Nhộn nhịp cho vay chứng khoán

18/05/2009 22:01 GMT+7

VN-Index liên tục đi lên, nhu cầu quay vòng vốn nhanh của các nhà đầu tư đang tăng cao đã thúc đẩy dịch vụ cho vay cầm cố chứng khoán và ứng trước tiền bán chứng khoán hoạt động nhộn nhịp.

Đòn bẩy tài chính

Trái ngược với không khí của mấy tháng đầu năm, ngay từ đầu tháng 4 đến nay, dịch vụ cho vay cầm cố chứng khoán (CK) của các ngân hàng thông qua công ty chứng khoán (CTCK) đã thu hút được nhiều nhà đầu tư (NĐT). Đầu tháng 5, CTCK Quốc tế (VIS) đã phối hợp với Eximbank và Ngân hàng Liên Việt triển khai dịch vụ cầm cố CK niêm yết trên cả hai sàn. Thời hạn cầm cố tối đa là 3 tháng, lãi vay 0,833%/tháng, mức cho vay tối đa lên đến 50%/thị giá CK; trị giá tối thiểu một hợp đồng vay là 30 triệu đồng. CTCK Beta phối hợp với Ngân hàng Nam Á và Liên Việt triển khai dịch vụ này với nguồn vốn dự kiến là 300 tỉ đồng... Ông Phạm Linh - Tổng giám đốc CTCK Quốc tế - cho biết công ty vẫn thực hiện dịch vụ này kể cả khi thị trường trầm lắng. Tuy nhiên vào thời điểm đó, hầu như NĐT không quan tâm. Hiện nay do thị trường sôi động trở lại nên NĐT đã quan tâm đến dịch vụ này nhiều hơn.

Lãi suất cho vay cầm cố CK của các ngân hàng hiện nay (thông qua trung gian là các CTCK) phổ biến vẫn ở mức từ 0,83 - 1%/tháng (tương đương mức từ 9,96 - 12%/năm). Mức cho vay từ 30 - 40%/thị giá, giới hạn ở một số cổ phiếu (CP) có tính thanh khoản cao trên hai sàn niêm yết; thời hạn cho vay từ 3 - 6 tháng. Ngoài ra, dịch vụ repo CP (giao dịch kỳ hạn CP) cũng đang được các ngân hàng và CTCK thực hiện nhưng không được rộng rãi, chỉ áp dụng cho các CP có tính thanh khoản tốt trên thị trường OTC như Eximbank, Ngân hàng Quân đội... Lãi suất repo cũng tương đương như cho vay cầm cố CK. Dù số lượng NĐT sử dụng dịch vụ vay cầm cố CK gia tăng nhưng theo nhiều CTCK, so với giai đoạn năm 2007 khi VN-Index còn ở đỉnh cao với mức 1.000 điểm, hiện nay NĐT sử dụng vốn vay thận trọng hơn. Ông Phạm Linh cho rằng NĐT hiện nay chú trọng sử dụng nguồn vốn tự có của mình để không phải chịu áp lực trả nợ ngân hàng trong trường hợp thị trường giảm mạnh. Theo ông Trương Duy Khiêm - Giám đốc chi nhánh Lê Ngô Cát CTCK Á Châu - các NĐT vẫn còn nhớ hậu quả và bài học khi sử dụng vốn vay ngân hàng để "bơm nhồi" vào thị trường chứng khoán hồi năm 2007. "Hiện chỉ có một số rất ít NĐT mạnh tay vay vốn để đầu tư, diễn biến thị trường hiện nay có thể giúp họ trong vài tuần đã thu được lợi nhuận khá cao. Tuy nhiên đa số NĐT cũng đã cẩn trọng và bản thân các ngân hàng khi cho vay cầm cố CK cũng siết chặt về điều kiện, thủ tục vay...", ông Khiêm nói.

Dịch vụ tài chính được hầu hết các NĐT hiện nay sử dụng là dịch vụ ứng trước tiền bán CK, đây cũng là một đòn bẩy tài chính để rút ngắn thời gian thanh toán T+3. Tất nhiên mức lãi suất ứng trước tiền bán CK sẽ cao hơn lãi suất cho vay cầm cố CK vì thời gian được tính theo ngày. Ví dụ tại CTCK Kim Eng, Eximbank cho vay cầm cố CK với lãi suất 0,833%/tháng (tương ứng 9,995%/năm) nhưng cho vay ứng trước tiền bán CK với lãi suất 0,038%/ngày (tương ứng 13,87%/năm); lãi suất ứng trước tại CTCK Sài Gòn là 0,029%/ngày (tương ứng 10,58%/năm)...

Cần cẩn trọng

Đối với các NĐT, lãi suất ứng trước tiền bán CK được xem là có thể chấp nhận được. Bản thân ngân hàng cũng không sợ bị NĐT xù nợ vì chắc chắn tiền sẽ có ngay trong tài khoản sau 3 ngày. Riêng việc cho vay cầm cố CK thì rủi ro cao hơn nên đang được các ngân hàng siết chặt hơn. Hầu hết các ngân hàng và CTCK khi phối hợp với nhau đều cùng xem xét đưa ra danh mục CP cho vay, danh mục này được cập nhật hằng tuần, thậm chí hằng ngày. Các ngân hàng có lẽ cũng chưa quên áp lực giải chấp danh mục CP cho vay hồi đầu năm 2008 khi thị trường chứng khoán bắt đầu tụt dốc không phanh. Tuy nhiên điều này không khiến các ngân hàng phải đóng cửa dịch vụ này bởi với tình hình hiện nay, dịch vụ này có tính an toàn cao hơn. Hầu như các ngân hàng hiện nay không cho vay trên mức 50% thị giá CP trong khi trước đây có lúc mức cho vay lên đến 70% thị giá CP. Nhiều ngân hàng cũng đã đưa ra tỷ lệ cảnh báo và xử lý CP cầm cố cụ thể và chi tiết hơn theo diễn biến của thị trường.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) hiện đang yêu cầu các CTCK báo cáo về số lượng hợp đồng giao dịch repo CP cũng như nguồn vốn để thực hiện repo và quy trình thực hiện, quản lý rủi ro đối với hoạt động này. Báo cáo chi tiết này phải gửi về UBCKNN trước ngày 29.5. Theo ông Phạm Linh, có thể hiểu việc yêu cầu phải báo cáo hoạt động repo của UBCKNN là nhằm nhắc nhở các CTCK phải cẩn trọng hơn khi áp dụng dịch vụ này để tránh rủi ro, hạn chế tác động lên thị trường khi diễn biến không thuận lợi như thời gian qua. Tổng giám đốc một CTCK tại TP.HCM nhận định: bài học cay đắng cho tất cả các đối tượng tham gia TTCK từ ngân hàng, đến CTCK và NĐT trong thời gian qua vẫn còn đó. Vì vậy rất khó có chuyện NĐT ồ ạt đi vay cầm cố bằng CP để giao dịch trên thị trường mà họ phải có sự tính toán và cân nhắc kỹ hơn rất nhiều.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.