Mua bán hợp đồng đầu tư căn hộ không ai quản lý

29/04/2009 11:24 GMT+7

Sáng 28-4, tại hội thảo góp ý báo cáo “Quản lý nhà nước đối với thị trường khu đô thị mới, căn hộ chung cư và văn phòng cho thuê” do Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương tổ chức, nhiều ý kiến đề cập đến bất cập trên thị trường căn hộ.

Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM -  cho rằng trong khi Nhà nước quản lý khá chặt việc huy động vốn của chủ đầu tư, nhưng lại chưa có quy định để buộc chủ đầu tư sử dụng vốn đúng mục đích. Cơ chế ràng buộc chủ đầu tư chỉ được huy động vốn từ người mua sau khi xây xong phần móng. Nhưng sau đó chủ đầu tư có sử dụng vốn đã huy động được để tiếp tục triển khai dự án hay đem đầu tư vào nơi khác thì chẳng có quy định nào ràng buộc. Hậu quả của kiểu quản lý chỉ một phần này là nhiều dự án kéo dài, gây thiệt hại cho người mua.

Nhiều ý kiến cũng bức xúc về tình trạng mua nhà nhưng chậm có giấy chủ quyền. Theo giám đốc một doanh nghiệp, lý do mà cơ quan quản lý nhà nước đưa ra là chờ dự án hoàn thành, thủ tục hoàn công được hoàn tất rồi mới cấp giấy. Tuy nhiên, đây là vấn đề phát sinh giữa chủ đầu tư và cơ quan quản lý, còn quyền lợi của người dân vẫn phải được đảm bảo. “Không có sổ, mua bán khó khăn, cũng chẳng thế chấp được...” - vị giám đốc này nói.
 
Cũng liên quan đến quản lý, ông Trần Minh Hoàng - chủ tịch HĐQT Công ty Vinaland - nêu tình trạng thả nổi trong giao dịch ở thị trường thứ cấp đối với các sản phẩm đang trong quá trình xây dựng - chủ yếu còn ở dạng hợp đồng với chủ đầu tư. “Một căn hộ ở một dự án nào đó có thể được mua bán sang tay hàng chục lần, tất cả các giao dịch này đều phải thông qua chủ đầu tư, nên việc kiểm soát hay quản lý đâu có khó khăn gì nhưng chẳng có ai làm…” - ông Hoàng nói.

Tình trạng bỏ trống khâu kiểm soát đối với thị trường này không chỉ khiến Nhà nước thất thu thuế rất lớn, mà bản thân nhà đầu tư cũng không an tâm vì thiếu các cơ sở pháp lý.

Công cụ pháp lý ràng buộc trách nhiệm nhà đầu tư thì có nhiều, nhưng các quy định về chế tài lại chưa đầy đủ nên quyền lợi của người mua căn hộ không được bảo vệ. Theo ông Lê Hoàng Châu, chuyện tranh chấp phát sinh giữa chủ đầu tư với người mua căn hộ thời gian qua chủ yếu xuất phát từ tình trạng không rõ ràng vai trò của chủ đầu tư đối với dự án. 

“Lẽ ra phải có điều luật xác định cụ thể thời điểm kết thúc vai trò của chủ đầu tư trong dự án, chẳng hạn sau khi bán hết căn hộ của dự án, chứ không nhập nhằng như thời gian qua…” - ông Châu nói.

Theo H.ĐĂNG / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.