Nguy cơ từ bột ngọt không rõ nguồn gốc

27/04/2009 15:05 GMT+7

Tình trạng bột ngọt “ba không”: không nhãn mác, không hạn sử dụng, và không nguồn gốc xuất xứ lưu hành trên thị trường ngày càng nhiều, tiềm tàng nguy cơ đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Tuần qua, Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) một số cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn. Tại một số chợ, còn hiện tượng bán bột ngọt gói lẻ không nhãn phụ, không hạn sử dụng. Thực tế, tình trạng bán bột ngọt bao gói lẻ không nhãn mác đã "khiêm tốn" hơn về hình thức trước sự kiểm tra của các cơ quan chức năng. Thay vì bày bán thoải mái như trước, nay chủ hàng cất kín, chỉ đưa ra khi có khách. Đáng lưu ý, loại bột ngọt bao lớn (25 kg) đã xuất hiện hàng nhập lậu kém chất lượng.

Ông Dương Văn Sinh (Chi cục Quản lý thị trường Lạng Sơn) cho biết: “Vừa qua, lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ hơn 2.600 kg bột ngọt nhập lậu qua biên giới, loại 25 kg/bao. Có nhiều hình thức gian lận tinh vi: bao bì in giả nhãn một số loại bột ngọt có uy tín từ nước ngoài vận chuyển vào VN, họ làm giả một số loại bột ngọt trong nước được kiểm soát chất lượng”. Theo ông Sinh, cơ quan chức năng đã thu giữ, tiêu hủy hơn 360 kg vỏ bao giả nhãn hiệu bột ngọt.

Bột ngọt loại 25 kg/bao được nhập lậu qua các tỉnh biên giới, đặc biệt là Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Kiên Giang, Long An... Chúng được đóng thành những gói nhỏ đựng trong bao nilon không ghi nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng, chưa được cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng. Để ngăn chặn tình trạng trên, yêu cầu các chi cục quản lý thị trường, đặc biệt các tỉnh nêu trên phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra tại các khu vực biên giới, giám sát các kho chứa hàng giáp khu vực biên giới vào nội địa, kiểm tra hồ sơ nhập khẩu... nhằm ngăn chặn việc vận chuyển bột ngọt nhập lậu vào nội địa".

Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương

Người tiêu dùng có thể nhận biết bột ngọt giả, các mép túi bột ngọt giả bao gói không sắc nét, hạn sử dụng không rõ ràng hoặc không có, túi có bọt khí vì đóng gói thủ công, có màu trắng đục hơn.

Tiềm ẩn nguy hại

Theo kết quả phân tích của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng với mẫu bột ngọt nhập lậu cho thấy: Hàm lượng glutamate tinh khiết cao nhất chỉ đạt 96,48%, trong khi theo quy định của Bộ Y tế, hàm lượng này phải đạt từ 99%. Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường nói: "Người tiêu dùng không nên sử dụng bột ngọt không rõ xuất xứ, vì nó không đảm bảo ATVSTP, có thể gây nguy hại cho sức khỏe". Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, việc sử dụng những loại gia vị như bột ngọt không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng nếu chúng bị nhiễm tạp chất. Nhẹ thì gây ra ngộ độc cấp, với biểu hiện đau đầu, chóng mặt. Về lâu dài, có thể gây ngộ độc mãn tính. Ông Chu Quốc Lập, nguyên Phó cục trưởng Cục ATVSTP khuyến cáo: “Đã không rõ nguồn gốc thì không kiểm soát được chất lượng, không xác định được độ tinh khiết của sản phẩm, lượng hóa chất nguy hại bị nhiễm trong đó. Ngay cả quy trình bao gói, vệ sinh nhà xưởng, con người tham gia việc bao gói không đạt tiêu chuẩn sẽ khiến cho sản phẩm rất dễ nhiễm các vi sinh gây bệnh đường tiêu hóa".

Nam Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.