Bản quyền mỹ thuật

19/04/2009 23:02 GMT+7

Tại hội thảo "Bản quyền tác giả trong lĩnh vực mỹ thuật Việt Nam - Thực trạng và giải pháp" diễn ra hồi cuối tháng 3, các chuyên gia Na Uy đã chia sẻ những kinh nghiệm đáng chú ý về vấn đề bản quyền.

Với tham luận BONO và việc quản lý bản quyền của các nghệ sĩ ở Na Uy, ông Harald Holter - Giám đốc điều hành BONO (cơ quan bảo vệ bản quyền của các nghệ sĩ mỹ thuật Na Uy) đã dẫn ra tình hình hoạt động và chức năng của cơ quan này. BONO được thành lập năm 1992, đến nay đại diện cho 1.900 nghệ sĩ thị giác của Na Uy. Chỉ cần nghệ sĩ ký thỏa thuận với BONO, cơ quan này sẽ đại diện cho nghệ sĩ để cấp giấy phép sử dụng tác phẩm cho người sử dụng. Cơ chế cấp giấy phép cũng thật linh hoạt để tránh thiệt hại cho các nghệ sĩ. Với những hợp đồng đơn giản, BONO sẽ ký thay tác giả. Nhưng với những hợp đồng có giá trị lớn bao giờ BONO cũng thông báo cho tác giả cùng tham gia thỏa thuận hợp đồng. Theo ông Harald Holter thì lúc đầu những người sử dụng tác phẩm cũng phản ứng khi phải trả thêm một khoản tiền mà từ trước đến nay họ không phải trả. Nhưng về sau họ cảm thấy thuận lợi hơn khi liên hệ BONO, thay vì phải tìm kiếm hàng trăm nghệ sĩ khi có việc. Công việc tiến triển từ đó.

Ở Việt Nam hiện nay đã có trung tâm bảo vệ tác quyền trong lĩnh vực âm nhạc, văn học bước đầu cũng tạo được bước đi tốt, nhưng ở lĩnh vực mỹ thuật thì một tổ chức tương tự như BONO đến nay vẫn chưa thấy. Trước đây, mỗi tác phẩm mỹ thuật khi đăng ký quyền bảo hộ chỉ mất 50.000 đồng. Nhưng từ 10.2.2009, Thông tư số 29/2009/TT - BTC của Bộ Tài chính quy định mỗi tác phẩm thuật tạo hình, ứng dụng khi đăng ký bản quyền phải đóng 400.000 đồng. Thử tính một gallery có hàng trăm, hàng nghìn bức tranh, nếu đăng ký bản quyền không biết sẽ mất bao nhiêu? Cho nên sự "tăng giá" đột ngột này xem ra khó lòng khuyến khích việc bảo vệ bản quyền mỹ thuật hiện nay.

Bà Hilde Sjggestad - luật sư, cố vấn pháp luật của Hiệp hội nghệ sĩ mỹ thuật Na Uy, cũng đề cập đến một đạo luật gọi là Quyền từ việc bán lại được chính phủ Na Uy thông qua năm 2007. Theo đó, mỗi tác phẩm đã được nghệ sĩ bán đi, nếu tiếp tục bán lại cho người thứ ba thì tác giả vẫn được hưởng từ 4 - 5% với những hợp đồng giá dưới 50.000 euro hoặc 0,25% với những tác phẩm có giá cao hơn. Các nhà đấu giá, trong đó có cả những "đại gia" như Sotheby, Christie đều muốn chống lại quy định này, nhưng hầu như thất bại.

Từ những kinh nghiệm trên của Na Uy, thiết nghĩ ở ta cần tham khảo.

Quang Thi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.