"Người đàn bà của tôi" - Truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ

16/05/2009 16:32 GMT+7

Tôi là hàng xóm của chị gần chục năm trời. Ngày chị dọn đến ở, tôi có qua giúp. Chị ngồi phịch giữa phòng với bốn đứa con vây quanh. Tóc tai lết bết mồ hôi, đôi mắt vô hồn, khuôn mặt phờ phạc. Hai thằng con trai chí chóe liên hồi và hai đứa con gái phụng phịu hờn lẫy. Tôi đứng ngoài bậc cửa nửa muốn bước tới hỏi han nửa muốn quay lui. Chân thì chùng chình mà lòng rất đắn đo nên chỉ đứng yên. Nhìn. Là những cảm giác như thế vào giây phút đầu tiên chị bước chân vào đời tôi. Nghe đọc truyện

Đồ đạc mẹ con chị chẳng có gì ngoài quá chừng sách. Những quyển sách đầy ứ cả mấy bao tải. Tôi đọc được những cái tên lạ. Chị bảo rằng sách dịch xuất bản nhiều năm trước. Khi nào rảnh cứ qua lấy đọc. Chị dư sách nhưng lại thiếu xô, chậu, dây phơi và vô số thứ. Tôi hì hục thu xếp, dọn dẹp cùng chị. Cả trong căn phòng nhỏ. Cả ngoài vườn. Chị nhìn sự sạch sẽ, thoáng đãng bao quanh, có vẻ hài lòng:

- Chị mướn cái nhà này cũng vì cái vườn.

- Dạ...

- Con chị đông. Phòng ở chật, tối. Có chút đất cát cho tụi nhỏ chạy nhảy. Mà chị cũng có chỗ cựa quậy.

- Cựa quậy gì hả chị?

- Thì cựa quậy mắt khi nhìn. Cựa quậy tai khi nghe. Cựa quậy chân khi bước và cựa quậy lòng khi buồn. Chuyện đàn bà ý mà.

Nói đến đó mắt chị tối sầm. Chị có một đôi mắt rất đẹp. Màu xám tro với những tia nhìn rất dữ. Tia nhìn ấy cứ chốc chốc lại lóe lên, sáng rực.

***

Trưa đó, tôi ngồi bệt trên nền nhà vừa lau, ăn bún mắm nêm với mẹ con chị. Chị chia mắm ra hai chén. Một chén không ớt cho tụi nhỏ và một chén ớt nhiều cho hai chị em. Thứ ớt hiểm xanh bác Sa trồng đầy vườn, ăn quanh năm giáp tháng cũng chẳng hết.

Chị nói chị tên Lan. Nguyễn Thị Lan. Tôi nói em gọi chị là Dã Lan nghe. Chị nói cũng được. Cho nó bớt trần trụi. Cho nó thơ thơ một chút ý mà. Bác Sa đứng ngoài cửa sổ la lên: “Khô khốc vậy sao tụi nhỏ nuốt nổi?”. Chị dà dạ và cười cười. Hình như bốn đứa con chị đã quá quen với kiểu ăn khổ thế này. Vì thấy tụi nó có vẻ rất ngon miệng. Một hơi bay vèo cả rổ bún. Nhìn sức ăn của bốn đứa tôi hiểu được những vất vả của chị. Và thương.

Chị đang đi học. Chị nói cũng phải lấy cho xong cái bằng ngoại thương để dễ có việc làm ổn định. “Chứ thấy bấp bênh quá, ông bạn”. Chị gọi tôi như vậy đó: ông bạn. Dù tôi đang còn rất trẻ và chị đã biết tên. Các con chị gọi tôi theo những người trong xóm: “Chú Út”. Tôi thích cả hai cách.

Chị học vào lúc nào chẳng rõ. Chỉ thấy độ ba giờ sáng đã nghe tiếng Chaly nổ máy. Thằng Hoàng nói mẹ bán cà phê ở ga xe lửa. Khoảng trên sáu giờ chị về, lo cho các con ăn uống, đến trường rồi lặn luôn một hơi tới trưa. Đầu giờ chiều cũng vậy.

Tôi thường có cảm giác buồn, trống khi bên đó thiếu tiếng người, nhất là vắng bóng chị vào ra. Tối, trước bảy giờ chị lại đi. Cái Hậu bảo mẹ đến quán của người bạn. Tôi đã hỏi chị vào một trưa ngồi dưới gốc khế nhìn chị giặt đồ.

- Sao tò mò thế ông bạn?

- Thì tại còn trẻ mà.

- Trẻ là phải vậy à?

- Thì cũng thỉnh thoảng...

- Ừ... Có gì đâu, bạn chị mở quán nhậu. Nó trụ từ bốn giờ, sau đó chị đến thay.

- Đỡ không chị?

- Thu nhập hả? Quá đỡ chứ. Thì em thấy đó. Tất cả nhà chị trông vào đó.

- Còn cái quán cóc ở ga?

- Có đáng gì. Bán cho vui, được đồng nào hay đồng nấy. Hôm nào dậy sớm, ra ga, chị pha cho một ly đặc quánh. Cho biết thế nào là xây xẩm suốt ngày.

Trưa đó, tôi thay thằng Hoàng xách nước cho chị xả quần áo. Chị khúc khích: “Ối trời, đỡ quá. Chị xả mười lượt thôi, ông bạn nhé!”.

Chị bảo không phải không tự làm được việc ấy nhưng muốn tập cho con quen giúp đỡ mẹ và biết quan tâm tới gia đình chứ không như bố nó.

 Giọng chị buồn và buổi trưa cũng tắt ngang niềm vui rất bé vừa nhen lên trong lòng tôi. Người đàn ông của đời chị. Bố của các con chị. Là ai? Và ông ấy thế nào? Những câu hỏi làm giấc ngủ tôi chập chờn...

***

Luẩn quẩn ở ga khá lâu, tôi mới tìm ra chị. Có bao nhiêu là quán cóc xíu xiu như quán của chị ở nơi này. Một cái tủ nhỏ với vài gói thuốc, mấy ấm trà, vài cái phin, hai cái bàn xếp, dăm bảy cái ghế đẩu. Khi nhận ra chị, tôi không đến ngay mà cứ đứng chôn chân tại chỗ, ngắm nhìn. Chị vừa giống như rất nhiều người đang bán buôn ở cái nhà ga này mà vừa như không giống. Không cùng chung, không chan hòa, không nhòa lẫn. Bất giác, lòng tôi nhoi nhói.

Chị mừng lắm khi thấy tôi lững thững bước lại, vội kéo ghế sát bếp, đon đả:

- Chị không ngờ đâu, ông bạn. Trời đang rét thế này mà dám ra đây phơi sương. Uống nhé!

- Vâng ạ. Một ly thật quánh. Cho say luôn.

- Để chị làm hai cốc. Uống với ông bạn luôn thể. Cũng vãn khách rồi.

Chị có cách uống hết sức nỗi niềm. Ôm gọn cốc cà phê nóng trên tay, nghiêng đầu ngó lửa và tư lự hằng mấy phút liền mới nhấp một ngụm. Từng ngụm, từng ngụm nhỏ cho đến khi hết mới thôi.

Chị bảo chị yêu những buổi sớm ở đây. Chị ưa nhìn những con tàu đi qua. Ưa hơn những con tàu không dừng lại. Không dừng lại nghĩa là không có sự sum vầy. Không có sum vầy thì đâu thể có chia ly. Đúng không, ông bạn? Nom chị buồn lạ. 

Chị bảo vừa ly dị chồng. Chị không đem theo gì cả khi rời ngôi nhà ấy ngoài bốn đứa con và rất nhiều sách vở. Chồng chị chê chị vụng, đoảng, không biết kiếm tiền như rất nhiều phụ nữ giỏi giang khác nên bắt các con phải ăn khổ, sống cực. Tòa bảo phải chia tài sản. Chồng chị gân cổ cãi: “Cô ấy nuôi thân còn chưa rồi. Cái nhà là do tôi tạo ra. Cứ như cô ấy, cái lều cho cả gia đình chui rúc cũng còn không có nữa là. Nhà của tôi. Cớ gì tôi lại phải cưa đôi chứ!”. Tòa phản đối: “Nhưng tất cả các con anh đều đòi sống với mẹ. Anh phải tạo điều kiện cho cô ấy lo chỗ ở cho tụi nhỏ!”. Chị lên tiếng: “Tôi không thích chia. Không thích ông ấy phải trợ cấp. Mẹ con tôi sẽ lo cho nhau được”. Vậy mà dằng dai mãi mới xong thủ tục. Mẹ con chị ra đi vào buổi sớm thì buổi chiều chồng chị đưa người yêu về sống. Họ đã lén lút quan hệ với nhau từ rất lâu. “Có là gì đâu, ông bạn!”. Tôi gật gù: “Ờ, có là gì!”.

Chị bảo ra ga uống cà phê với chị thì được nhưng cấm vào quán nhậu của bạn chị. Tôi sửng cồ: “Thì cứ xem em như khách. Vào uống chai bia không được à?”. Chị nghiêm mặt: “Không. Ở đó phức tạp lắm. Chị xin nhé, ông bạn”.

***

Buổi tối, tôi hay sang phòng chị để nhắc tụi nhỏ học hành. Các con chị ngoan lạ. Ngoan đến kinh ngạc. Từ thằng Hoàng con đầu vừa lên cấp hai đến bé Tiên, út ít. Tiên cũng có tật nũng nịu, vòi vĩnh mẹ nhưng vẫn rất ngoan so với con cái người ta. Khuya nào Tiên cũng bắt mẹ kể chuyện con khỉ. Chị kể hoài khiến tôi thuộc làu.

Đó chẳng phải chuyện cổ tích cũng chẳng phải chuyện đời thường. Có những chú còng biển. Những cọng cỏ lông chông. Một cái đảo ở rất xa với nước bao quanh xanh ngăn ngắt. Và mẹ con nhà khỉ với khỉ con tính ương chướng như... Tiên và khỉ mẹ oái oăm như... mẹ Tiên vậy. Tuy vậy họ rất thương nhau. Thường hễ đến chỗ này là Tiên đã díp mắt ngủ và câu chuyện dừng lại nên chẳng ai rõ cái khúc đuôi thế nào.

Có lần tôi hỏi, chị tần ngần trả lời: “Biết để làm gì, ông bạn. Không biết lại hay hơn”.

Thằng Hoàng luôn nhắc hai đứa em đánh răng xong mới được lên giường. Phần nó, xách nước đổ đầy cái lu trước cửa phòng, bảo: “Để sáng sớm mẹ không phải khua gàu múc nước. Sợ ồn bà mắng, bà không cho mẹ con ở nữa”.

Nghe Hoàng nói, người tôi nhột nhạt và mắt chị nhòa buồn.

Hiếm có tối nào chị trở về từ quán nhậu mà không loáng thoáng mùi rượu bia. Chị bảo tại khách mời. Phải tìm cách từ chối chứ không thì đêm nào cũng say.

Tôi thích cách chị dừng xe trước cổng, tắt máy và dắt bộ vào nhà. Bóng chị xiêu xiêu chui chúi. Cúi xuống khi ngang qua dưới tàn sứ và băng vội qua những gốc cà. Nom chị thật lầm lụi và gợi lên rất nhiều thương cảm.

Chị hay gội đầu đêm. Tóc chị cắt cụt ngủn. Chị bảo: “Hồi trước kiểu tóc tém này là hot đó. Tóc ngắn thế này chỉ cần ngồi trước gió ngả đầu qua, nghiêng đầu lại một chút là khô ngay”.

Tùy theo giọng kể của chị, tôi biết được quán hôm nay có khách hay không, khách uống nhiều bia hay ít, khách dễ chịu hay khó thương... Mùa nắng hàng họ thường rất đắt. Chị vui nhiều nhưng ốm hẳn. Còn mùa mưa... Tôi thương quá hình ảnh chị trùm kín người trong cái áo mưa cánh dơi, dắt xe qua cổng, bước ngập ngừng. Chị hay đứng trước cửa phòng, rũ áo, rút cái khăn móc gần đó lau mặt, chùi chân rất kỹ rồi mới thò đầu vào nhăn nhở: “Bia... ế đây. Mồi... ế đây! Quán... ế đây. Nhưng mẹ... không ế!”.

Bọn trẻ chạy ùa ra, ôm chầm mẹ. Chị vòng tay ôm hết bốn đứa vào lòng và mẹ con cùng reo lên: “Quán ế đây. Mẹ không ế! Quán ế đây. Mẹ không ế! Mẹ không ế!...”.

Tôi lặng người trước cảnh này và cứ ước sao mưa hãy trôi, trôi mãi vào đêm cho sớm mai trời hanh khô, tạnh ráo. Nắng, cho chị khỏi trùm áo cánh dơi ướt lướt thướt ở quán về và cất tiếng gọi con bằng những câu rất cũ và rất buồn...

***

Một hôm cũng phải gần mười một giờ khuya, tôi định cài cửa đi ngủ thì thằng Hoàng bước sấp, bước ngửa chạy sang: “Chú Út ơi, sao giờ mà mẹ chưa về? Bé Tiên khóc quá. Chú đi kiếm mẹ giùm, chú nhé!”.

Tôi tới quán, gặp cô giúp việc. “May quá, có anh. Cô Lan say lắm. Hôm nay sao lạ quá chớ mọi ngày có vậy đâu”. Tôi vọt xe rất nhanh theo hướng tay cô chỉ và chẳng mấy chốc đã thấy chị trước mặt. Chị chạy xe rất ổn và nom tỉnh queo. Bởi vậy tôi bỏ ý định đưa chị về.

Đường vắng hoe khiến màu trắng của chiếc Chaly và màu vàng tươi chiếc áo chị mặc thêm nổi bật. Đêm nhẹ nhàng và thanh khiết quá. Giá mà được như thế này mãi. Một sự tách rời. Một dõi nhìn lại khiến lòng thật vui.

Đến một khúc cua, chiếc Chaly bỗng khựng lại. Tôi thấy chị xuống xe, gạt chống chân và ngồi thụp xuống đất, loay hoay. Xe chị bị hỏng. Cái Chaly của chị máy móc rệu rạo cả. Tôi đã bao lần nhắc chị phải thay cái này, sửa cái khác mà chị cứ phó mặc. Đang định phóng xe tới giúp, tôi sững người lại.

Không tưởng được! Bằng tất cả sức bình sinh, chị rút phăng cái xích xe đã đứt ra, đứng bật dậy rồi quay. Chị quay như múa. Những vòng quay dịu dàng và điên đảo, thư thả và tới tấp...  Bóng chị nhóa nhòa, xiêu vẹo, sấp nghiêng đổ tràn lên mặt đường... Rồi chị vắt nó hờ hững lên vai và nghênh ngang bước.

Bây giờ thì tôi hết trông đêm dài, hết trông đường xa ngái, chỉ thầm mong chị nhớ được lối về. Chị dắt Chaly lầm lụi bước và tôi cắn chặt răng kềm cảm xúc, để không chạy ùa lại với chị, để không và không...

Chân run, lòng rối và cái xe sao quá nặng khiến tôi lảo đảo muốn ngã quỵ bao lần. Rồi tôi cũng theo chị về đến khu vườn. Tận mắt thấy chị lọt hẳn người vào bên trong căn phòng, tôi mới yên tâm trở về nhà.

Chưa kịp thay quần áo, đã nghe tiếng cười vui rộn rã từ bên chị. Đứng thập thò bên ngoài, tôi chẳng nghe rõ được gì ngoài tiếng thằng Hoàng: “Đó, mẹ say mẹ mới chịu lộ bí mật. Vậy mà mẹ giấu tụi con. Rõ ràng là mẹ có tiền. Mẹ nhớ mua xe mới cho tụi con. Mẹ hứa đi”.

Mấy hôm sau, tôi thấy thằng Hoàng cưỡi chiếc xe đạp mới toanh, mặt cứ vênh lên, ra chiều đắc thắng. Còn chị, một khuya nơi gốc khế, lại xoa mái tóc cụt ngủn của mình: “Thằng Hoàng nói có nhờ chú Út. Cũng may là ông bạn không đi tìm chị”.

***

Tôi vẫn sang chị mỗi ngày. Bọn nhóc vẫn rất quý chú Út. Và chị, vẫn chẳng hơn gì: ông bạn. Thế cũng được rồi.

Tôi phát hiện thêm những điều thú vị từ chị. Như sự hài hước thông minh, ghiền phim hành động. Hỏi xem lúc nào. Chị bảo lúc tôi và bọn nhóc đã ngủ khì. Xem xong còn chờ tôi sang để kể lại. Tôi mê cái lối kể đầy hăm hở của chị. Cứ như trẻ con. Tôi chợt nhận ra một Dã Lan thơ dại bên một Dã Lan già nua. Một Dã Lan tự nhiên hồn hậu bên một Dã Lan khinh bạc bất cần.

Hôm đám cưới tôi, chị vui lắm. Sang nhà tôi sửa soạn, chuẩn bị trước cả tuần. Chị khéo tay nên nhận phần trang hoàng. Minh, vợ tôi có cảm tình với chị ngay từ lần đầu gặp. Một lần thấy hai người đứng sát nhau, tôi cắc cớ hỏi: “Ai là hoa hậu đây?”. Chị cười khanh khách chỉ Minh, xong chỉ vào mình: “Còn đây là mẫu hậu”. 

Hôm Minh đi sinh, tôi hoảng quá băng qua hàng rào réo: “Chị ơi, làm sao giờ? Vợ em muốn đẻ rồi”. Lúc oằn người trong những cơn đau ở phòng phụ sản, Minh cũng kêu: “Em không chịu nổi rồi. Chắc em chết quá, mẫu hậu ơi!”. Hôm từ bệnh viện về, chị được mẹ tôi nhờ đưa mẹ con Minh từ taxi vào nhà, vì muốn hưởng chút “dớp” trong chuyện nuôi dạy con của chị.

Chị chẳng mấy khi sổ mũi nhức đầu nhưng đã ốm thì trận nào ra trận ấy. Cứ khoảng hai năm chị lại ốm một lần. Chẳng rõ bệnh gì nhưng cứ như người cạn kiệt sức lực và sắp chết đến nơi. Hoàng than thở: “Bác sĩ nói mẹ bị suy nhược thần kinh lại làm việc quá mà chẳng chịu bồi bổ”. Hoàng thường chăm lo cho mẹ mọi thứ xong rồi mới ôm cặp đến trường. Trước khi đi, không quên gọi với sang bên tôi: “Chú Út coi chừng giùm mẹ cháu với nhé!”.

Tôi thương quá hình ảnh chị lả người, má hóp, mắt sâu, dán mình trên giường theo từng cơn nóng, lạnh. Chị hay khóc vào những lúc đó, khi chỉ có một mình. Có lần tôi bắt gặp, trái tim mềm nhũn ra, vội bỏ ra dưới gốc khế, rưng rưng nhìn hoa tím rơi ngập sân. Sao mà khế ra nhiều hoa đến thế những lần chị đổ bệnh.

Chị ốm thêm ba, bốn lần gì đấy. Và say, say thật, đúng hai lần nữa thì chị mua được nhà. Vẫn thế một kiểu say: phóng xe tà tà rồi về phòng lục bằng hết tiền, vàng, sổ tiết kiệm ra khoe với con. Tôi vừa mừng vừa buồn, khi biết, chị gầy dựng được cho các con mình một mái nhà.

Hoàng giờ đang học năm cuối. Bé Tiên vừa xong cấp một. Mấy đứa đều ghiền em bé nên Minh vợ tôi rất được nhờ. Con bé nhà tôi được các anh chị ẵm bồng suốt ngày. Tiên không còn mê chuyện con khỉ nhưng con gái tôi lại ưa mẫu hậu kể chuyện Chú sóc nâu của bà. Mẫu hậu kể bằng giọng kéo dài giễu cợt, còn đôi mắt lém quá chừng cộng với mái tóc cụt ngủn. Tếu không chịu được.

Chị học ngoại thương nhưng được giao toàn những việc sát thương khi ra trường. Vợ tôi mừng: “Cái chính là chị Lan có được công việc ổn định”. Chị bỏ việc ở quán nhậu nhưng vẫn lóc xóc cà phê cóc ở sân ga. Chị bảo ghiền quá rồi. Ghiền được dậy sớm, ra đường trong cái vắng vẻ, thênh thang. Ghiền nghe tàu xe, ghiền mùi cà phê, ghiền những nhộn nhạo, phức tạp quanh mình.

Tôi hay ghé lại chỗ chị. Ngồi một chút. Đủ để nhâm nhi một ly đen đặc quánh và dõi theo một đoàn tàu đi qua.

***

Bữa tiệc nhà mới của chị rất ít khách mời. Vợ tôi bận con nhỏ.

Chị vui suốt bữa ăn. Và ăn rất nhiều. Nhưng không hề nhắp lấy một giọt. Bưng ly trà đá cụng với mọi người, chị xoa tóc rồi cười: “Tôi mà say là rất xấu hổ. Xin thông cảm”. Và quay qua tôi nheo mắt: “Đúng không, ông bạn!”.

Tiệc tan, chị đưa tôi ra tận đầu hẻm và chần chừ mãi, không muốn trở vào.

Chúng tôi đứng rất lâu trên hè đường và không dưng, cùng quay về hướng nhà cũ, nơi tôi sắp trở về và chị vừa rời xa.

Tôi biết chị và các con chưa bao giờ thuộc về căn phòng ấy, khu vườn ấy nhưng cả chị lẫn bọn nhỏ đều rất thích sống tại đó. Như chị chưa bao giờ thuộc về tôi nhưng luôn thích có tôi. Tôi chỉ là ông bạn, ông bạn của Dã Lan. Một ông bạn không hơn và chẳng kém.

Những run rủi đã đẩy tôi đến và vướng vào chị. Chỉ một chặng đời. Rồi qua.

Người đàn bà tóc tém, ưa xem phim hành động và kể lại bằng một giọng quá nhiều háo hức rất đỗi trẻ thơ. Người đàn bà có rất nhiều sách dịch, múa xích xe, ơ thờ khoác lên vai và nghênh ngang bước... 

Người đàn bà của tôi: gốc khế, ban trưa, những giọt lệ chiều... Cơn mưa dầm và câu “Mẹ không ế”.

Người đàn bà của tôi: khoảnh sân, khu vườn, căn phòng tối, chén mắm nêm, những trái ớt hiểm xanh, cay sè...

Mẫu hậu của tôi. Tiếng cười giòn, cách xoa tóc ngập ngừng, đôi mắt xám tro sũng nước...

Vậy nhé! Một chặng đời. Hãy cho tôi được giữ...   

Truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.