Trường Sa, Hoàng Sa vào sách giáo khoa

06/05/2009 00:12 GMT+7

Sau Đà Nẵng, Khánh Hòa là địa phương thứ 2 đưa những kiến thức địa lý - lịch sử về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào chương trình trung học và tiểu học.

Có thể là chậm khi tới bây giờ Hoàng Sa và Trường Sa mới xuất hiện trong những bài giảng ở học đường, nhưng nghĩ cho cùng, hiểu và yêu Tổ quốc thì không bao giờ là chậm cả.

Chúng ta thường nói: đất nước Việt Nam ta hình chữ S từ Lũng Cú tới Cà Mau, nhưng đó là đất nước ở phần “đất”. Còn một phần nữa cũng vô cùng máu thịt suốt một dải trập trùng biển đảo, đó là phần “nước” mà đã là người Việt Nam thì không được phép quên, không thể thiếu hiểu biết về nó. Yêu là hiểu, càng hiểu thì càng yêu. Không ai mới sinh ra đã biết yêu nước, phải học để biết yêu Tổ quốc mình. Và phải học để yêu suốt cuộc đời.

Một em bé khi tới trường phải được học: đất nước ta rộng lớn lắm, có Hoàng Sa, Trường Sa và rất nhiều hòn đảo khác thuộc về đất nước ta từ xa xưa, khi tổ tiên chúng ta giong buồm đi tới những quần đảo ấy để cắm mốc thể hiện chủ quyền. Dù vật đổi sao dời thế nào, thì một tấc đất của Tổ quốc cũng chính là Tổ quốc. Những bài học giản dị nhưng sinh động ấy không chỉ cần thiết cho các thế hệ học trò, mà cần thiết cho tất cả mọi người Việt Nam. Người già cũng cần học để biết yêu sâu sắc, yêu thấm thía và đầy trách nhiệm với Tổ quốc mình, nữa là các bé thơ, là những thiếu niên đang ngồi trên ghế nhà trường. 

Lâu nay, sở dĩ những bài học về lịch sử, địa lý trong sách giáo khoa chưa thu hút được học sinh hoặc khiến học sinh cảm thấy nhàm chán vì chúng được viết quá khô khan, chỉ toàn những sử liệu và con số mà thiếu hẳn ngọn lửa của lòng yêu nước, của niềm tự hào dân tộc phả vào từng con chữ trong mỗi bài giảng. Khi người viết thiếu nhiệt tâm, người giảng thiếu nhiệt tình thì bài giảng sẽ trở nên khô khốc. Và cái cách mà chúng ta hay đưa ra những dẫn chứng về sự thiếu hụt và lẫn lộn kiến thức lịch sử, địa lý trong các bài thi của một số học sinh để… cười, lại chính là cách ta tự phê về sự khiếm khuyết của môn học lịch sử và địa lý trong nhà trường. Đó là điều cần phải sớm chấm dứt. 

Tôi nghĩ, Đà Nẵng và Khánh Hòa đã đi trước một bước khi đưa Hoàng Sa và Trường Sa vào những bài giảng trong sách giáo khoa địa lý và lịch sử. Nhưng không phải vì Trường Sa là thuộc Khánh Hòa, còn Hoàng Sa thuộc Đà Nẵng mà chỉ hai địa phương này đưa hai huyện đảo của mình vào sách giáo khoa. Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, và tất cả các thế hệ học sinh Việt Nam phải được biết, phải được học thấu đáo về lịch sử và địa lý của hai quần đảo này, để Hoàng Sa và Trường Sa mãi mãi sống trong tâm thức, trong trí óc và trong tình yêu của mỗi học sinh Việt Nam. Nhiều khi, chính những bài học từ những nỗi đau trong lịch sử lại khiến những thế hệ hôm nay và mai sau học được rất nhiều điều, chiêm nghiệm được rất nhiều điều. Và biết yêu sâu sắc Tổ quốc từ đấy.    

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.