể làm được. Đề có 30% lý thuyết và 70% bài tập đều ở dạng dễ, học sinh đã được hướng dẫn cách làm ở lớp. Nếu cẩn thận, TS có thể đạt điểm tối đa môn này. Tuy nhiên, nếu không để ý, TS sẽ dễ bị nhầm đề, dẫn đến sai toàn bộ 1 câu trong phần lý thuyết và quên đổi đơn vị ở bài tập cuối cùng.

Cô Huỳnh Cẩm Tú, giám thị 1 ở hội đồng thi Trường THCS Lê Lợi (Q.3, TP.HCM) cho biết đa số TS đã làm xong trước khi hết thời gian, nhưng theo quy định, các TS không được phép ra về sớm.

 
TS thi ở Hội đồng thi Trường Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) vui vẻ ra về sau giờ thi môn Địa lý

Đà Nẵng: Chưa quen sử dụng át lát, TS gặp khó khăn 

Thời tiết tại TP Đà Nẵng hôm nay không nắng gay gắt như ngày hôm qua, nhưng đề thi môn Địa lý đã gây vất vả cho nhiều TS.
 
Em Nguyễn Trung Thành, học sinh trường Nguyễn Hiền, dự thi tại hội đồng thi Kim Đồng cho biết: “Đề thi môn Địa lý có phần tính mật độ dân số và sử dụng nhiều Át lát địa lý Việt Nam khiến bọn em không quen, những kỹ năng thực hành đó bọn em chỉ được ôn vài buổi trước kỳ thi nên không thể thành thạo được”.

TS Minh Loan cũng tại hội đồng thi Kim Đồng cho biết: “Đề thi dài và có nhiều ý, câu hỏi nhỏ trong câu hỏi chính nên chúng em làm bài tốn khá nhiều thời gian, đồng thời kiến thức trải rộng ở nhiều vùng kinh tế nên hơi khó đối với học sinh chỉ học chương trình chuẩn”.

Trong khi đó, thầy Lê Thí - giáo viên Địa lý Trường PTTH Trần Phú - nhận định: “Đề thi có nhiều lắt léo, nếu học sinh không nắm chắc và vững vàng thì rất khó đạt điểm cao. Trong đó, phần tính mật độ dân số là nội dung học từ năm lớp 10 THPT, còn phần câu hỏi về các trung tâm công nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long lại “đánh lừa” học sinh ở chỗ, nội dung này chỉ là một ý nhỏ trong bài mà em nào nhớ kỹ thì mới biết được. Đồng thời, cái khó còn nằm ở chỗ, câu hỏi đó không bắt buộc phải dùng sách Át lát địa lý Việt Nam. Nhưng em nào tinh ý, từng sử dụng át lát nhiều thì mới biết được nhất thiết phải tra sách át lát thì bài thi mới hoàn chỉnh”.

Không có trường hợp nào vi phạm quy chế thi trong buổi thi thứ 3 liên tiếp tại TP Đà Nẵng. Cũng không có thêm học sinh nào bỏ thi tại khối giáo dục THPT so với buổi thi chiều 2.6; các trường hợp TS vắng mặt vào ngày hôm qua đã hoàn tất giấy xin phép. Tại khối giáo dục thường xuyên, số lượng TS vắng mặt trong sáng nay giảm 8 em so với chiều 2.6.

Hà Nội: Xuất hiện "phao" thi

Nhiều TS tại Hà Nội nhận xét đề thi đúng cấu trúc, các câu hỏi theo đúng chương trình sách giáo khoa, tuy nhiên lý thuyết vẫn chiếm nhiều. Những học sinh thiên về tự nhiên tỏ ra hơi tiếc vì các câu đòi hỏi sự tính toán, vẽ bản đồ lại quá ít điểm nên việc đạt điểm cao là khá khó.

 

TS thi tại Hội đồng thi Kim Liên (Hà Nội) kiểm tra lại bài làm sau khi thi xong - Ảnh: Lê Quân

Tại Hội đồng thi Trường THPT Kim Liên, TS Đào Thị Dung, học sinh lớp 12 trường Phương Nam, cho biết em chỉ làm được khoảng trên 50% vì đề nhiều lý thuyết, nhiều số liệu khó nhớ; trong khi phần vẽ biểu đồ thì chỉ có 2 điểm. Dung cho biết em dự định thi khối A nên không chú trọng nhiều tới môn Địa lý.

Trên vỉa hè và trong một số quán ăn xung quanh khu vực thi, hiện tượng "phao" thi dạng “ruột mèo” xuất hiện lác đác.

Môn Địa lý: Đề thi nằm trọn trong chương trình SGK lớp 12

Nội dung đề thi nằm trọn vẹn trong chương trình sách giáo khoa Địa lý 12 theo chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Đề thi có sự kết hợp cân đối giữa lý thuyết và thực hành, vừa sức học sinh, nhưng rất khó để đạt điểm tối đa. Dự kiến năm nay tỷ lệ học sinh đạt điểm trung bình trở lên là thấp hơn năm trước. Một số câu hỏi đòi hỏi tư duy, sáng tạo, phải biết chọn lựa nội dung thích hợp với câu hỏi của đề. Nếu không nắm vững vấn đề, dù có sách giáo khoa trước mặt cũng không làm được. Nội dung các câu hỏi đã được hệ thống trong cấu trúc đề thi mà Bộ GD-ĐT đã ban hành. Đặc biệt câu III gần như giống nguyên văn trong cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT.

Câu hỏi dành cho chương trình nâng cao có phần khó hơn chương trình chuẩn. Câu 2 của phần IV.b là một câu khó đối với học sinh. Đa số học sinh sẽ không làm được câu này.

Đặng Thị Chiếu Huyền
(GV trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)

Cẩm Thúy - Nguyễn Tú - Hồng Minh

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.