Hàng "khủng" lên sàn

31/05/2009 22:50 GMT+7

Thị trường thuận lợi là yếu tố quan trọng trong quyết định chọn thời điểm lên sàn của nhiều công ty. Nhiều thương hiệu lớn, ngành nghề hấp dẫn có mặt trong danh sách các công ty sắp niêm yết khiến thị trường chứng khoán (TTCK) dự báo sẽ sôi động trong giai đoạn cuối năm.

Cổ phiếu “đại gia”

Tập đoàn Bảo Việt đã chính thức nộp hồ sơ xin niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM  (HOSE). Theo đó, Bảo Việt có vốn điều lệ 5.730.266.050.000 đồng, trong đó Nhà nước nắm 77,54% vốn điều lệ, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nắm 10%. Tập đoàn này xin niêm yết 573.026.605 cổ phiếu phổ thông, mệnh giá 10.000 đồng. Trong những năm qua, Bảo Việt đã thiết lập mạng lưới quan hệ với nhiều công ty tái bảo hiểm, môi giới tái bảo hiểm lớn trên thế giới như Munich Re, Swiss Re, CCR, Hannover RE, AON, Athur Gallagher, Marsh... Năm 2008, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng Bảo Việt đã đạt 1.099,509 tỉ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế đạt 774,089 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 678,387 tỉ đồng.

Trước đó, cuối tháng 4.2009 lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) khẳng định chắc chắn sẽ niêm yết trong năm 2009 và HOSE chấp nhận về nguyên tắc đơn niêm yết của VCB khiến cổ phiếu VCB trên sàn OTC trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Việc lên sàn của VCB đã gây nhiều tranh cãi, chờ đợi cho các nhà đầu tư gần 2 năm qua. Nằm trong top các ngân hàng hàng đầu của Việt Nam, cổ phiếu VCB ngay từ khi cổ phần hóa đã được giới đầu tư coi là "hàng khủng" cả về quy mô và mức độ hấp dẫn. Hiện nay, cổ phiếu này cũng đang làm mưa làm gió trên chợ OTC khi các nhà đầu tư liên tục "họp nhóm" bàn về giá tham chiếu, lên kế hoạch gom hàng khi cổ phiếu này chính thức "dời đô".

Sau nhiều phen tranh cãi cũng như dưới sức ép của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), 2 đại gia trong ngành thực phẩm là Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng đã lên tiếng đủ khả năng cho việc niêm yết. Vấn đề cơ bản nhất theo 2 tổng công ty này là chọn thời điểm lên sàn thích hợp để đảm bảo lợi ích quốc gia và các cổ đông nhỏ lẻ. Sau tuyên bố này, khả năng lên sàn trong năm nay của 2 đại gia này càng được khẳng định hơn bởi thời điểm thích hợp nhất chính là lúc chứng khoán đang nóng và TTCK vẫn khẳng định xu hướng đi lên trong thời gian tới. Ngoài ra, còn rất nhiều tên tuổi lớn khác cũng sẽ lên sàn trong năm nay như Công ty cao su Phước Hòa, Công ty chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, Công ty chứng khoán Công thương  (VietinbankSC), Công ty xi măng Hoàng Mai...

Thị trường sẽ hấp dẫn hơn

Đó là nhận xét của hầu hết các nhà đầu tư cũng như giới chuyên môn về việc lên sàn của các cổ phiếu hàng "khủng" trong năm nay. Trên thực tế, việc thị trường sụt giảm và “lình xình” kéo dài trước đây đã khiến nhiều công ty hủy bỏ kế hoạch lên sàn. Việc lên sàn của các tên tuổi mới, đặc biệt là các thương hiệu mạnh trong nước không chỉ làm mới thị trường mà còn tạo sức hấp dẫn đặc biệt cho chứng khoán trong năm nay.

Không chỉ thay đổi về quy mô hàng hóa, những tên tuổi lớn này còn mở rộng quy mô thị trường khi thu hút thêm các nhà đầu tư mới. Điều này đã được chứng minh trên thực tế, rất nhiều nhà đầu tư đang gom các cổ phiếu này để đón đầu cơ hội lên sàn trong thời gian tới. Một chuyên gia tài chính tại TP.HCM nhận xét, chứng khoán những tháng đầu năm đã có sự khởi sắc. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm thì chưa thể nói trước dù điểm đáy của cuộc khủng hoảng có vẻ như đã tới. Chính vì vậy, việc bổ sung thêm hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa tốt cho sàn chứng khoán sẽ khiến thị trường duy trì được sự hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là điều rất quan trọng cho việc phát triển bền vững kênh đầu tư này trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Về giá niêm yết của nhiều công ty tại thời điểm này, một chuyên gia tài chính khác cho rằng, có thể không được như mong muốn, tuy nhiên giá thấp hơn kỳ vọng khoảng 15% sẽ tạo sức hấp dẫn cho cổ phiếu và kỳ vọng thị trường sẽ đẩy giá cổ phiếu lên cao, thậm chí vượt qua mức mà chính công ty đó mong muốn. Điều này đã từng xảy ra với cổ phiếu của Ngân hàng TMCP ACB trước đây.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.