Săn ảnh trên đường du lịch bụi

30/05/2009 12:06 GMT+7

Chỉ để lại những dấu chân và mang về không gì khác ngoài những bức ảnh, đó là câu nói nằm lòng với nhiều người trẻ đam mê xê dịch. Làm sao để có những bức ảnh ưng ý ghi lại sâu đậm ký ức chuyến đi luôn là mục tiêu khiến dân du lịch bụi đau đáu trong lòng.

Trên các diễn đàn du lịch, những chủ đề về ảnh luôn được làm nóng, bởi sau một chuyến đi không có gì thú vị hơn là khoe ảnh mà các thành viên nói vui là nơi “show hàng”, trao đổi kỹ thuật chụp ảnh...

Đủ cỡ “súng ống”

Thắng, một bạn trẻ làm nghề PR, cho biết: “Có lẽ ai cũng quen với thực tế đến một nơi nào đó có cảnh vật ưng ý, ruộng bậc thang ở Tây Bắc chẳng hạn, là mọi người dừng xe lại, lôi máy ra và dàn hàng chụp ảnh”. Cố đô Luang Prabang (Lào) là một điểm đến yêu thích của dân ta balô, mà đã đến đây thì tiết mục không thể thiếu là trèo lên đồi để ngắm, chụp ảnh hoàng hôn rực rỡ với dòng Mekong. Dân cư ở đây không lạ gì cảnh nhiều người chen chúc nhau chọn chỗ đẹp mỗi chiều để “bắn”.

Chưa bao giờ phong trào chơi ảnh trong dân ta balô lại sôi động đến thế. Nhà nhà đua nhau sắm “súng ống” (máy ảnh), có những bộ giá cả mấy chục triệu đồng. Nhiều người mang theo tới hai, ba máy. Thủy, một ta balô ở Hà Nội, cho biết: “Tôi luôn mang theo hai máy. Một máy “prồ” (chuyên nghiệp) với ống kính lớn và một “bao thuốc lá” (máy ảnh nhỏ nghiệp dư). Máy nhỏ luôn để sẵn, cần gì lôi ra chụp ngay tức khắc. Còn máy lớn thì dành cho những khi nổi máu sáng tác”.

Nhưng cũng có người như Hoàng, một giảng viên đại học, lại chỉ thích chơi những “bao thuốc lá”: “Đi du lịch bụi là phải thoải mái gọn gàng nên tôi chỉ mang hai máy nhỏ. Điều quan trọng nhất với tôi là máy phải có tốc độ chụp thật nhanh”. “Chụp máy đắt tiền thường phải o bế che mưa che nắng rất vất vả. Tôi cứ máy nhỏ mà chơi, có gì cũng đỡ tiếc - một bạn khác nói - Nhưng tôi đang để dành tiền mua loại máy “nồi đồng cối đá” có thể chịu được cát và nước, để đi du lịch bụi cho thoải mái”.

Chụp nhiều trước khi nâng cấp máy

Máy móc thế nào thì cái đích cuối cùng vẫn là có những bức ảnh thật ưng ý. “Mà cái này lại tùy thuộc bàn tay và đôi mắt cảm nhận của từng người - một ta balô cho biết và nói thêm - Đa số máy ảnh bây giờ rất hiện đại và có thể thỏa mãn số đông. Khi chụp nhiều, chụp quen tay rồi thì bạn mới nâng “level” (cấp độ) máy lên”.

Vào các diễn đàn du lịch như Việt Du, box du lịch của ttvnol.com..., bạn sẽ được dân du lịch bụi truyền cho những “bí kíp” chụp ảnh cũng như kinh nghiệm thực tế. Trong cùng một nhóm cũng có những cách chơi ảnh rất khác nhau. Có những cô gái chỉ thích chụp ảnh đặc tả hoa và cỏ, có những bạn lại chỉ thích chụp trẻ em. Có những bạn thích chụp theo nhóm cho cùng một chủ đề để đua tranh với nhau, nhưng cũng có những người chỉ thích tách riêng ra đi thơ thẩn săn ảnh “độc”. Cũng từ so sánh ảnh trong các diễn đàn trên, bạn sẽ thấy mình đang ở “level” nào, sở thích, nhu cầu chơi ảnh của bạn ở tầm nào để sắm máy cho phù hợp.

“Điều quan trọng đối với tôi là chộp được cảnh đẹp, khoảnh khắc đáng nhớ đó để thành kỷ niệm của riêng mình mà lưu giữ mãi mãi” - Thắng chia sẻ quan điểm của mình.

Chụp ảnh “độc” bằng máy thường

Bức ảnh xe đạp này được nhiều bạn trên diễn đàn phuot.com yêu thích - Ảnh: Tiny

Chiếc máy ảnh kỹ thuật số của bạn loại bình thường vẫn có thể chụp những bức ảnh đẹp. Những bức ảnh ngẫu hứng chú trọng vào tính tự nhiên hơn là kỹ thuật.

Luôn cầm sẵn máy ảnh trên tay: những hình ảnh tự nhiên sống động luôn có thể tìm thấy bất cứ nơi đâu vào bất cứ lúc nào.

Một số ví dụ để tập chụp ảnh tự nhiên: một chị bán hàng rong đang mơ màng, hành khách đợi lên xe đò, hai người chuẩn bị hôn nhau, một cơn gió đột ngột và lá thu rơi ào ào...

Không có lần thứ hai: khi có cơ hội hãy chụp ngay.

Không dùng kỹ thuật ánh sáng phức tạp: để máy ở chế độ tự động. Những bức ảnh tự nhiên đẹp nhất thường lại không quan tâm lắm tới kỹ thuật. Nhiều lỗi về ánh sáng có thể sửa lại bằng các phần mềm.

Đặt ISO 400 để chụp nhanh: bạn có thể chụp ngay cả khi đang bước đi.

Chụp người đang hoạt động khiến bức ảnh tự nhiên: vận động viên, người buôn bán, nông dân... đang làm việc là những ví dụ tốt.

Đừng quên chụp chi tiết: chụp chi tiết người hay sự vật nhiều khi lại hấp dẫn hơn chụp toàn cảnh.

Chụp nhiều góc độ khác nhau: đừng chỉ chụp một kiểu thẳng từ phía trước, ngang với tầm mắt. Đi tới đi lui, xung quanh để có góc ảnh đẹp. Bạn có thể thấy ánh sáng tốt hơn cho bức ảnh nếu bạn bước lệch sang trái chừng 10cm và hạ máy xuống chừng 15cm.

Trải nghiệm: chụp nhiều sẽ quen dần. Xem ảnh trên các tạp chí để lấy cảm hứng.

Thành Vinh
(tổng hợp từ All About Digital Cameras)

Theo Vũ Thanh Bình (Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.