Khán giả ngoài rạp

19/04/2009 22:56 GMT+7

Nhiều người cho rằng cải lương đang khủng hoảng, vé bán tại rạp không được bao nhiêu. Nhưng thực ra vẫn đang có những dòng chảy thầm lặng...

Chính vì khó trụ lại các rạp nên các đơn vị cải lương nhà nước bị "kêu rêu" là làm ăn không hiệu quả, tốn tiền kinh phí hằng năm. Nhưng thực ra, các đơn vị này vẫn có một lượng khán giả khác, thậm chí là rất lớn. Bởi đoàn nhà nước phải lưu diễn khắp nơi để đủ chỉ tiêu phục vụ được giao mỗi năm.

Nghệ sĩ Giang Mạnh Hà, Trưởng đoàn cải lương Đồng Nai, cho biết: "Chúng tôi nhận chỉ tiêu 150 suất/năm, nhưng năm nào cũng vượt hơn cả. Coi như trung bình 2 đêm diễn một suất, mà mỗi suất thường là cả ngàn người xem".

Đoàn Đồng Tháp, Cà Mau, Long An, Nhà hát Trần Hữu Trang… cũng có chỉ tiêu cũng xấp xỉ như thế. Sở dĩ có lượng khán giả cao vì các đoàn chịu khó về vùng sâu vùng xa, thậm chí ra miền Trung, miền Bắc, đến tận các đảo xa, các đơn vị quân đội, trại giam, nhà máy… diễn cho bà con nghèo hoặc bộ đội, công nhân, phạm nhân. Giá vé rất rẻ, trung bình từ 6.000 - 15.000đ, hoặc có đơn vị mua dàn trọn gói chỉ trên dưới 10 triệu đồng.

Công nhân tiền lương thấp làm sao mua nổi vé năm, bảy chục ngàn? Chúng tôi về diễn, họ mừng lắm. Rồi anh em bộ đội nữa, họ xem cải lương bằng cả trái tim.
Nghệ sĩ Giang Mạnh Hà, Trưởng đoàn cải lương Đồng Nai

Dĩ nhiên, đoàn tỉnh thì diễn viên chỉ vừa vừa mà thôi, có người đoạt giải Trần Hữu Trang hoặc giải nào đi nữa thì cũng không phải là "ngôi sao". Họ lặng lẽ làm nhiệm vụ "xóa đói" văn hóa cho khán giả nơi ấy, lặng lẽ giữ cho cải lương chảy trong lòng người. Khán giả vẫn yêu mến họ, nên mỗi năm các đoàn thường "đến hẹn lại lên", trở lại địa phương biểu diễn.

Anh Minh Mẫn, Trưởng đoàn Đồng Tháp, chia sẻ: "Chúng tôi diễn tại các trại giam, có nhiều anh, chị phạm nhân còn "nổi tiếng" hơn nghệ sĩ chúng tôi vì báo chí đăng tin, đăng ảnh quá nhiều. Mới đầu chúng tôi cũng ớn lắm. Không ngờ, mấy chị đã phân công nhau đi hái hoa rừng từ hồi chiều, khi chúng tôi diễn xong là kéo lên tặng hoa, làm chúng tôi cảm động quá chừng. Cho nên chúng tôi rất vui vì nghĩ mình vẫn có ích cho khán giả chứ không phải xài tiền kinh phí một cách vô nghĩa".

Anh Giang Mạnh Hà cũng nói: "Công nhân tiền lương thấp làm sao mua nổi vé năm, bảy chục ngàn? Chúng tôi về diễn, họ mừng lắm. Rồi anh em bộ đội nữa, họ xem cải lương bằng cả trái tim". Rõ ràng, đoàn nhà nước vẫn phát huy hiệu quả theo một cách khác chứ không hoàn toàn là gánh nặng bao cấp.

Nhưng vấn đề ở đây là khái niệm "khán giả" được hiểu theo một nghĩa khác. Ông Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, nói: "Khán giả thường được hiểu là những người chịu mua vé đến xem biểu diễn chứ không phải những người được xem miễn phí. Sân khấu hấp dẫn họ như thế nào để họ chịu bỏ tiền ra, thì họ mới đích thực là khán giả. Nghĩa là sân khấu phải tham gia thị trường. Làm nhiệm vụ "xóa đói" văn hóa là đúng, nhưng quan trọng là chúng ta tổ chức thế nào để đừng nhập nhằng giữa thị trường và phục vụ, thì mới đánh giá được lượng khán giả".

Chính vì thế, cần đặt thêm một bài toán về tổ chức đơn vị nghệ thuật sao cho họ vẫn sống được, vẫn có nhiệm vụ cụ thể, mà vẫn không bị "kêu rêu". Nhưng, nói cho cùng, dù người xem có bỏ tiền ra hay được miễn phí, thì tác phẩm sân khấu cũng đã đến với họ, cũng có tác dụng văn hóa, hơn là bỏ trống trận địa. Và không thể không ghi nhận chuyện cải lương vẫn sống mạnh mẽ nhờ dòng chảy thầm lặng này.

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.