Biển Aral đã chết

30/05/2009 23:26 GMT+7

Khi người ta giết chết những dòng sông, thì biển cả cũng chết theo. Số phận biển Aral là bằng chứng cho thấy con người phải trả giá nặng nề đến mức nào khi hủy hoại môi trường. Mời nghe đọc bài

Cách đây nhiều năm, người viết có dịp biết tới biển Aral qua tiểu thuyết Và một ngày dài hơn thế kỷ của văn hào Chinghiz Aitmatov. Biển Aral trong văn của Aitmatov hiện lên với một hình ảnh kỳ vĩ. Đọng lại mãi là hình ảnh nhân vật chính - chàng ngư dân Burannyi Yedigei trong một lần đi biển đánh cá vàng đã gặp bão. Chiếc thuyền nhỏ bé cùng chàng ngư phủ chơi vơi giữa biển mênh mông khi màn đêm dần buông xuống, tưởng chừng như không thể tìm được đường trở về đất liền.

Nhưng đó là biển Aral của hơn 60 năm về trước. Biển Aral hôm nay chỉ còn là những hồ nước nhỏ, mặn chát, đang khô dần dưới ánh nắng mặt trời.

Biển của một thời đã mất

Biển Aral nằm trên cao nguyên Trung Á, giữa các quốc gia Kazakhstan và Uzbekistan ngày trước thuộc Liên Xô. Đây là một hồ nước cực kỳ quan trọng đối với môi trường sinh thái cũng như hoạt động kinh tế của con người tại khu vực. Ngày trước, Aral là hồ nước mặn lớn thứ tư thế giới, với diện tích trước năm 1960 vào khoảng 68.000 km2. Vì lớn như vậy nên người dân địa phương và hầu hết tài liệu khoa học, tác phẩm văn chương đều gọi Aral là biển, tương tự như biển Caspia cách đấy không xa.

Aral trong tiểu thuyết của Aitmatov là một vùng biển mênh mông, chứa trong lòng những đợt sóng dữ và những đàn cá. Ngư dân ở các làng chài ven bờ được miêu tả là những con người dũng cảm, can trường, luôn bình thản đối mặt với thách thức biển cả trước khi bị cuốn vào Thế chiến 2, đối mặt với các đạo quân tàn bạo của Hitler. Hình ảnh biển Aral vì thế luôn sống trong tâm tưởng người đọc tác phẩm của Aitmatov, tương tự như những thảo nguyên khô cằn, đầy nắng gió và bão tuyết vùng Siberia mênh mông vậy.

Thời gian mà văn hào đưa vào tiểu thuyết là lúc biển Aral còn là một khu vực đánh cá nhộn nhịp. Ven bờ có nhiều thành phố cảng khá sầm uất như Moynaq của Uzbekistan và Aral của

Kazakhstan. Theo các số liệu thống kê mà báo New York Times có được, ngành đánh bắt cá ở Aral từng chiếm khoảng 1/6 tổng sản lượng cá toàn Liên Xô trước đây với hơn 40.000 nhân công tham gia trong lĩnh vực này. Đó là chưa kể các hoạt động vận tải, kho bãi, đóng tàu...

Kể từ khi hình thành cách nay hàng triệu năm, biển Aral đã chứng kiến bao nhiêu biến chuyển trên vùng đất Trung Á, nhưng chưa bao giờ đối mặt với nguy cơ hủy diệt cho đến thế kỷ 20. Giới lãnh đạo Liên Xô hồi đó đã đổ chất thải độc hại lên các đảo trên biển Aral, gây ra ô nhiễm nghiêm trọng. Đặc biệt, kế hoạch vĩ đại nhằm ngăn hai con sông Amu Darya và Syr Darya để tưới nước cho các cánh đồng bông đã khiến biển Aral mất đi nguồn cung cấp nước chính, dẫn đến một cái chết tức tưởi.

Bức tử biển khơi

“Biển Aral không chết, nó đã bị bức tử”, ông Nazhbagin Musabaev - người đứng đầu khu vực Aralsk của Kazakhstan, đã thốt lên như thế với hãng tin BBC trong một ngày đầu năm 2007. Lúc đó ông Musabaev đang đứng ở thành phố Aral. Trước mặt ông, nơi ngày trước là biển, giờ là một hoang mạc khô cằn với những xác tàu phơi mình trong nắng.

Tai họa manh nha vào đầu thế kỷ 20, khi giới lãnh đạo Liên Xô muốn xây các đập nước lớn trên hai con sông đóng vai trò nguồn cung cấp nước chính cho biển Aral là Amu Darya và Syr Darya. Kế hoạch này nhằm phục vụ tưới tiêu cho vùng hoang mạc khô cằn xung quanh để trồng lúa, mì và đặc biệt là bông. Hồi đó, chính quyền Liên Xô coi bông vải là “vàng trắng” và muốn biến mặt hàng này thành ngành xuất khẩu chủ lực.

Với quyết tâm không gì lay chuyển của giới lãnh đạo Liên Xô, vào thập niên 40, hàng loạt đập nước đã được xây dựng. Kết quả của chương trình “dẫn thủy nhập điền” này là mỗi năm có từ 20 - 60 km3 nước được dẫn vào đồng, thay vì vào biển Aral. Được khích lệ bởi những cánh đồng bông tươi tốt, giới lãnh đạo lại đẩy mạnh việc xây dựng các công trình thủy lợi mà không hề màng tới số phận của biển Aral.

Ông Musabaev nhớ lại một cuộc họp của chính quyền Xô Viết tại Tashkent, thủ đô Uzbekistan, hồi thập niên 1960. Lúc đó, một vị thứ trưởng Bộ Tài nguyên nước và thủy lợi đã thuyết trình về kế hoạch đẩy mạnh sản xuất bông trong khu vực. Ông này nói chính quyền đã quyết định sẽ “lái” dòng chảy của hai con sông Amu Darya và Syr Darya để phục vụ cho các nông trường bông ở Kazakhstan và Uzbekistan. “Vậy thì biển Aral sẽ ra sao?”, một người nào đó hét lên. “Biển Aral ư? Nó sẽ chết êm ái”, vị thứ trưởng đáp nhẹ nhàng.

Aleksandr Asarin - một cán bộ của Viện Hydroproject chuyên nghiên cứu về đập nước và kênh đào, vào năm 1964 đã giải thích: “Đây là một phần trong kế hoạch 5 năm của Bộ Chính trị và Hội đồng Bộ trưởng. Không cấp dưới nào dám phản biện, dù đó là lời đấu tranh cho tương lai của biển Aral”. Vì thế, biển Aral đã chết, một cái chết không êm ái như lời ông thứ trưởng kia. Đó là một cái chết tức tưởi, tức tưởi như chính những người dân bao đời đánh cá trên biển đã dần trở thành những cư dân sa mạc. “Thời ấu thơ, tôi thường ra khơi đánh cá cùng cha và các anh, giờ thì con trai tôi lớn lên mà không thấy biển”, một cư dân tên Jalkasbai ở vùng Dzhambul nói với hãng tin BBC vào năm 2007.

Nếu như trước năm 1960, biển Aral có diện tích khoảng 68.000 km2 với khoảng 1.500 hòn đảo có diện tích mỗi hòn trên 1 héc-ta, thì hiện nó đã bị teo lại, biến thành nhiều hồ nước nhỏ. Diện tích “biển” vào năm 2007 chỉ bằng 10% diện tích ban đầu. Cư dân tại các thành phố biển ngày trước như Aral, Moynaq phải vượt qua hàng chục kilomet sa mạc mới tới được mép nước của các hồ còn sót lại. Các vùng đảo nhỏ ngày xưa giờ trở thành đồi cao, khô cằn với những tảng muối trắng, không cây cỏ. Ở các vùng biển còn lại, do nước bốc hơi nhiều nên độ mặn trở nên đậm đặc, không loài sinh vật nào sống nổi.

Trả giá

Để đẩy mạnh kế hoạch sản xuất bông xuất khẩu, giới lãnh đạo Liên Xô hồi đó đã bỏ qua các hệ quả nghiêm trọng mà người dân sống quanh biển Aral phải gánh chịu cùng những hậu quả khác đối với môi trường. Đó là ngành đánh cá từ hàng ngàn năm qua biến mất. Đó là hàng loạt loài sinh vật bị tuyệt diệt. Những nền văn hóa cổ xưa gắn liền với biển hồ cũng bốc hơi theo làn hơi nước biển Aral. Ngày trước, nhân vật Yedigei chỉ cần ra khỏi nhà là đã thấy biển. Còn các thế hệ sau đó ở Aral thì phải băng qua sa mạc mới tới được những vùng nước ít ỏi còn sót lại của biển Aral. Trên sa mạc, hàng loạt nghĩa địa tàu đã xuất hiện theo sau sự co lại của biển.

Giới lãnh đạo Liên Xô ngày trước, ở một chừng mực nào đó, đã thành công với các kế hoạch 5 năm nhằm đẩy mạnh sản xuất bông trong khu vực quanh biển Aral. Kết quả là

 
Biển Aral vào năm 1989 (trái) – khi đã “co” lại khá nhiều so với trước năm 1960, và gần như biến mất vào năm 2008 (phải) - Ảnh: NASA

Uzbekistan ngày nay nằm trong số những nước xuất khẩu bông lớn nhất thế giới. Nhưng hậu quả khôn lường đối với môi trường, mà người dân là nạn nhân đầu tiên, thì họ đã không lường được. Một ngành mũi nhọn là xuất khẩu bông ra đời, nhưng chỉ xét đơn thuần về lợi ích kinh tế thì không thể bù đắp được sự biến mất của nghề cá, ngành đóng tàu, các hoạt động cảng biển vốn từng sử dụng khoảng 60.000 lao động. Còn tổn thất về văn hóa, môi trường thì chẳng thể nào đong đếm được.

Trước khả năng biển Aral - mà thực ra bây giờ chỉ là những hồ nước nhỏ - sẽ biến mất trong khoảng 50 năm nữa, giới lãnh đạo các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế đã nhiều lần ngồi lại để tìm cách giải cứu. Nhiều dự án xây đập và kênh để dẫn nước vào Aral được đưa ra, nhưng hầu hết đều vô cùng tốn kém mà các nước trong khu vực như Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Tajikistan và Kyrgyzstan không kham nổi. Chẳng hạn, theo một nghiên cứu khoa học được công bố trên website Ecoworld.com, giải pháp dẫn nước từ các sông Volga, Ob và Irtysh phải mất khoảng 30 năm với kinh phí chừng 50 tỉ USD thì mới có thể đưa biển Aral trở về diện tích ban đầu.

Năm 2005, với nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới,  Kazakhstan đã có giải pháp của riêng mình để “cứu được chừng nào hay chừng ấy”. Họ xây một đập nước ngăn phần biển phía bắc, gọi là biển Bắc Aral, với các phần còn lại. Từ đó đến nay, vùng biển bắc đã có sự hồi sinh đáng kể. Nếu như trước năm 2005, người dân tại thành phố Aral phải đi 100 km mới tới biển thì hiện họ chỉ cần đi 12 km là tới. Trong vài năm nữa, biển sẽ nhích lại gần hơn, nhưng điều đó không có nghĩa biển Aral đã hồi sinh. Bởi phần biển bắc này, nếu được phục hồi lại tối đa, cũng chỉ chiếm chưa đầy 10% diện tích biển Aral nguyên thủy.

Bức tử những dòng sông, những cánh rừng, những ngọn đồi và biển cả là vấn đề của vài chục năm, thậm chí chỉ vài năm. Còn làm hồi sinh chúng là bài toán của cả thế hệ, thậm chí không bao giờ có thể. Đó cũng là bài học mà các quốc gia đang muốn khai thác tới mức cạn kiệt tài nguyên, chẳng hạn như các kế hoạch xây đập thủy điện ồ ạt trên sông Mekong gần đây, không thể xem nhẹ. 

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.