Mẹ và dòng sông quê

02/06/2009 14:23 GMT+7

(TNO) Con sông nhỏ nép giữa đôi bờ lau thưa. Con nước lớn ròng theo nhịp thời gian, nhẹ nhàng trôi qua những chiếc cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh đổ ra sông cái. Sông Trà Khúc quê tôi, dòng sông xanh trong mùa nắng ấm và đục ngầu mùa nước lũ. Tôi được sinh ra và lớn lên bên dòng sông ấy. Nó không chỉ là “con sông tôi tắm mát, con sông tôi đã hát…”, mà với tôi, con sông còn là da thịt, là máu tim, là dòng sữa mẹ ngọt ngào…

Ngày ấy, gia đình tôi rất nghèo. Cha đi biền biệt. Má nhọc nhằn, lam lũ, quanh năm đầu tắt mặt tối với con cá, cọng rau, chắt chiu nuôi năm đứa con nhỏ. Là con trai, 16 tuổi đầu, tôi đã phải thay má đảm nhiệm công việc nhà. Sau buổi học, tôi đi chợ, nấu ăn, xách nước, giặt giũ, quét dọn, trông em, nấu cám cho heo… Với em gái kế 14 tuổi, tôi còn là thầy giáo “oai phong” sẵn sàng quất roi vào mông khi nó lười học. Với đứa út, tôi gần như là một người mẹ. Để em đỡ khát sữa, tôi mớm cho em đủ thứ: cháo hầm, rau luộc, trái chuối, củ khoai... Mỗi khi em khóc không dỗ được, tôi phải bế em sang sông, xin cho em bú nhờ các bà có con nhỏ.

Một đêm, tôi đang ngon giấc thì thằng út khóc ầm lên. Tôi hướng vào giường em, gọi giật: “Má ơi, má… má ở đâu?”. Vẫn lặng im. Tôi bậm môi nhảy sang giường em nằm, quờ quạng bế em lên, dỗ thế nào nó cũng không nín. Vừa sợ ma, vừa run, vừa giận má, giận em, tôi mếu máo khóc theo. 

Tôi xốc em lên, xô cửa chạy ào vào đêm tối. Ngoài trời, mưa lâm râm. Tôi bế em tới sát mé vườn trầu. Má hay tưới trầu về đêm. Nhưng đêm nay mưa, má tôi không có ở đó. Tôi lại bế em bước nhanh ra bến sông. Đứng trên bờ đất nhão mềm trơn ướt, tôi gọi thất thanh:    

- Má… má ơi… Má về cho em bú… Em khát sữa khóc quá trời nè, má ơi! 

Tôi nhìn thấy một bóng đen nổi lên giữa dòng sông cạn. Qua ánh sáng lờ mờ, tôi nhận ra hình dáng má gầy gò đang lóp ngóp lội bì bõm đi lên, tay xách rổ, tay xách giỏ, mình mẩy ướt đầm. Má đi xúc tép mò cá vào đêm khi con nước ròng. Tôi thấy má run lên vì ướt, vì gió lạnh. Vậy mà tôi, thằng bé ngu ngơ, vì tức tối dại dột đã đay nghiến má: 

- Má đêm nào cũng đi mò cá, bỏ em khát sữa, bỏ tụi con sợ ma. Má… không thương… tụi con.

Rồi tôi òa khóc tức tưởi. Má tôi khổ sở vỗ về:       

- Nín đi con. Con khóc như vậy làm em sợ khóc theo kìa. 

Má đem giỏ cá vào nhà, thay vội áo, đón thằng út vào lòng, hôn như mưa. Má vạch áo đưa bầu vú tóp teo vào miệng em. Tội nghiệp, vì quá đói, em ôm chặt vú nút ừng ực… Tôi vẫn còn tấm tức:        

- Má cứ bỏ em hoài, bỏ tụi con trong đêm tối, chắc có ngày ma nó ăn thịt chết hết!       

Em đã lim dim ngủ trong lồng ngực gầy đét của má, má cúi xuống, giọng đượm buồn:        

- Má có vui gì khi bỏ các con ở nhà trong đêm đâu. Con coi, ban ngày má ở suốt ngoài đồng, khuya con nước cạn mới xuống sông bắt cá được.

Giọng má hơi nghẹn, nước mắt má lăn dài trên đôi má hóp khô. Má tủi thân, má khổ đau, má giận tôi, hay má xót xa cho đàn con nheo nhóc mà má không đủ sức ấp nồng?

Tôi chợt bùi ngùi, vỗ vào ngực má: “Vú má lạnh ngắt, em bú sữa lạnh sẽ đau bụng…”.

Nước mắt má tôi rơi lã chã xuống lồng ngực teo gầy. Má thì thầm: “Da thịt bị ngâm trong nước lạnh, nhưng sữa trong vú mẹ bao giờ cũng ấm, trừ khi mẹ… chết rồi!”.        

Tôi nghe nhói tim, òa khóc: “Má ơi! Má đừng giận con nghe”. Má tôi lau nước mắt, cười liền: “Thôi con nín đi, để em ngủ, má còn đi kho cá, mai có mà ăn”…    

Anh em tôi lớn lên, trăm ngàn cay đắng, chúng tôi quyết tâm không phụ lòng mong mỏi của má. Đến nay, tôi và em gái trở thành những giáo viên, em trai thứ ba hiện đang là sinh viên năm cuối, em trai thứ tư vừa đậu đại học năm rồi, và thằng út hay đi bú ké năm nào giờ cũng đã học hết lớp 11.     

Và giờ đây, má tôi đã già, má vẫn sống trong căn nhà cũ bên dòng sông hiền hòa ngày đêm lững lờ trôi. Mặc cho đất phù sa khi lở khi bồi, mặc cho con sông khi ròng khi lớn, má tôi mãi mãi là hành trang đẹp nhất trong suốt cuộc đời của năm anh em chúng tôi, như dòng sông tuổi thơ không bao giờ phai mờ trong ký ức...

Bùi Thanh Hoàng
(TP.HCM)

 

>> XEM THỂ LỆ CUỘC THI

>> XEM TẤT CẢ BÀI VIẾT

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.