Coi chừng ngộ độc nấm!

02/05/2009 18:40 GMT+7

Sau những cơn mưa đầu mùa là thời điểm các loài nấm mọc lên rất nhiều. Bài viết dưới đây nhằm cảnh giác một số loại nấm gây độc cho cơ thể.

Những loại nấm độc

Báo Thanh Niên số ra ngày 9.4.2009 vừa qua có đưa tin về vụ 3 học sinh ở Nghệ An bị tử vong vì ăn phải nấm độc. Sau những cơn mưa đầu mùa, ở những vùng ngoại thành, ở quê, các loại nấm mọc lên khá nhiều, nhất là ở bìa rừng, triền đồi. Nấm là thực phẩm vừa ăn ngon, vừa có nhiều dinh dưỡng. Nhưng cũng có những loại nấm rất độc, nếu ăn phải rất dễ tử vong. 

Ở khía cạnh y học cổ truyền, lương y Vũ Quốc Trung cho biết có một số loại nấm độc sau đây: nấm bắt ruồi (amanita  muscaria Fr.) - loại nấm này có mũ tròn và dẹt, màu vàng hoặc vàng da cam, trên nắp mũ có núm màu vàng hoặc trắng, mặt dưới xòe ra như hình bánh xe, cuống nấm hơi to và thô. Nấm này chứa muscarin (một loại kiềm sinh vật, rất độc). Khi ăn nấm này vào nó ủ bệnh từ 1 - 6 giờ, và triệu chứng đầu tiên biểu hiện là viêm dạ dày, viêm ruột cấp, nôn mửa, tiêu chảy, chảy nước dãi, đổ mồ hôi rất nhiều, đồng tử hai mắt co lại, mất phản xạ ánh sáng. Nếu ngộ độc nặng, cơ thể nhợt nhạt, co quắp, chết bởi tê liệt trung khu thần kinh hô hấp.

Tiếp nữa là nấm chó (nấm Amanita phalloides) - nấm này có mũ trắng, bẹt, đường kính khoảng 10 cm, có loại màu lục, màu xanh lục, cuống nấm màu trắng, hơi có vảy, phần trên cuống có vòng, phần dưới cuống có những cục xù xì nổi lên. Đây là nấm rất độc. Nấm chó có chứa hoạt chất gây tán huyết, làm hạ đường huyết, gây thoái hóa tế bào. Triệu chứng ngộ độc do nấm chó xuất hiện chậm (9 - 11 giờ sau khi ăn), vì thế rất nguy hiểm, bởi khi đó chất độc đã xâm nhập sâu vào máu. Thường bắt đầu bằng nôn mửa, tiêu chảy (có thể có máu), đau bụng dữ dội ở vùng thắt lưng, vã mồ hôi, bí tiểu (do mất nước và mất muối). Người bị ngộ độc có những lúc như đỡ đi, nhưng rồi sẽ trở lại nặng hơn, sau cùng là gan to, hôn mê và tử vong (thường vài ngày sau khi ăn). Tỷ lệ tử vong khi trúng độc nấm chó lên đến 90%.

Ngoài ra còn có một số nấm gây độc khác như: nấm Amanita verna; nấm Amanita verosa; nấm Amanita pantherina; Lepiota helveola; Stropharis coronilla; Psalliota xanthederma... 

Phòng ngộ độc nấm 

Theo lương y Vũ Quốc Trung, trước hết chỉ nên dùng những loại nấm mà chúng ta biết rất rõ. Những loại nấm không rõ, nghi ngờ thì không nên dùng nếu chưa có kinh nghiệm phân biệt các loại nấm với nhau. Những biện pháp như xem sâu có đục nấm không, kiến có ăn không, hay rửa nước muối, ngâm giấm, đun sôi chỉ có hiệu quả đối với vài loại nấm. Cũng cần lưu ý là nấm bị hư cũng có thể gây ngộ độc; đặc biệt phần lớn những loại nấm độc thường có màu rực rỡ, và côn trùng thường không ăn, không đụng đến chúng.  

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.