Nhân giỗ đầu cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Cảm nhận về anh Sáu Dân

30/05/2009 23:21 GMT+7

I. Nhiều người đã nói, đã viết về anh Sáu Dân, mỗi người có cảm nhận riêng, và cảm nhận của mọi người hoặc hầu hết mọi người đã gặp gỡ nhau, thống nhất với nhau. Tôi xin viết mấy điều cảm nhận của riêng mình về anh Sáu Dân. Mời nghe đọc bài

Dân và thực tế cuộc sống

Là một nhà lãnh đạo gần dân, thân dân, yêu dân, trọng dân, hầu dân, anh Sáu Dân có nét riêng là: sống cùng dân, với từng người, với mọi tầng lớp, với cả dân tộc, trong đó anh đặc biệt chú trọng 5 lớp người như sau:

- Những người nghèo khổ, thiệt thòi, đau thương nhất.

- Những người đứng đầu sóng, ngọn gió. Trong chiến tranh là người lính và người chỉ huy ngoài mặt trận, trong hòa bình là người lao động và doanh nhân ở những trọng điểm.

- Những người giàu sáng kiến và thành tựu, làm giàu, làm mạnh, làm đẹp cho đất nước.

- Những người trí thức giàu tâm huyết và tài năng, truyền bá kiến thức, kỹ năng và làm ra kiến thức, kỹ năng.

- Những người tưởng chừng khó đi cùng dân tộc, nhưng thực tế lại rất gắn bó, trung thành và hết lòng dâng hiến.

Anh Sáu Dân biết tắm mình trong dân, đó là tắm mình trong suối nguồn trong sạch, tươi trẻ và sáng suốt. Sống trong dân là sống trong thực tế cuộc sống. Thường xuyên như vậy. Lúc gặp khó khăn, nguy hiểm càng như vậy.  Trong chiến tranh cũng như trong thời bình, mỗi lần gặp thách thức, phải tìm giải pháp cho vấn đề nan giải, là anh Sáu Dân đến ngay nơi thách thức ấy, vấn đề ấy đang diễn ra nghiêm trọng nhất, cấp bách nhất. Đến đấy, gặp gỡ dân, giáp mặt với thực tế cuộc sống. 

Năng khiếu của anh Sáu Dân là: biết lắng nghe dân; học dân; phát hiện và tiếp thu sáng kiến của dân, từ nhìn nhận vấn đề, chủ trương xử lý, biện pháp thiết thực, cách làm cụ thể. Anh Sáu Dân không dừng ở chủ trương chung, đại thể, mà là con người của biện pháp và cách làm. Chính đó là một cội nguồn của tư duy: Vươn lên, xốc tới, tạo bứt phá.

Nhờ vậy mà trong đánh giặc cũng như trong đổi mới và phát triển đất nước, dần dần anh Sáu Dân tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm, trau dồi được trí tuệ và rèn luyện được bản lĩnh của một người lãnh đạo. 

Khi đã là một thành viên của cơ quan lãnh đạo cả nước, khi đã nhận trách nhiệm đứng đầu Chính phủ, phải có tầm nhìn và bản lĩnh quốc tế, anh Sáu Dân tiếp tục tự rèn luyện qua từng trải bao sự kiện, xử lý bao tình huống, đương đầu bao thử thách, khắc phục bao trở ngại, vượt qua bao khúc quanh, tiến hành bao công việc. Anh Sáu Dân có suy ngẫm qua đọc tài liệu, sách báo, tin tức, song chủ yếu vẫn là lắng nghe dân, lắng nghe con người. Điều mới là ở cương vị đứng đầu Chính phủ, anh Sáu Dân có nhiều dịp gặp gỡ những chuyên gia giỏi trên nhiều lĩnh vực là người Việt Nam và người nước ngoài, gặp gỡ những người đứng đầu Chính phủ nhiều nước, từ những hội nghị quốc tế lớn đến những cuộc tiếp xúc cá nhân với từng người.

Anh Sáu Dân đã biết lắng nghe, học hỏi, thu hoạch, cả về những điều hay đáng học và về những điều dở, đáng trách. 

Lý luận và khoa học, công nghệ

Anh Sáu Dân không sính lý luận, nhưng không coi thường lý luận. Vấn đề là lý luận thế nào? Lý luận hàn lâm xa lạ khó vào anh Sáu Dân, đặc biệt đối với cái gọi là “lý luận” mà kinh viện, giáo điều thì anh Sáu Dân rất dị ứng. Lý luận mà anh Sáu Dân quan tâm và chịu lắng nghe là lý luận định hướng thiết thực về đời sống của dân, về công việc của Nhà nước.

Về khoa học và công nghệ, anh Sáu Dân qua trải nghiệm trong công việc mà hiểu rằng cách mạng khoa học công nghệ của loài người đang tiến triển nhanh chóng và sâu rộng, trong khi ở nước ta, khoa học và công nghệ đã yếu kém lại chưa được sử dụng bao nhiêu.

Anh Sáu Dân ngày càng coi trọng và lắng nghe các chuyên gia, ngày càng biết chọn và biết dùng khoa học và công nghệ. 

Hai nét phong cách của người lãnh đạo

- Anh Sáu Dân là người biết hằng ngày dành cho mình đủ thời gian riêng để suy ngẫm mọi điều, cân nhắc phương án hành động, hình thành chủ kiến, lựa chọn cách làm, chuẩn bị chiến đấu. Đó là thời gian không đồng sự, không chuyên gia, không tham mưu, không thư ký, không công việc, không hội nghị, không công văn, không điện thoại, không thư từ, không nghe phát thanh, không xem truyền hình. Chỉ có mình với mình thôi. Người nào không có hoặc thiếu thời gian riêng của bản thân, thì khó có chủ kiến có giá trị.

Là người làm việc hết mình, anh Sáu Dân cũng là người biết nghỉ ngơi, biết tận hưởng những sự giải trí lành mạnh và bổ ích, biết say mê những môn thể dục, thể thao hợp lứa tuổi.

- Anh Sáu Dân là người luôn tìm cái mới, mạnh dạn làm  ái mới, đồng thời là người rất  kỷ luật.

Trong Đảng và trong Nhà nước, khi ý kiến của mình không được chấp nhận hoặc thuộc thiểu số, thì anh Sáu Dân phục tùng đa số một cách nghiêm chỉnh. Và tìm cách, tìm dịp để theo đúng kỷ luật của tổ chức, cùng nhau bàn luận nữa, thuyết phục nhau nữa.

Người lãnh đạo đầy cá tính mạnh mẽ và quyết đoán ấy rất biết nhẫn nhịn. 

II.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm cán bộ và công nhân thi công đường dây 500KV Bắc Nam, đoạn Hà Tĩnh - Đắk Lây (tháng 5.1993) - ảnh: tư liệu TTXVN

Ở anh Sáu Dân nhân cách luôn luôn nhất quán, nhà chính khách vẫn giản dị đời thường và con người đời thường vẫn toát lên bản lĩnh của nhà chính khách.  Có một tình tiết mà ai tiếp xúc nhiều lần có thể thấy rõ: khi anh Sáu Dân nói vo, thường hay hơn nhiều so với khi anh đọc một bài viết sẵn, dẫu anh đã có giọng đọc truyền cảm. Anh em thân thiết thường nói với anh rằng: Anh đọc thì là Võ Văn Kiệt, mà anh nói thì là Sáu Dân. 

Tôi nhớ lại một vài khoảnh  khắc Sáu Dân mà tôi có  may mắn được tham dự hoặc chứng kiến: Lần ấy, anh Sáu Dân vừa nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch nhà nước chưa được bao lâu; một buổi sáng trong căn nhà bên bờ Hồ Tây, anh nghe Viện Quản lý kinh tế Trung ương trình bày quan điểm làm kế hoạch không phải là công việc trên kiến trúc thượng tầng của cơ quan nhà nước qua các hội nghị của quan chức và công chức, tại các bàn giấy với giấy bút và thước tính (khi đó ở nước ta chưa sử dụng rộng rãi máy tính điện tử) để lập cân đối, định chỉ tiêu, vạch biện pháp, chia nguồn lực; mà là công việc ở cơ sở hạ tầng, cùng với các hộ gia đình, các tổ sản xuất, các loại doanh nghiệp. Anh Sáu Dân chỉ nói: “Làm kế hoạch đúng là việc làm của dân và cùng với dân trong thực tế đời sống”.

Tôi được chứng kiến những lần anh Sáu Dân đến báo cáo với Tổng bí thư Lê Duẩn, với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, những bậc đàn anh về cả tuổi đời, tuổi cách mạng, kiến thức và kinh nghiệm, mà anh kính phục và quý trọng. Những cuộc gặp như thế, từ thái độ, cử chỉ, giọng nói đến nội dung trình bày giúp soi tỏ nhân cách của người báo cáo. Anh Sáu Dân không bao giờ có sự lựa chiều đón ý, mà luôn luôn chân thành, thẳng thắn, có chủ kiến của mình và tôn trọng quyết định của cấp trên.

Anh Lê Duẩn đặc biệt ghi nhận cống hiến của anh Sáu Dân trong kháng chiến chống Mỹ ở khu 9 và ở Sài Gòn. Sau ngày giải phóng miền Nam, anh Lê Duẩn thường nói với mấy người giúp việc thân thiết của mình: “Sáu Dân dám nghĩ, dám làm, có sáng kiến và nói thật, đáng tin cậy”. 

 Nhiều lần anh Sáu Dân nhắc lại đầy hứng khởi câu chuyện các vị nhân sĩ, trí thức từ Sài Gòn ra chiến khu thời chống Mỹ, lần đầu tiên được mục kích cuộc họp ở R của các cán bộ kháng chiến, rất lạ lùng và thích thú khi thấy cuộc tranh luận sôi nổi đến ồn ào, gay gắt, có lúc như cãi lộn, vậy mà vừa tan họp mọi người lại quây quần quanh mấy chén trà, thân thiết chan hòa, vui nhộn và đầm ấm. Anh Sáu Dân thường nói thêm một câu: “Đó là phẩm chất thương yêu nhau của những người cùng chí hướng vì dân, vì nước”.

Nhiều lần anh Sáu Dân say sưa nói về những điểm sáng, những việc làm hay và đẹp của dân ta trên mọi miền đất nước: Cô chủ trang trại tuổi ba mươi tạo ba nghìn công ăn việc làm cho bà con lập nghiệp trên vùng quê từng xơ xác tiêu điều; chàng doanh nhân tuổi ba mươi từ tay trắng dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam nổi danh châu Á và thế giới; người cán bộ chống bọn phá rừng đụng độ với trùng trùng ngành, cấp, bị khai trừ khỏi Đảng, cuối cùng chiến thắng sau nhiều năm cay đắng đọa đầy; cô gái khuyết tật khổ luyện trên xe lăn đem huy chương vàng điền kinh quốc tế về cho mình, cho gia đình và cho đất nước; người thương binh sau hòa bình lặn lội góc suối ven rừng tìm đưa xương cốt đồng đội về cho mẹ yếu cha già; bà ve chai tần tảo sớm khuya gom góp nước mắt mồ hôi cưu mang nuôi dạy hàng chục cháu mồ côi cơ nhỡ...

***

Kia, rất gần chúng ta, anh Sáu Dân với nụ cười rạng rỡ rất tự nhiên với bàn tay cởi mở hòa đồng, với bao khát vọng vừa sâu lắng vừa sôi nổi, với dáng người hào hoa nghệ sĩ, đang đi đến và sắp nắm bàn tay chúng ta. 

 Trần Việt Phương
(Nguyên Thư ký  Thủ tướng Phạm Văn Đồng)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.