Sinh viên hãy tự mình “chữa bệnh”

13/05/2009 22:14 GMT+7

Nhắc đến sinh viên (SV), là nghĩ ngay đến sự tự tin, năng động, tham vọng, nhiệt tình và đầy bản lĩnh – là những lời khen hết sức tốt đẹp mà cả xã hội luôn dành tặng. Thế nhưng vẫn còn đó rất nhiều “bệnh” mà chúng ta – là SV – lớp người đang được kỳ vọng nhất đã mắc phải và dần trở thành mãn tính.

Đó là hội chứng “ham ngủ”, ngủ quá nhiều. Mà tất cả những lý do biện minh không phải bởi vì dành quá nhiều thời gian cho việc học mà là vì “nghiện” những trò chơi vô bổ. Ngạc nhiên thay, đây lại là một căn bệnh không phải của riêng ai, mà đó lại là đặc điểm chung của SV, thậm chí có ý kiến đây là căn bệnh “nặng” nhất nên không “chữa” được. Nhiều SV hồn nhiên tâm sự: “Tụi tớ ngủ nhiều hơn đi học, có lúc thì đến 9, 10 giờ, có khi “nướng” đến chiều”. Không ít SV lại cho rằng việc ngủ nhiều là có lợi bởi có thể tiết kiệm được tiền bạc, thay vì thức thì phải ăn sáng, ăn trưa, còn ngủ thì tiết kiệm được khoản ấy.

Không chỉ ngủ ở nhà, ở phòng trọ. Nhiều SV “đem” cả giấc ngủ của mình đến tận giảng đường. Mặc cho những tiết dạy trôi qua, SV chỉ biết mơ màng nhắm tít mắt. Chính vì thế sẽ không ngạc nhiên nếu thấy được những giảng đường, những sảnh trường, phòng học biến thành phòng ngủ tập thể.

Từ “bệnh” ngủ lại dắt dây đến một “bệnh” khác của SV, đó là “giờ cao su”. Có lẽ sẽ ngạc nhiên khi chúng ta biết được rằng, 7 giờ kém 10 chuông reo vào tiết nhưng tận 8 giờ nhiều bạn mới lững thững đến trường. Có những tiết dạy mà giảng viên như diễn viên phải chờ khán giả - là SV - đến cả tiếng đồng hồ. Hay những buổi sinh hoạt ngoại khóa, thời gian diễn ra muộn hơn so với dự kiến chừng một tiếng trở lên đã quá đỗi quen thuộc bởi lẽ “giờ cao su” như đã ăn sâu vào tiềm thức SV.

Tất cả những thói quen, hội chứng không tốt ấy là hệ quả tất yếu của phép kéo theo. Điều này thực hiện không tốt sẽ dẫn đến điều kia. Chính vì thế, bệnh “thừa tự ti thiếu tự tin” cũng là kết quả được báo trước. Vì không đọc sách báo, không thể hiểu những vấn đề tưởng chừng đơn giản trong cuộc sống thường nhật nên khi tiếp xúc với những câu chuyện có liên quan thường co cụm và sợ sệt.

Và cũng bắt đầu từ nguyên do này đã làm cho SV mất đi sự tự tin khi nói trước đám đông, khi phải thuyết trình, phát biểu bởi kiến thức không có. Đấy là chưa kể đến việc SV thiếu những kỹ năng mềm cơ bản nhất hay những yếu kém trong trình độ ngoại ngữ dù rằng ít nhất khi trở thành SV bạn đã học Anh văn 7 năm.

Và còn nhiều, rất nhiều căn bệnh khác. Là đua đòi ăn mặc tươi mát, hở hang, là thói xài tiền không cần nghĩ, là những câu tiếng lóng thô thiển khó nghe, là ý thức cộng đồng quá kém… đã cùng góp phần thêm “bệnh” vào “kho bệnh” vốn dĩ đã quá nặng.

Tuy nhiên, chúng ta – là những SV, hãy tự nhìn lại mình và thấy rằng, tất cả những “căn bệnh” kia tuy bị ghán ghép là “kinh niên”, là “mãn tính”, là “vô phương cứu chữa” nhưng thật sự chỉ là những điều đơn giản, chúng ta có thể tự chữa. Nếu quyết tâm chúng ta sẽ làm được. Cân đối thời gian biểu hằng ngày, dành thời gian cho việc học, hãy tự mình định hướng về tương lai của bản thân… hay đơn giản chỉ đến lớp đúng giờ.

Như vậy là chúng ta đã tự mình chữa bệnh được rồi đấy!

Nguyễn Thanh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.